Lễ Giáng Sinh năm 2022 diễn ra trong sự háo hức chờ đợi của đông đảo giáo hữu bởi các chương trình được tái xuất hiện sau hai năm gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tại các xứ đạo, nhiều người lặng lẽ, âm thầm phía sau, dành thời gian và công sức chuẩn bị lễ. Ðể có đêm hoạt cảnh ý nghĩa mừng Chúa ra đời, lan tỏa niềm vui đến cộng đoàn, không ít người dành trọn tâm huyết...
Các bạn trẻ giáo xứ Đức Hòa, giáo phận Mỹ Tho tập diễn |
Năm nay, sự trở lại của hoạt cảnh hứa hẹn nhiều điều thú vị. Các tiết mục quy tụ tương đối đông số diễn viên tham gia, các thành phần trong xứ đạo, đặc biệt là giới trẻ dấn thân khá nhiệt tình. Bạn trẻ Phạm Tuyết Kha (giáo xứ Tân Phú, giáo phận Kon Tum) đang sinh hoạt tại giáo xứ Hòa Ninh, giáo phận Qui Nhơn, do việc học đại học, cũng chủ động tham gia sinh hoạt văn nghệ. Tuyết Kha cảm nhận Noel lần đầu xa nhà, tuy có chút buồn, nhưng vẫn ấm áp nhờ có bạn bè và giáo xứ cùng gắn kết. Ðặc biệt, khi cùng với bạn bè tập dượt, chuẩn bị cho hoạt cảnh, cô không ngại ngần mà thấy quen thuộc: “Nhóm múa chúng tôi đã bắt đầu tập từ ba tuần trước cho đêm công diễn. Niềm mong mỏi chung của nhóm múa là phục vụ cộng đoàn”. Cũng là sinh viên, sống xa nhà như Tuyết Kha, bạn trẻ Huỳnh Công Trứ, sinh hoạt trong nhóm SVCG Tôma Thiện ở Tổng Giáo phận TPHCM cho biết sẽ góp mặt bằng vai trò dẫn chương trình của nhóm và tham gia ca đoàn hát lễ tại nhà thờ Chánh tòa Ðức Bà Sài Gòn. Nhiều người trong nhóm SVCG Tôma Thiện bận rộn cho các môn học ở trường, song đều sắp xếp giờ giấc tham gia tập vào buổi tối. Bạn trẻ Nguyễn Thị Phú, thành viên nhóm SVCG Tôma Thiện, đang ráo riết cùng nhóm tập các tiết mục trước 2 tuần cho đêm diễn nguyện tại giáo xứ Ðồng Tiến, TGP TPHCM. Trang phục diễn nguyện được các bạn thuê và mượn tại các lưu xá hay nhà thờ để dùng. Các bạn trẻ cũng thiết kế sân khấu, bối cảnh, dựng hang đá bằng tre, có thác nước …
Sinh viên Công giáo Tôma Thiện chuẩn bị sân khấu |
Có những bạn trẻ dù bận học, đi làm nhưng vẫn dành thời gian có mặt với anh chị em xóm đạo tập luyện. Không chỉ có trường hợp của bạn trẻ trong các nhóm SVCG, nhiều người, dù ở xa xôi cũng tranh thủ về với xứ mẹ. Bạn Trần Thị Ngọc Tuyền (giáo xứ Thánh Mẫu, giáo phận Phú Cường), sinh viên học tập tại quận 12, TPHCM, vẫn đều đặn đi về giáo xứ để chuẩn bị văn nghệ. Ðoạn đường khá xa nhưng cô đã quen và không sợ mệt nhọc. Ngọc Tuyền cho biết giáo xứ đã tập luyện hoạt cảnh Giáng Sinh từ đầu tháng 12, “Tôi được giao thực hiện hoạt cảnh này, và đóng vai thiên thần. Hoạt cảnh gởi gắm những thông điệp tích cực cho giới trẻ và thiếu nhi, để biết tránh xa của các thói xấu, lối sống xấu…”. Gần đến lễ, giáo xứ đang duyệt chương trình nên cô bạn trẻ thường cố gắng thu xếp việc ở trường và tranh thủ có mặt tại giáo xứ để cùng tổng duyệt.
