Khi chưa có những thiết bị hiện đại như loa hay dàn chỉnh âm thanh, việc giúp cho âm thanh lan rộng, vang xa, rõ ràng trong nhà thờ… phụ thuộc rất nhiều vào sự tính toán trong xây dựng của kiến trúc sư. Theo thời gian, với sự phát triển của đủ loại phương tiện hỗ trợ âm thanh, đồng thời trước những nhu cầu mới, thì các nhà thờ bắt đầu trang bị nhiều loại máy móc hiện đại. Từ đây, cũng có những người đảm trách phần âm thanh trong các thánh lễ hay sự kiện xứ đạo...
TỪ TỰ PHÁT ĐƠN LẺ…
Ông Trần Thế Vinh (50 tuổi, giáo xứ Thánh Mẫu, giáo phận Phú Cường) là một trong những người phục vụ như thế, khi có đến hơn 20 năm cho việc chỉnh âm thanh nhà thờ. Kể về duyên cớ đến với công việc này, ông Vinh “tua” lại thời gian mà ông nhớ rõ mồn một: “Xứ nghèo khi đó chỉ có vài cái micro và cái amply sò cổ điển. Micro dành cho cha khi làm lễ, người đọc sách và ca đoàn hát chung. Ông già tôi hồi đó vốn mê điện tử nên thấy cha mê thì tôi cũng tìm mua cho ông. Mày mò khá sớm nên cũng được gọi là biết trước so với nhiều người trong xóm làng. Thành ra, khi giáo xứ bắt đầu có trang bị cả dàn âm thanh là tôi được giao phụ trách”. Học ké, học lỏm, có khi còn phải chủ động đi mượn dụng cụ lúc giáo xứ có sự kiện cần thêm loa, mic... Theo thời gian, nhà thờ cũng nhiều lần mua sắm thêm thiết bị âm thanh mới phù hợp cho nhiều nhu cầu khác nhau. Không chỉ có trong thánh lễ mà ngay trong rất nhiều sinh hoạt, chương trình ở giáo xứ cũng cần đến người phụ trách âm thanh.
Không qua trường lớp chuyên nghiệp mà phục vụ vì sở thích, và phần nữa vì muốn góp sức với giáo xứ, ông Vinh đã phải tự mày mò, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng. Nhiệt tình từ ngày trẻ, người đàn ông trung niên không ngờ đã theo và gắn bó đến chừng đó năm. Dù cũng ít lần làm bộ “giận nhẹ” hay “hù” sẽ giúp cho giới trẻ trong một vài sự kiện giáo xứ thôi, nhưng cuối cùng chẳng có năm nào ông không khệ nệ mang dàn máy móc âm thanh ra sân khấu cả. Có năm, để chương trình Noel diễn ra trọn vẹn, sau khi lắp đặt xong, ông phải ngủ lại để giữ đồ và túc trực suốt ngày để các nhóm tham gia chạy chương trình được chu đáo. Nói sâu hơn về công việc chỉnh âm thanh ở nhà thờ, nhất là trong thánh lễ mỗi ngày, ông cắt nghĩa: “Âm thanh trong nhà thờ chủ yếu là chỉnh sao cho nghe rõ, đều, không nên quá to hay quá nhỏ, tránh cho người nghe khó chịu... Thực tế, các thiết bị trong nhà thờ đã chỉnh cố định ở một mức, nên khi tôi không trực, chỉ cần mở công tắc lên là xài. Nhưng muốn hay, phải có người chỉnh. Đặc biệt lễ lớn cần phải điều chỉnh lại và theo dõi sát, vì giọng của mỗi người lớn nhỏ khác nhau, ca đoàn cũng trình bày những bài hát bằng các cung nhịp không đồng nhất”.
