Ở từng địa phương, nghi thức chúc bình an trong thánh lễ thường diễn ra với các hình thức khác nhau. Thực hành sao để việc chúc bình an biểu lộ ý nghĩa của sự yêu thương, giữ được sự trang nghiêm trong thánh lễ.
LAN TỎA BÌNH AN CỦA CHÚA
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đông (Dòng Thừa Sai Đức Tin): Trong thánh lễ, mỗi lần cha chủ tế mời cộng đoàn chúc bình an cho nhau, tôi lại quay qua người anh em bên cạnh mình và cúi đầu nhẹ, như trao sự bình an tới họ. Tôi hiểu nghi thức này là dịp để lan tỏa bình an của Chúa đến người kế bên. Mặc dù mình không biết tâm trạng của họ đang vui hay buồn, nhưng tôi vẫn thầm cầu chúc người anh em cảm nghiệm được sự bình an này, không chỉ trong thánh lễ mà còn cả trong cuộc sống đời thường. Đi lễ ở nhà dòng, chúng tôi còn có một trải nghiệm là nhìn quanh, những người cạnh mình đều thân quen, và thỉnh thoảng ai đó có chuyện gì bực tức nay quay qua chúc bình an, thế là như đã làm hòa với nhau, bởi ai cũng hiểu sự bình an đích thực mình mang lại cho người anh em, không thể thiếu sự tha thứ, sẻ chia, yêu thương.
CẦN HƯỚNG DẪN CHUNG
Anh Trần Lộc Thịnh (Giáo xứ Vị Tín, giáo phận Cần Thơ): Đi nhiều nơi, tôi thấy cũng có sự khác nhau trong cách thực hành nghi thức này. Có nơi thì hai dãy nam nữ cúi đầu chúc nhau. Nơi khác lại là hai người cạnh bên chúc cho nhau. Có khi lại kèm bắt tay… Theo tôi cần có sự hướng dẫn chung khi tổ chức các thánh lễ long trọng. Cộng đoàn khi ấy chúc bình an theo cách ở địa phương mình. Dù làm theo cách nào chỉ cần nghiêm túc, sốt sắng là được. Để có sự thống nhất trong toàn quốc, mặc dù đã có những chỉ dẫn, song thiển nghĩ cũng nên hướng dẫn lại cho tín hữu được biết.
CÓ YẾU TỐ VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG
Bà Nguyễn Thị Khiêm (Giáo xứ Đaminh, giáo phận Xuân Lộc): Dự lễ ở nhà thờ bên Mỹ, tôi thấy mọi người có phần thoải mái di chuyển bắt tay nhau khi chúc bình an. Trong khi đó, phần nhiều nhà thờ tôi dự lễ ở Việt Nam mọi người chỉ cúi đầu và có xứ còn rất tuân thủ thực hiện quy định tuần tự là cúi phía trước, bên phải rồi bên trái... Vì vậy tôi cũng thắc mắc không biết có quy định cụ thể cho nghi thức này, hay tùy thuộc theo địa phương. Dẫu thế nào thì tôi cũng rất thích giây phút dành bày tỏ ý hướng chúc nhau sự bình an của đạo mình.
TRÁNH ẢNH HƯỞNG CỘNG ĐOÀN
Chị Nguyễn Thị Thảo Uyên (Giáo xứ Phương Nghĩa, giáo phận Kon Tum): Ở giáo xứ tôi, khi chúc bình an thì cộng đoàn từ hai bên quay lại cúi đầu, chúc nhau. Một số người kế bên có thể chào, bắt tay niềm nở. Tôi nghĩ đó cũng là cách hay. Cái bắt tay hay sự cúi đầu đều mang ý nghĩa chào, chúc nhau điều tốt lành, an bình. Thêm nữa, cử chỉ này cũng là cách lịch sự, thiện cảm. Việc chúc bình an, theo tôi nên diễn ra trong thời gian ngắn và trật tự, không thể đi loạn xạ trong thánh đường và tránh tình trạng gặp người quen lại bắt đầu một câu chuyện… Tôi hiểu chúc bình an là nghi thức nhằm gởi sự chúc lành của mình tới người khác, khi thực hiện hành vi này đừng làm đại khái, qua loa hay quá câu nệ hành động bên ngoài.
THỐNG NHẤT TRONG PHƯƠNG CÁCH
Bà Vũ Thị Út (Giáo xứ Hòa Nam, giáo phận Đà Lạt): Từ nhỏ, tôi đã quen với truyền thống hai bên cộng đoàn nam nữ cúi đầu chúc bình an cho nhau trong sự trật tự đã tạo nên nét đẹp trong thánh lễ của người Việt mình. Tuy nhiên, khi đi đến nhiều nơi, tôi có phần hơi bối rối khi thấy những hình thức khác như bắt tay, ôm vai, ôm hôn. Trong đó có một số trường hợp di chuyển nhiều để chúc bình an cho người thân quen, đã vô tình gây phiền cho những người xung quanh. Nói về điều này, một số anh chị em khi sống ở các thành phố lớn, hoặc sống ở nước ngoài cho rằng đó là phong cách hiện đại, là sự tự do trong cách biểu hiện với người khác. Tuy vậy, sự trật tự, thinh lặng để chuẩn bị tâm hồn rước Thánh Thể Chúa lại là điều cần thiết cho cả cộng đoàn.
Chúc bình an Sau lời “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”, chủ tế thinh lặng chào chúc bình an các vị đồng tế, phó tế, hoặc thừa tác viên đứng gần; các vị đồng tế hay thừa tác viên khác đứng gần nhau cũng làm như thế. Giáo dân ở các hàng ghế hai bên cũng quay vào giữa chào chúc bình an cho nhau (x. QCSL 82). (Theo hướng dẫn của Ủy ban Phụng tự thuộc HĐGMVN). |
“Ý nghĩa của việc trao chúc bình an cho người khác và đón nhận việc chúc bình an từ tha nhân là: Thứ nhất, tỏ bày tình thương đối với tha nhân như lời Chúa dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12); Thứ hai, thừa nhận sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh ở trong họ. Trên hết, thánh Phaolô nhắc nhở: “Chúng ta là Nhiệm Thể Chúa Kitô” (x. 1Cr 12,27)(…); Thứ ba, chúng ta sắp tiến lên để lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô, cho nên cử chỉ chào chúc bình an là cách thế bày tỏ sự hiệp thông và giao hòa với anh chị em (...); Thứ tư, việc trao chúc bình an cho nhau là một hành động vượt qua, là dấu chỉ những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy bước vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu. Khi trao chúc bình an, các tín hữu như ước muốn và hứa với nhau rằng tất cả mọi đổ vỡ và chia rẽ sẽ được chữa lành (…) Mỗi người nên chúc bình an một cách giản dị và chỉ với những người ở chung quanh mình. Tuy nhiên, tránh thái độ làm cho chiếu lệ như một nghi thức vô hồn không hơn không kém; không nên mất nhiều thời gian cho nghi thức này vốn chỉ là phần chuẩn bị cho hiệp lễ; không lang thang đi lại chỗ này chỗ kia để chúc bình an cũng như không mang những hình thức thái quá gây ra cảnh ồn ào náo động hoặc trò chuyện với nhau khiến bầu khí cộng đoàn loãng đi trước lúc hiệp lễ và làm mọi người khó tập trung vào nghi thức sắp diễn ra. Đang lúc trao chúc bình an, không hát hay có bất cứ lời dẫn nào khác”. (Trích “Cử hành Thánh Thể: Nghi thức Chúc Bình An”, linh mục Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể). |
Nhóm phóng viên (thực hiện)
Bình luận