Ngày 8.11.2016, các vị lãnh đạo tôn giáo gồm Do Thái giáo, Công giáo, Hồi giáo, Chính Thống giáo, Anh giáo thuộc Hội đồng các vị lãnh đạo các tôn giáo tại Israel đã đến viếng thăm trại Auschwitz, gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Stanislaw Gadecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan; đặt vòng hoa tưởng niệm tại bức tường hành quyết trong trại. Trong số các thành viên của đoàn có Đức Tổng Giám mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông tòa Tòa Thượng phụ Công giáo La-tinh ở Giêrusalem. Trong tuyên bố chung công bố sau đó, các vị khẳng định: “Chúng tôi lên án nạn kỳ thị chủng tộc cuồng tín và cực đoan, nhất là khi người ta thi hành những tệ nạn này nhân danh tôn giáo và khi làm như vậy, họ xúc phạm đến tôn giáo”.
Giáo hội Malawi lên án chiến dịch ủng hộ luật phá thai
Đức cha Thomas Luke Msusa, Tổng Giám mục giáo phận thủ đô Blantyre, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Malawi lên án chiến dịch ủng hộ luật cho phép phá thai đang diễn ra tại các khu phố ở các thành phố lớn, và nhắc lại lập trường của Giáo hội về tôn trọng sự sống con người, vốn là điều thánh thiêng. Đức Tổng Giám mục Msusa bày tỏ lập trường trên đây vào ngày 5.11, nhân buổi lễ khánh thành nhà thờ Chánh tòa Thánh Giuse Thợ ở thành phố Karonga do Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo chủ sự.
Khóa huấn luyện về thủ tục giải hôn phối mới
Khóa huấn luyện do Tòa Thượng thẩm Rota ở Rome tổ chức từ ngày 17-19.11 về thủ tục mới để cứu xét và tuyên bố hôn phối vô hiệu trong hai tự sắc: Chúa Giêsu là vị thẩm phán nhân từ và Chúa Giêsu nhân từ và thương xót. Đã có 120 giám mục từ nhiều nơi trên thế giới đăng ký tham dự.
Trong 3 ngày có 10 bài thuyết trình do các chuyên gia trình bày về những khía cạnh khác nhau của thủ tục mới, như : Giáo hội học của Đức Thánh Cha Phanxicô, linh hồn của việc cải tổ thủ tục giải hôn phối; Sự vâng phục đức tin của người kế vị thánh Phêrô và các Giám mục nhắm đến phần rỗi các linh hồn; Vai trò của Giám mục giáo phận trong các vụ cứu xét để tuyên bố hôn nhân vô hiệu... Đặc biệt Đức Hồng y Christoph Sch#nborn, Tổng Giám mục giáo phận Vienna, Áo sẽ trình bày về hai Tự sắc và Tông huấn Niềm vui Yêu thương : Chân lý, sự quy trách và lòng thương xót.
“Cha mẹ nhân lành, gia đình yên ổn”
Đây là chủ đề của một chiến dịch được Giáo hội Công giáo Uganda phát động để chống lại nạn bạo hành phụ nữ. Hội đồng Giám mục Uganda đã công bố chủ đề này để xác nhận rằng việc bảo vệ phụ nữ đã trở thành trọng tâm trên lãnh vực quốc tế và liên quan chặt chẽ với cuộc tranh đấu cho nam nữ bình quyền. Theo báo La Croix, chiến dịch chống bạo hành phụ nữ của Giáo hội Uganda sẽ được sự hỗ trợ của hai tổ chức thiện nguyện Ireland và sẽ được phát động tại tất cả các giáo xứ trong nước. Kể từ năm 2010, Giáo hội Uganda ưu tiên mở những chiến dịch chống nạn bạo lực trong gia đình. Uganda đã được Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm hồi năm 2015 trong khuôn khổ chuyến công du Phi châu của ngài.
Bảo vệ thổ dân
Adveniat Đức tổ chức chiến dịch Mùa Vọng với chủ đề “Bảo vệ căn nhà chung của chúng ta” để gây ý thức trong dư luận Đức về những đe dọa môi trường làm thương tổn cho dân chúng, nhất là người nghèo và thổ dân. Tại Nam Mỹ, tổ chức này đã mời tù trưởng một bộ lạc miền tây bắc Brazil đến Đức để thuật lại cuộc chiến đấu chống lại những đe dọa mà bộ tộc Yanomami của ông phải chịu do nền văn minh của người da trắng. Sự phát triển của nền văn minh này tiếp tục gây hại cho môi trường sinh sống của thổ dân dưới hình thức những dự án kiến thiết, công ty khai thác vàng, dầu hỏa... Chiến dịch Mùa Vọng sẽ được khai mạc trọng thể vào Chúa nhật 27.11 tại thành phố Munich.
Giáo hội Malawi lên án chiến dịch ủng hộ luật phá thai
Đức cha Thomas Luke Msusa, Tổng Giám mục giáo phận thủ đô Blantyre, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Malawi lên án chiến dịch ủng hộ luật cho phép phá thai đang diễn ra tại các khu phố ở các thành phố lớn, và nhắc lại lập trường của Giáo hội về tôn trọng sự sống con người, vốn là điều thánh thiêng. Đức Tổng Giám mục Msusa bày tỏ lập trường trên đây vào ngày 5.11, nhân buổi lễ khánh thành nhà thờ Chánh tòa Thánh Giuse Thợ ở thành phố Karonga do Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo chủ sự.
