4) Thêm phần giải thích vào giữa QCSL [2000] 83 (như phần gạch dưới sau), thành ra chúng ta có QCSL [2002] 83 là:
Vị tư tế bẻ bánh Thánh Thể. Cử chỉ bẻ bánh, mà Ðức Kitô đã thực hiện trong bữa tối sau hết, đã trở thành tên gọi cho toàn bộ cử hành Tạ Ơn vào thời các Tông đồ. Nghi thức này nói lên rằng các tín hữu tuy nhiều, nhưng vì hiệp thông cùng một bánh ban sự sống là Ðức Kitô, Ðấng đã chết và sống lại vì phần rỗi thế gian nên trở thành một thân thể (1 Cr 10,17)....Việc bẻ bánh bắt đầu sau khi trao bình an, và phải được thực hiện với lòng tôn kính, tuy nhiên không nên kéo dài quá mức cần thiết cũng như gán cho nó một tầm quan trọng quá đáng. Nghi thức này được dành riêng cho vị tư tế và phó tế.Linh mục bẻ Bánh Thánh và đặt một mẩu Mình Thánh vào trong chén thánh để nói lên ý nghĩa hiệp nhất giữa Mình và Máu của Chúa Kitô, Đấng đang sống và hiển trị vinh quang, trong công trình cứu độ. Ðang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh ‘Lạy Chiên Thiên Chúa’, và giáo dân đáp lại. Kinh này có thể được lặp đi lặp lại, bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: ‘Xin ban bình an cho chúng con’.”
Rõ ràng, QCSL [2002] 83 cho biết: việc bẻ bánh nên được được cử hành với lòng cung kính thích hợp, không nên kéo dài quá mức cần thiết cũng như gán cho nó một tầm quan trọng quá đáng, và chỉ được dành riêng cho linh mục và phó tế, do đó: i] Sẽ là một lạm dụng nếu người không có chức thánh tham gia vào hành động này;1 ii] Thầy phó tế giúp lễ, hay nếu không có thầy hiện diện bên chủ tế, các vị đồng tế có thể hỗ trợ vị chủ tế trong hành động bẻ bánh.
Câu thêm vào “Linh mục bẻ Bánh Thánh và đặt một mẩu Mình Thánh vào trong chén thánh để nói lên ý nghĩa hiệp nhất giữa Mình và Máu của Chúa Kitô, Đấng đang sống và hiển trị vinh quang, trong công trình cứu độ” muốn nói rõ hơn Mình Thánh mà chúng ta sẽ lên rước lấy sau đó chính là Đức Kitô đang sống, Ngài hiện diện cách đích thực, chân thực và bản thể trong Bí tích Thánh Thể.
5) Đưa trở lại mục đích của việc giải tán như trong số 57b của QCSL [1975] vào trong QCSL [2002] tại số 90c “linh mục hay phó tế giải tán dâng chúng để họ có thể ra đi thi hành những công việc thiện hảo, chúc tụng và ca khen Thiên Chúa”.Như vậy, QCSL [2002] 90 là:
Nghi thức kết thúc gồm có:a.Loan báo ngắn, nếu cần;b.Chào và ban phép lành: có những ngày và có những trường hợp phép lành này được diễn tả một cách phong phú bằng một lời nguyện trên dân Chúa hay một công thức long trọng hơn;c.Giải tán cộng đoàn giáo dân do phó tế hay vị tư tế nói, để họ có thể ra đi thi hành những công việc thiện hảo, chúc tụng và ca khen Thiên Chúa (dimissio populi ex parte diaconi vel sacerdotis; ut unusquisque ad opera sua bona revertatur, collaudans et benedicens Deum);d.Vị tư tế và phó tế hôn bàn thờ và sau đó các vị này cùng với các thừa tác viên khác cúi mình sâu chào bàn thờ.
