NGỌC QUỲNH
Trong hơn 40 năm linh mục, cha Đaminh Trần Xuân Thảo - GP Xuân Lộc luôn hết mình trong công việc với một tấm lòng yêu thương, quan tâm và mong muốn người nghèo có được một cuộc sống tươi đẹp hơn.
1.Năm 1968, sau khi được thụ phong linh mục, cha Thảo nhận bài sai về coi giáo xứ Thái Hiệp, GP Xuân Lộc, đồng thời lo phần tinh thần cho các tù nhân Công giáo tại trại giam Tân Hiệp - Biên Hòa. Vừa trẻ lại chưa có nhiều kinh nghiệm mục vụ cho các tù nhân nên những ngày đầu cha phải nỗ lực rất nhiều mới có thể bắt chuyện với họ. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, bằng tấm lòng chân thành, vị mục tử trẻ đã trở nên chỗ dựa tinh thần của những người trong cảnh lao tù. Cũng trong thời gian này, cha còn giúp tiêu thụ các sản phẩm được làm bằng len do chính họ thực hiện. Đặc biệt, cha Thảo còn là cầu nối để chuyển thuốc men của Đức Thánh Cha Phaolô VI tặng cho các tù nhân qua Tòa Khâm sứ Tòa Thánh thời bấy giờ.
Sau một thời gian coi xứ và tiếp xúc với các tù nhân, qua những trải nghiệm riêng tư, cha tâm niệm “đời linh mục phải giúp cho mọi người hiểu đạo và người Công giáo hiểu đời”.
Sau 7 năm phục ở giáo xứ Thái Hiệp, cha được Bề trên chuyển về coi sóc giáo xứ Hà Nội. Thời điểm này, đất nước vừa thống nhất, giáo dân xứ Hà Nội khi đó hoang mang, lo lắng, một số người muốn vượt biên, bỏ xứ. Nhận xứ mới với vô vàn thử thách nhưng bằng sự khôn ngoan, khéo léo, cha từng bước động viên, tạo niềm tin nơi những con chiên.
Cùng với các cộng sự trong Ban Loan báo Tin Mừng |
Đầu tiên, cha bắt tay tạo công ăn việc làm cho giáo dân qua việc lập trại nuôi heo. Nhận thấy bà con trong vùng có nghề đan cót truyền thống, cha khuyến khích hình thành Tổ hợp đan lát. Vào thời điểm ấy, vật liệu đan lát khan hiếm, thương giáo dân vất vả, thế là cha ngược xuôi khắp nơi từ đoàn 600 của tỉnh Đồng Nai đến rừng Phước Long thuộc tỉnh Bình Dương, không ngại khó khăn để tìm nguyên liệu đem về. Thời kỳ bao cấp, mô hình sản xuất tập thể của giáo xứ Hà Nội là một điểm sáng trong vùng.
Khi mọi công việc đã dần ổn định, không ngơi nghỉ, người tông đồ trẻ lại tiếp tục thành lập khu vườn trồng rau xanh trên mảnh đất hoang hóa rộng lớn thuộc khu Phát Triển thuộc giáo xứ Hà Nội. Đất đai nơi đây thuộc loại pha cát bạc màu nên cha nhẫn nại tìm tài liệu, động viên và hướng dẫn bà con cách cải tạo đất trồng. Nhờ vậy, hầu như mọi gia đình giáo dân trong xứ đều có một nghề sinh sống, sau đó quy tụ và hình thành Hợp tác xã công nông nghiệp Đồng Tâm, chủ nhiệm là một người sống đời dâng hiến. Đến nay, nhiều gia đình đã khá giả nhờ những nghề cha chỉ dẫn. Khu canh tác rau xanh ngày xưa nay đã trở thành một khu dân cư trù phú, tuy nhiên, nghề trồng rau xanh hiện vẫn được duy trì với khoảng 300 - 400 hộ tham gia, cung cấp cho thị trường hằng tháng khoảng 35 tấn rau.