Tân Giám mục tại Trung Quốc
Lễ truyền chức cho một giám mục tại Trung Quốc với sự ủy nhiệm của Đức Thánh Cha vừa được cử hành. Tân giám mục là Đức cha Phêrô Đinh Lệnh Bân (Ding Lingbin), Giám mục giáo phận Trường Trị, tỉnh Sơn Tây, theo hãng tin Công giáo Asianews.
Đức cha Đinh Lệnh Bân sinh năm 1962, đậu bác sĩ Y khoa năm 1982 và làm việc tại nhà thương trong 6 năm. Trong thời gian này, bác sĩ Đinh Lệnh Bân khám phá ơn gọi nên xin đi tu từ năm 1988. Sau 4 năm học tại Đại chủng viện Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, thầy Bân thụ phong linh mục năm 1992. Từ năm 1995-2011, cha Bân cũng là giám đốc bệnh xá Antôn thuộc giáo phận; năm 2011 cha làm tổng thư ký của giáo phận và hai năm sau đó được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám quản tông tòa giáo phận Trường Trị. Cách đây vài tuần, chính phủ Trung Quốc đã đồng ý với việc bổ nhiệm cha Bân làm giám mục.
Giáo phận Trường Trị hiện có hơn 50.000 tín hữu Công giáo trên tổng số 3,5 triệu dân, có 51 linh mục và 22 chủng sinh. Chính quyền địa phương cung cấp phương tiện chuyên chở và an ninh cho lễ truyền chức, nhưng giới hạn số tín hữu tham dự. Dầu vậy, đã có hơn 2.000 tín hữu đến dự lễ, trong đó có 100 linh mục và hàng chục nữ tu trong và ngoài giáo phận liên hệ. Nhiều người đã tham dự thánh lễ từ bên ngoài. Các Giám mục chủ phong và phụ phong, các vị đồng tế đều là những vị hiệp thông với Tòa Thánh, đứng đầu là Đức cha Giuse Lí Sơn (Li Shan), Giám mục Bắc Kinh.
Tuyển tập bài giảng của Đức Phanxicô
Tuyển tập các bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài còn làm Tổng Giám mục Buenos Aires (Argentina) đã được xuất bản bằng tiếng Ý và giới thiệu với giới báo chí ngảy 10.11 tại thủ đô Rome.
Cuốn sách dày 1.000 trang chứa đựng các bài giảng và diễn văn của Đức Tổng Giám mục Jorge Bergoglio từ năm 1999 đến 2013 là năm ngài được bầu làm giáo hoàng. Trong cuộc phỏng vấn dành cho cha Antonio Spadaro, Giám đốc tạp chí La Civiltà Cattolica của dòng Tên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Một mục tử không có những tiếp xúc với đời sống của Giáo hội thì khó có thể giảng một bài làm cho Tin Mừng trở nên sinh động. Đôi khi lời lẽ của chúng ta trả lời cho những câu mà không ai hỏi. Nếu bạn không lắng nghe dân thì làm sao bạn giảng”.
Trong cuộc họp báo giới thiệu, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói tập sách vừa xuất bản là một tài liệu quý để hiểu căn cội sứ vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và phương thức mục vụ của ngài.
Không quên người bị bệnh hiếm gặp
Giáo hội Công giáo muốn góp phần tìm câu trả lời cho các bệnh hiếm và các bệnh bị lơ là qua hội nghị quốc tế lần thứ 31 do Hội đồng Tòa Thánh Mục vụ Y tế tổ chức tại Vatican từ ngày 10 đến 12.11.2016. Chủ đề hội nghị là “Tiến đến một nền văn hóa sức khỏe liên đới và tiếp đón, phục vụ những người bị bệnh hiếm và những bệnh bị lơ là”.
Theo Tổ chức Sức khỏe thế giới OMS, một bệnh được coi là hiếm nếu cứ 2.000 người thì có một người bị bệnh này và hiện có khoảng 8.000 bệnh hiếm với 400 triệu bệnh nhân trên thế giới. 80% trong số các bệnh này là di truyền và thường nguy hiểm đến tính mạng. Còn những bệnh được gọi là bị lơ là là những bệnh gây gánh nặng về y tế cho những người nghèo nhất trên thế giới; trong số các bệnh này có bệnh phong, bệnh dại, sốt xuất huyết. Trên thế giới có hơn một tỷ người ở trong hoàn cảnh này. Phần lớn là các trẻ em ở các nước châu Phi không có nước sạch và những điều kiện vệ sinh thích hợp.
Cha Augusto Chendi, Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Mục vụ y tế nhận xét rằng, các công ty dược phẩm thường không chế tạo các thuốc điều trị bệnh hiếm, hoặc bệnh bị lơ là, vì lý do kinh tế. Lợi nhuận do các thuốc đó mang lại không đủ. Sự phân phối chênh lệch các nguồn kinh tế, nhất là tại các nước có lợi tức thấp, ảnh hưởng tới việc thi hành công lý về sức khỏe.
Bình luận