Việc thêm câu “để họ có thể ra đi thi hành những công việc thiện hảo, chúc tụng và ca khen Thiên Chúa” là nhằm diễn giảng một cách rõ nét hoa trái của mầu nhiệm Thánh Thể như được đề cập tới trước đó trong QCSL [2002] số 89: “Vị tư tế đọc Lời nguyện Hiệp lễ để cầu xin cho mầu nhiệm đã cử hành được sinh hoa kết quả”. Quả thật, sau Thánh lễ, các tín hữu nhận được mệnh lệnh được sai như lời dạy của Giáo hội: “Cử hành Bí tích Thánh Thể được gọi là Thánh lễ, Lễ Misa, do từ La Tinh missio nghĩa là sai đi.Thánh lễ kết thúc với lời Hội Thánh sai các tín hữu đi vào đời, để họ thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày.”2
6) Tại số 163: đề cập đến việc tráng chén sau Hiệp lễ, QCSL [2002] thay cụm từ “sang phía cạnh bàn thờ” của QCSL [2000] 163 và cũng của QCSL [1975] số 120 bằng cụm từ “tại bàn thờ”. Bởi vậy, QCSL [2002] 163 thành: “Vị tư tế trở lại bàn thờ, thu những mụn bánh nếu có; rồi ngài đứng tại bàn thờ hay tới bàn phụ mà gạt các mụn bánh trên đĩa thánh và trong bình thánh vào chén thánh.”
7) Tại số 157, QCSL [2002] minh nhiên nói rằng tư tế phải cầm lấy Mình Thánh đã được truyền phép trong Thánh lễ đo khi mời gọi cộng đoàn Hiệp lễ, trong khi QCSL [2000] chỉ viết “Ðọc kinh đó xong, vị tư tế bái gối, rồi cầm lấy Mình Thánh đưa lên cao một chút trên đĩa thánh hay trên chén thánh, hướng về giáo dân và nói: “Ðây Chiên Thiên Chúa...”.
Việc thêm vào câu “đã được truyền phép trong Thánh lễ đó” là nhằm làm cho toàn bộ nội dung của QCSL [2002] được thống nhất, cụ thể ở đây là thống nhất với QCSL [2002] số 13: “Công đồng Vatican II đã khuyên giáo dân tham dự Thánh lễ cách hoàn hảo hơn bằng cách rước Mình Thánh Chúa, được truyền phép trong cùng một Thánh lễ sau khi vị tư tế rước lễ rồi.” Làm như vậy Công đồng đặc biệt thúc đẩy thực hiện một ước nguyện khác của các nghị phụ Công đồng Triđentinô là, để tham dự mầu nhiệm Thánh Thể cách đầy đủ hơn, thì “trong mỗi Thánh lễ, các tín hữu tham dự phải thông hiệp, không những bằng tâm tình thiêng liêng, mà còn bằng việc lãnh Bí tích Thánh Thể nữa” và QCSL [2002] số 85: “Như chính vị tư tế buộc phải làm thì ước mong các tín hữu rước Mình Thánh Chúa với những bánh thánh được truyền phép ngay trong chính Thánh lễ, và trong những trường hợp đã được trù liệu, họ cũng được rước Máu Thánh Chúa, để nhờ cả những dấu chỉ, họ thấy rõ việc hiệp lễ là tham dự vào hy lễ đang cử hành.”Lý do chính rước lễ với Bánh Thánh được truyền phép trong buổi lễ hôm ấy là nhằm để các tín hữu tham gia vào hiến tế đang được cử hành.
8) Tại các số 256-259, đã có sự thay đổi về thứ tự nghi lễ và vị trí của chủ tế trong phần “Nghi thức Nhập lễ của “Thánh lễ chỉ có một người giúp”
QCSL [2002] minh nhiên lưu ý rằng lời chào và hành động thống hối bình thường diễn ra tại ghế chủ tọa hơn là ở gần bàn thờ mặc dầu nếu muốn, tư tế và người giúp vẫn có thể chọn cách ở tại bàn thờ sau khi cúi sâu chào bàn thờ và hôn kính bàn thờ (số 256). Như vậy, thứ tự Nghi thức Đầu lễ là: tư tế tiến đến bàn thờ - cúi sâu chào bàn thờ - hôn kính bàn thờ - đến ghế chủ tọa (hoặc ở tại bàn thờ) - người giúp hay tư tế đọc Ca nhập lễ (số 256) - làm dấu Thánh giá - lời chào đang khi đối diện với người giúp (số 257) - hành động thống hối - đọc (hay hát) kinh“Xin Chúa thương xót” và kinh Vinh danh (số 258) - Lời Tổng nguyện (số 259).
(còn nữa)
Lm. Giuse Phạm Đình Ái Dòng Thánh Thể
______________________________________
1 Xc. Edward Foley (ed), “The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts” trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal,184;
2 Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1332.
Bình luận