Giáo xứ Bích Lâm (GP Xuân Lộc) mới xây dựng nhà thờ gần đây, nên việc chỉnh âm thanh đối với ông Nguyễn Văn Thạch (56 tuổi) cũng còn nhiều mới mẻ. “Chính thức thì tôi nhận việc này giúp giáo xứ được khoảng hơn một năm nay. Bình thường tôi làm nghề sửa chữa điện tử nên ít nhiều cũng biết sử dụng và chỉnh sửa cơ bản thiết bị”, ông Thạch chia sẻ lý do đến với công việc mới mẻ này. Lẽ đương nhiên, khi nhận trách nhiệm chỉnh âm thanh ở nhà thờ, ông cũng phải mày mò, trau dồi thêm và chú ý đến đặc tính của dàn âm thanh mà nhà thờ trang bị. Hỏi vui về trị giá dàn âm thanh mới của giáo xứ, ông Thạch cười cười nói “giá cũng vừa vừa nhưng là thương hiệu có uy tín”. Cũng vì máy móc còn mới, nên ông và một thành viên khác vẫn đang tiếp tục tìm hiểu thêm, lắm lúc phải thử đi thử lại nhiều lần. Mỗi ngày có hai thánh lễ sáng và chiều, ông Thạch cùng người còn lại thay nhau trực. Để âm thanh “đạt” trong nhà thờ, theo ông là không cần vang dội mà nên rõ ràng, nghe như đang nói chuyện bình thường, như thế mới tạo sự dễ chịu cho người nghe.
... ĐẾN CHUYÊN NGHIỆP DẦN
Hiện nay, vẫn còn nhiều giáo xứ chỉ có những người biết việc giúp máy móc cho nhà thờ như ông Vĩnh hay ông Thạch, nhưng cũng có những nơi đã hình thành cả một nhóm phụ trách, gồm nhiều người có chuyên môn về điện tử, máy tính... cùng chia sẻ công việc này. Chẳng hạn như giáo xứ Thiên Ân (TGP TPHCM), ban âm thanh ánh sáng có đến 8 thành viên đ??c?ược chính thức thành lập vào đầu năm 2023. Nhưng từ trước đó rất lâu, Thiên Ân luôn có những người gắn bó tự nguyện với mic, loa, amply… Khi thành lập ban âm thanh ánh sáng, các công việc đã được chia sẻ rõ ràng hơn qua từng phần riêng biệt gồm âm thanh, ánh sáng, máy chiếu trong các giờ phụng vụ thánh lễ. Ngoài ra, các thành viên cũng phải bảo quản, sửa chữa hệ thống điện, máy phát điện, quạt…, lắp đặt trang trí đèn điện trong và ngoài nhà thờ. Ông Vũ Văn Sam (50 tuổi, trưởng ban âm thanh ánh sáng xứ Thiên Ân) cho biết các thành viên đều đến với công việc này trong tinh thần tự nguyện, và họ phân công, sắp xếp để thánh lễ luôn đảm bảo cả phần “nghe” và “nhìn”. Việc cha chánh xứ thành lập ban đã khích lệ tinh thần các thành viên nhiều hơn. Ông Sam chia sẻ về nhiệm vụ trong mỗi thánh lễ: “Công việc không khó nếu mình chấp nhận ở mức bình thường, vì thực tế chưa có người nào được đào tạo chuyên sâu, trường lớp. Nhìn chung thì cũng đủ dùng và các thành viên luôn chỉ cho nhau trong khả năng của mình. Người cũ chỉ người mới để đảm bảo không xảy ra các sự cố mất tiếng, bị sôi, rè…”. Mặc dù không qua trường lớp chuyên nghiệp, nhưng tất cả các thành viên của ban đều tự rèn giũa và học hỏi kinh nghiệm của nhau. Mục đích cuối cùng - như lời ông trưởng ban - là nhằm đảm bảo các yếu tố cần thiết giúp thánh lễ được trang nghiêm, sốt mến.
