Hai mươi niên khóa với 70 học sinh ra trường, nhiều em trong số đó có việc làm, dựng xây cuộc sống đầm ấm riêng…, là kết quả của hành trình không hề đơn giản ở trường Khuyết tật Nhân Ái Mỹ Tho. Ðó là câu chuyện của biết bao tình cảm thương yêu, hy sinh và tâm huyết…
Năm học này, trường kỷ niệm cột mốc 20 năm thành lập và đón nhận niềm vui mới: cơ sở được các cơ quan quản lý cho phép giảng dạy chương trình lớp 6. Đối với những người phụ trách, gắn bó với nhà trường, thông tin trên mang tới niềm hy vọng cùng sự tự hào. “Thật ý nghĩa vì bước vào tuổi 21, trường đã được thêm cơ hội gắn bó với các em một giai đoạn nữa. Khởi đầu là lớp 6. Khi được đồng hành dài hơn, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức trong việc trang bị hành trang cho các bạn trẻ tự tin vào đời”, cha Giacôbê Hà Văn Xung, chánh xứ Chánh tòa Mỹ Tho kiêm Giám đốc Trường Khuyết tật Nhân Ái, không giấu được niềm vui trong ngày kỷ niệm thành lập.

Nhận trách nhiệm phụ trách trường, hai thập niên qua, cha Xung chứng kiến nhiều sự đổi thay, phát triển của chốn này theo thời gian. Các thành tích đạt được là kết quả của vị linh mục luôn thao thức lo cho những bạn trẻ thiệt thòi, kém may, cùng với sự hợp tác nhiệt tình của các nữ tu dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho và những thầy cô trực tiếp đứng lớp. Nhìn những bạn trẻ rộn ràng trở về mái trường xưa với sự chững chạc, nữ tu Elizabeth Nguyễn Thị Sương, hiệu trưởng bồi hồi: “Thấm thoắt hai chục năm đã trôi qua, vẫn còn nhớ thời mới hình thành, Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, lúc đó còn đang trông coi giáo phận Mỹ Tho, đã ưu tư việc lo cho trẻ khuyết tật lắm. Ngài luôn theo dõi những sinh hoạt, học tập của trường sát sao. Năm học đầu tiên, chúng tôi chỉ có 2 lớp với 22 em, lớn nhất là 12 tuổi, đứa nhỏ nhất 6 tuổi. Các sơ vừa dạy học vừa nuôi dưỡng; vừa là cô giáo vừa đóng vai mẹ. Mỗi năm lại thu nhận thêm, trường cũng được đầu tư hơn nhờ giáo phận quan tâm, các ân nhân giúp. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm từ khi nhận giáo phận Mỹ Tho cũng đặc biệt lưu tâm các hoạt động của trường, luôn kịp thời hỗ trợ. Thời gian nhanh quá! Bây giờ, nhìn ngoài kia những bạn trẻ quay về, có em đem theo gia đình, có em đã có thu nhập ổn định, thậm chí khá cao, tự nhiên thấy vui lạ”.
Còn nữ tu Maria An Hạ, người có mặt từ những ngày trường mới khai giảng khoá đầu cũng chung niềm cảm xúc. Chuyện trò trong mấy phút gặp gỡ ngắn ngủi, chúng tôi cảm nhận nơi chị có sự xúc động và hạnh phúc xen lẫn. Chị nói nếu phải kể về hành trình dài đã qua thì “không biết bắt đầu từ đâu” và “nói làm sao cho hết”. Là nữ tu, tham gia giáo dục đặc biệt, chị cho rằng đó là một sứ mạng: “Nếu không yêu thương thì không làm được”. Chúng tôi hình dung sự khó khăn mà chị trải qua, phải dần dần “hội nhập”để các bé được “hòa nhập”. Một người nữ tu làm sao quen với việc nuôi dưỡng con trẻ? Nuôi trẻ thường đã khó, nuôi trẻ khuyết tật, khiếm thính, tự kỷ… lại càng khó hơn. “Chính những thiên thần nơi đây dạy cho tôi sự kiên nhẫn, lòng quyết tâm. Lúc đầu, thú thật chưa quen lắm đâu. Có những tình huống “chẳng dễ thương chút nào”. Nhưng tôi luôn cố, hy sinh, vì con trẻ vốn dĩ đã đáng thương và chúng cần chăm sóc. Theo năm tháng, chứng kiến các con lớn lên về tinh thần và thể chất, thấy được sự cố gắng không ngừng nghỉ của tụi nhỏ, để trở nên như những người bình thường, là động lực lớn để tôi dấn thân”, chị chia sẻ. Chúng tôi thích cách chị gọi các bé là “những thiên thần”, khi nhìn vào đôi mắt vô tư của những đứa trẻ đang đùa giỡn với tất cả sự đơn sơ, trong sáng... Những câu chuyện từ mỗi thầy cô cùng các nữ tu phục vụ tuy mỗi người một cách kể, một sự trải nghiệm với biết bao kỷ niệm riêng…, lại có nhiều điểm giống nhau: Ở lòng tận tụy, ở sự sẵn sàng. Vì tương lai những đứa trẻ kém may này được gia đình gởi trao, tin tưởng.