Ở nhiều giáo xứ, để giảm thiểu chi phí cho sân khấu văn nghệ và trang phục, các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể thường tự tay “xào nấu” những vật dụng gần gũi. Chị Nguyễn Thị Kim Tiến, người phụ trách kịch bản văn nghệ Giáng Sinh tại giáo xứ Ðức Hòa, giáo phận Mỹ Tho chia sẻ: “Ðể chuẩn bị cho đêm diễn được trọn vẹn, không thể thiếu các đạo cụ hỗ trợ. Với những vật liệu thô sơ từ bìa cứng, tre, đồ nhựa... các anh chị huynh trưởng đã tái tạo lại để phục vụ cho đêm diễn hoạt cảnh”. Chị tỏ ra tự hào khi các em thiếu nhi Ðức Hòa, dù vướng bận lịch học, mỗi tối đều tới nhà thờ luyện tập. Ở Ðức Hòa, từ tháng 10 đã rục rịch chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh nhằm hoàn thiện kịch bản cho đêm diễn nguyện. Mọi chi tiết đều được để tâm cho hợp lý, đặc sắc và hạn chế sai sót nhất có thể, để mỗi tiết mục từ các phân cảnh đến ca hát đều đọng lại tình cảm cho người xem…
Thiếu nhi giáo xứ Thánh Mẫu, giáo phận Phú Cường tập luyện nghiêm túc và nhiệt tình |
Ở các giáo xứ, những ngày gần lễ là những ngày xôm tụ, mọi thành phần xứ đạo xúm xít bên nhau. Có giáo xứ chuẩn bị xa từ tháng 11, có nơi neo người, ít ỏi hơn thì cũng đầu tháng 12 đã dựng hang đá, làm sân khấu văn nghệ... sao cho kịp các hạng mục trước lễ. Linh mục Antôn Hà Văn Minh, chánh xứ Chánh tòa, giáo phận Phú Cường cho biết tất cả các thành phần, các hội đoàn của giáo xứ Chánh tòa đều hết mình đóng góp: “Số giáo dân chính thức của xứ Chánh tòa là 4.000 người và con số di dân gộp chung vào lên đến 9.000 người. Chưa kể số lượng người địa phương đến nhà thờ dịp lễ để tham quan, chia sẻ niềm vui Giáng Sinh. Như vậy, tất cả các hoạt động tổ chức mừng lễ cần chuẩn bị chu đáo. Ngoài các chương trình bác ái riêng của hội nhóm, bà con các giáo khu và anh chị em đoàn thể đều hy sinh, góp sức mình để trang hoàng nhà thờ, làm sân khấu, tập văn nghệ, hoan ca... Sự đóng góp của mọi người thể hiện tinh thần hiệp thông trong mùa Vọng”.
Tại giáo xứ Bến Bàu, giáo phận Cần Thơ, cha sở Giuse Nguyễn Văn Trực vừa mới nhận xứ chỉ hai tháng đã cùng bà con giáo dân phối hợp dọn lễ. Năm nay, giáo xứ dựng cây thông Noel bằng lục bình, một đặc sản miền quê sông nước. Cha chia sẻ, sở dĩ ý tưởng làm cây thông như thế là vì lục bình là loài cây gần gũi với đời sống người dân miệt vườn và mặt khác lại tiết kiệm, do nguồn có sẵn, không cần tốn chi phí gì cao, thêm nữa là sự thân thiện với môi trường. Những bẹ lục bình được phơi khô rồi đan lại dựa trên khung có sẵn, sau đó được trang trí đèn. Hình ảnh ấy vừa đẹp vừa gần gũi. Có thể thấy được lòng sốt sắng của giáo hữu khi chuẩn bị lễ Giáng Sinh, từ trang hoàng nhà Chúa cho đến tập diễn nguyện... Rất nhiều người đã cống hiến bằng cách này, cách khác với tâm tình đơn sơ. Vì một đêm đáng nhớ!
ANH NGUYÊN
Bình luận