Tại giáo xứ Thanh Đa (TGP TPHCM ), bạn trẻ Trần Đức Vinh là một thành viên trong nhóm 7 người phụ trách âm thanh cho nhà thờ. Tham gia với mong muốn đóng góp chút khả năng vào việc chung, Vinh nói về quãng thời gian hai năm giữ vai trò này: “Do theo học ngành sửa chữa, lắp ráp máy tính nên ít nhiều em có chút khái niệm về máy móc. Sau này em cũng học thêm các khóa ngắn hạn sửa chữa và điều chính các dàn âm thanh, nên khi giáo xứ cần thì mình sẵn sàng”. Theo Vinh, hiện nay rất nhiều các hoạt động trong xứ cần đến âm thanh, không riêng gì thánh lễ như trước đây. Về những khó khăn gặp phải với người chỉnh âm thanh nhà thờ, theo Vinh là tình trạng máy móc sử dụng với tần suất cao và thường xuyên, vì thế có lúc hư hỏng, xuống cấp, nên đôi lúc phải chỉnh tới, chỉnh lui, đòi hỏi phải nhanh chóng khi đang có thánh lễ. Rồi trong cùng một thánh lễ, tại cùng một vị trí như bục đọc sách, ngoài cha sở còn đôi ba người nữa đọc các bài đọc, hát đáp ca… với những cung giọng và âm lượng không như nhau, nên phải điều chỉnh cho hài hòa từng người, trong từng thời điểm. Chưa kể với ca đoàn, cũng phải chỉnh âm lượng và các thông số khác nhau cho từng bài hát. Vinh nói mình vẫn đang cố gắng học hỏi thêm kinh nghiệm của người đi trước, và cũng thường tự mày mò thêm các kiến thức mới.
Qua nhiều cuộc gặp gỡ và những câu chuyện trao đổi khác nữa với những người đứng sau các thiết bị âm thanh nơi các xứ đạo, dường như thao thức về việc được học thêm chuyên môn luôn được nhắc đến. Hiện nay, nhiều công ty chuyên về thiết bị âm thanh cũng đã và đang có các khóa huấn luyện dành cho người phụ trách âm thanh các giáo xứ, mở ra cơ hội cho nhiều người làm công việc này, nếu được giáo xứ tạo điều kiện gởi đi học. Anh Nguyễn Duy (thuộc công ty nhạc Việt Thương) - người đã đứng nhiều lớp tập huấn dành riêng cho người điều chỉnh âm thanh nhà thờ - thông tin đã có nhiều khóa học được công ty tổ chức trong suốt 10 năm qua. Theo anh, các khóa đ??c?ược tổ chức ở cấp giáo phận đã thu hút hàng trăm tham dự viên mỗi khóa và được mở khá thường xuyên:“Trong năm nay, công ty sẽ có vài đợt tập huấn nữa giúp giới thiệu các kiến thức cơ bản cần thiết. Mỗi khóa thường sẽ diễn ra trong hai ngày với bốn buổi gồm cả lý thuyết và thực hành. Qua nhiều khóa học, tôi nhận thấy các học viên đến lớp rất vui vẻ, hào hứng, vì phần nhiều họ ít khi hoặc chưa từng trải qua các khóa học như thế. Mức độ đầu tư dàn âm thanh ở mỗi xứ là khác nhau, nhưng dù hệ thống âm thanh nhỏ hay lớn đều có những nguyên lý chung. Chúng tôi truyền đạt kiến thức về âm thanh không phải dựa trên sản phẩm công ty đang bán, mà căn cứ vào những thiết bị nhà thờ đang có…”. Cũng theo anh Duy, công ty rất sẵn lòng hỗ trợ miễn phí về chuyên môn trong môi trư?ng nh? ??oờng nhà đạo. Khóa học gần đây nhất được công ty Việt Thương tổ chức là ở giáo phận Hưng Hóa vào giữa tháng 4 vừa qua. Các học viên được hướng dẫn sử dụng phần mềm đo lường tần số để lắp đặt loa, để điều chỉnh sao cho chống hú và đạt được chất lượng âm thanh tốt nhất… Khóa học kết thúc với niềm vui hy vọng những kiến thức bổ ích được truyền đạt sẽ giúp cho công việc phục vụ của mỗi học viên mang lại hiệu quả tốt nhất, ích lợi cho cộng đoàn khi tham dự phụng vụ.
Minh Minh
Bình luận