Cô Võ Thị Mỹ Ngà, 20 năm qua, mỗi ngày đều đặn vượt 30 cây số tới trường. Từ một cử nhân sư phạm tiểu học, được mời cộng tác trong vai trò bảo mẫu, “vì thương mấy đứa nhỏ quá nên mạnh dạn học thêm để có chứng chỉ giáo dục đặc biệt, mới có thể dạy như quy định của nhà nước và hơn nữa, tôi cũng không bỏ tụi nhỏ được”. Hành trình phục vụ ở Nhân Ái, cô Ngà thú nhận cũng là quãng ngày dài vượt qua thử thách của bản thân:“Khi mới khởi sự, tôi và các bé không hiểu gì với nhau cả. Thương nhất là những trường hợp nặng, không đeo máy. Trong số chục em ở đây thì hết tám em là con nhà nghèo rồi, điều kiện đâu? Có bé đến từ khá xa, dưới phía Trà Vinh hay bên Long An, An Giang. Có bạn ở lại hẳn, một hai tháng gia đình rước về. Rất nhiều trường hợp mười mấy tuổi mới bắt đầu lớp 1. Mà chương trình cho các em đâu phải nhanh như bên ngoài, dạy phải thật chậm với phương pháp khác, mọi thứ đều phải từ từ, mưa lâu thấm đất, không đòi hỏi được”. Theo cô, các trường hợp tự kỷ hoặc khiếm thính đang được điều trị tại trường phần đông được can thiệp trễ. “Trễ vì gia đình không tin con tự kỷ; không đến bác sĩ để phát hiện; cũng có thể không có kiến thức. Còn nguyên nhân khác là nhà nghèo. Lo cho cái ăn còn chưa đủ, thời gian, công sức đâu mà kiên trì dài lâu?”. Là một trong những người kỳ cựu, chứng kiến sự trưởng thành của các học trò và niềm vui mới của trường, cô phấn khởi: “Mỗi năm cho một thế hệ ra trường, nhìn lớp trẻ tiến bộ là thấy an tâm rồi. Với việc mở ra cấp mới, chắc chắn là nhà trường sẽ quyết tâm hơn. Hôm họp đầu năm, tập thể sư phạm hơn 20 thầy cô nhắc nhau trong năm này tiếp tục giữ phong độ, ai có khó khăn gì cũng cố gắng vì tụi nhỏ”.
Tại Nhân Ái, các bạn nhỏ vừa được học văn hóa, vừa được hướng nghiệp nghề chế tác gỗ, điện gia dụng dành cho học sinh nam; học may và thêu máy dành cho các bạn nữ. Với phương châm “học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để khẳng định tôi", trường đã góp phần giúp trẻ khuyết tật đổi thay số phận và nhất là để các em hiểu rằng, xã hội vẫn luôn dang tay đón chào, yêu thương.
Trường Khuyết tật Nhân Ái Mỹ Tho trực thuộc Tòa Giám mục Mỹ Tho, được bắt đầu xây dựng ngày 21.8.2003 và khai giảng năm học đầu tiên vào ngày 5.9.2004. Hiện tại, trường có 24 phòng gồm hội trường, nhà ăn, nhà ở cho học sinh nội trú, 11 phòng học, 2 phòng hướng nghiệp và 1 phòng trưng bày sản phẩm của các em; ngoài ra còn có sân chơi, sân tập thể thao, vườn trường… Năm học 2024-2025, trường có 10 lớp học với tổng số 160 em, trong đó 6 lớp khiếm thính, 3 lớp đặc biệt và 1 lớp 6. |
Hùng Luân
Bình luận