Gặp Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tâm tình con thảo |
2.Khi đời sống người dân trong vùng dần ổn định, cha lại nghĩ đến công việc từ thiện xã hội. Đã trải qua những tháng ngày khó khăn, gian nan nên tấm lòng vị mục tử rất nhạy cảm với những hoàn cảnh nghèo khổ, hoạn nạn, vất vả mưu sinh. Vào một buổi sáng năm 1986, sau thánh lễ, có một đứa bé bị bỏ rơi ở phía cuối nhà thờ Hà Nội. Nhìn thấy đứa trẻ còn đỏ hỏn, chạnh lòng, cha quyết định đem về nuôi dưỡng. Từ đó, ở vùng Biên Hòa, Đồng Nai, khi có trẻ nhỏ nào bị bỏ rơi, mà có người mang đến, cha cũng nhận về nuôi. Năm 1992, trên mảnh đất trước kia là xưởng chuối sấy của Hợp tác xã Đồng Tâm đang bỏ trống, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Thánh Giuse giáo xứ Hà Nội đã được hình thành do các nữ tu dòng Đaminh Đức Mẹ Mân Côi Phú Cường phụ giúp trông coi. Cho đến nay, Trung tâm đã nuôi dưỡng 28 em, trong đó có 5 em đã học hết THPT, hiện đang đi làm. Ngoài ra, Trung tâm cũng mở một lớp học tình thương quy tụ khoảng trên 100 em thuộc gia đình khó khăn không thể đến trường.
Duyên nợ với người bất hạnh gần như gắn với chặng đường mục tử của cha. Năm 2006, cha đã vận động giáo dân mở quán cơm xã hội để phục vụ cho những lao động nghèo với 150 suất cơm mỗi ngày và vẫn được duy trì cho đến nay.
Qua những việc làm gắn kết đạo đời, năm 2002, cha đã được Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Giám mục GP Xuân Lộc lúc bấy giờ trao nhiệm vụ Trưởng ban Loan báo Tin Mừng của giáo phận. Nói về hoạt động này, cha chia sẻ: “Là một cơ hội để cho tôi phục vụ nhiều hơn và trở thành cầu nối gắn kết giữa đạo và đời, giúp đời hiểu đạo và đạo hiểu đời”. Từ khi Ban Loan báo Tin Mừng được thành lập cho đến nay, các sinh hoạt của Ban càng ngày càng đi vào nề nếp và có kết quả. Đây là một thành quả rất đáng ghi nhận của cha và các cộng sự.
Cha Thảo cũng với các em nhỏ trong Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Thánh Giuse giáo xứ Hà Nội |
Không những chăm lo về đời sống đạo, cha còn rất quan tâm đến ơn gọi. Có lẽ, qua cách sống cởi mở, chân thành và hết lòng vì tha nhân của cha nên có rất nhiều thanh niên trong vùng dấn thân, tiến bước trên con đường dâng hiến. Tính đến nay, cha Thảo đã có 20 linh mục nghĩa tử và rất nhiền nam nữ tu sĩ là con cái thiêng liêng của Ngài. Nhiều giáo dân trong vùng khắc sâu hình ảnh của cha. Ông Vũ Văn Định, giáo dân giáo xứ Hà Nội cho hay:“Tôi đã từng làm việc với cha Thảo rất nhiều năm. Nói thật, chúng tôi ai cũng yêu mến ngài vì trong lúc chúng tôi hoang mang nhất thì cha đã đến và thay đổi đời sống chúng tôi, giúp chúng tôi thêm tin tưởng vào cuộc sống”.
Ở độ tuổi xế chiều, từ tháng 10.2015, cha lui về nghỉ ngơi. Tuy nhiên, căn nhà hưu dưỡng của cha, cách không xa Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Thánh Giuse, vẫn luôn mở rộng cửa đón tiếp những cộng sự viên trong Ban Loan báo Tin Mừng giáo phận Xuân Lộc và là nơi vẫn tiếp tục hun đúc nhiệt huyết của việc loan báo Tin Mừng cho mọi người.
NGỌC QUỲNH
Bình luận