Sáng 13.1.2016, tại TP Quy Nhơn, Bình Định, UBND tỉnh phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ”. Tham dự hội thảo có các Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu Lịch sử, Ngôn ngữ; Văn hóa; đặc biệt, có Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục GP Qui Nhơn và một số linh mục.
Hội thảo được tổ chức nhằm hướng đến mục đích khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học tiến trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ, trong đó có vai trò quan trọng của đất và người Bình Định - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu và phát triển, phổ biến chữ Quốc ngữ ở các giai đoạn tiếp theo, cũng như vai trò của các Thừa sai truyền giáo tại vùng đất này.
Ban tổ chức đã nhận được 72 tham luận của 67 tác giả, trong đó có 26 tham luận về “Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, 22 tham luận về “Sự đóng góp của Bình Định vào tiến trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, 24 tham luận về “Chữ Quốc ngữ với sự phát triển nền văn hóa dân tộc”. Phía Công giáo có 3 tham luận của linh mục Gioan Võ Đình Đệ (GP Qui Nhơn) về Vai trò các Thừa sai dòng Tên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn - Bình Định; linh mục FX Nguyễn Hai Tính, SJ, về Sách giáo lý của linh mục Girolamo Maiorica và sáng kiến hội nhập văn hóa và linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn (TGP.TPHCM) về Việc thống nhất cách đặt dấu giọng trên vài vần cho phù hợp với khoa ngôn ngữ học hiện đại.
Sau khi thẩm định nội dung các tham luận, Ban tổ chức Hội thảo đã đánh giá hầu hết đều đảm bảo chất lượng và vượt số lượng dự kiến ban đầu, đáp ứng mục đích yêu cầu của Hội thảo đặt ra là làm sáng tỏ những đóng góp của Bình Định trong giai đoạn đầu sáng tạo hình thành chữ Quốc ngữ (1618-1622), cũng như các giai đoạn tiếp theo phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). Đặc biệt, những bài viết về lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ đều xác định Nước Mặn - Bình Định là nơi khởi nguồn chữ Quốc ngữ.
Được biết, năm 1618, linh mục Dòng Tên Cristoforo Borri đến Ðàng Trong. Sau đó phần lớn thời gian ông lưu lại tại Nước Mặn (nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh) trước khi sang Macao vào năm 1622. Trong thời gian truyền giáo tại Nước Mặn, ông cùng hai linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina viết tác phẩm “Tường trình về Khu Truyền giáo Ðàng Trong” bằng tiếng Ý, đây là tài liệu in đầu tiên có một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai.
Phục Lễ
Bình luận