HOÀNG ANH
Cuối chặng đường mỗi Mùa Chay là Tuần Thánh tưởng niệm hành trình khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Ngoài Tuần Thánh, hành trình này vẫn được các tín hữu suy niệm thường kỳ trong năm qua việc đi đàng thánh giá tại các nhà thờ, nhà nguyện. Ở nhiều vùng miền, một số cộng đoàn, tận dụng địa thế tự nhiên, còn thiết lập chặng đàng thánh giá men theo các sườn núi...?
Các chặng đàng thánh giá họa lại chặng đường tử nạn Đức Giêsu, bắt đầu từ dinh tổng trấn Philatô cho đến nơi an táng Ngài. Hình thức đạo đức này đã có những tiến triển qua thời gian. Tương truyền, sinh thời Đức Mẹ có thói quen hằng ngày đi viếng lại tất cả những nơi Chúa Giêsu đã đi qua trong cuộc tử nạn. Thánh Giêrônimô (342-420), đã chuyển đến sống và qua đời tại Bêlem, chứng nhận rằng có nhiều đám đông hành hương từ nhiều nước khác nhau đến thăm các nơi thánh và đi đàng thánh giá tại Thánh Địa.
Thực hành đạo đức này ngày càng được phổ biến. Vào thế kỷ V, một phong trào xuất hiện trong Giáo hội cho “tái dựng” lại các chặng đàng thánh giá ở các khu vực khác nhau, hầu giúp cho các khách hành hương dù không thực sự đến được Thánh Địa vẫn có thể thực hành hình thức đạo đức này với một tâm tình ngưỡng kính. Chẳng hạn, Thánh Petronius, Giám mục Bologna, đã cho xây dựng một chuỗi các nhà nguyện tại đan viện San Stefano, mô phỏng lại những di tích quan trọng tại Thánh Địa, trong đó có một số chặng trong đàng thánh giá. Năm 1342, các tu sĩ Phanxicô được chỉ định làm người canh giữ các di tích Thánh Địa. Các tín hữu sẽ nhận được ân xá khi cầu nguyện ở những chặng - tại dinh tổng trấn Philatô, tại nơi Đức Mẹ gặp Đức Giêsu, tại nơi Chúa ngỏ lời với các người phụ nữ thành Giêrusalem, tại nơi Chúa gặp ông Simôn thành Kirênê, tại nơi lính tráng lột áo Chúa, tại nơi Chúa chịu đóng đinh, và tại hang đá nơi an táng Chúa.
William Wey, một khách hàng hương đến từ Anh, thăm Thánh Địa năm 1458 và năm 1462, đã mô tả cách thức người ta đi chặng thánh giá tại đây. Trước đây, người ta thường đi ngược chiều với cách thường thấy hiện nay - từ đồi Canvê xuống dinh Philatô. Nhưng vào thời gian ông này đến Thánh Địa, thói quen đi đàng thánh giá từ dinh Philatô đến đồi Canvê đã được áp dụng.
Khi những người Thổ Hồi giáo chặn đường sang Thánh Địa, việc cho tái dựng các chặng đàng thánh giá được thực hiện tại các trung tâm hành hương, tâm linh, chặng hạn tại tu viện Đa Minh ở Cordova, tại tu viện Clara Khó Khăn ở Messina (đầu những năm 1400), tại Nuremberg (1468); tại Louvain (1505); tại Bamberg, Fribourg và Rhodes (1507); và tại Antwerp (1520).
Cuối thế kỷ XVII, việc cho dựng các chặng đàng thánh giá trong các nhà thờ, thánh đường trở nên phổ biến hơn. Năm 1686, ĐTC Innocent XI nhận thấy hiếm người có thể tới được Thánh Địa vì sự cấm cản của Hồi giáo, ngài ban cho các tu sĩ dòng thánh Phanxicô đặc quyền được dựng chặng đàng thánh giá nơi tất cả các nhà thờ của mình. Năm 1726, Đức Bênêđictô XIII mở rộng đặc ân đó cho tất cả mọi người tín hữu. 5 năm sau, ĐTC Clementê XII cho phép tất cả mọi nhà thờ được đặt các chặng đàng thánh giá, thường là 14 tượng thánh giá có kèm theo bức ảnh mô tả diễn tiến mỗi chặng.
Những chặng đàng thánh giá giúp các tín hữu suy ngẫm vềcuộc tử nạn, cái chết và cốt yếu là cuộc sống lại của Chúa Kitô. Các chặng đàng thánh giá cũng có thể là những chặng đàng mà các tín hữu gặp và sống lúc nào đó trong cuộc đời. Chặng đàng thánh giá cũng tiềm ẩn ý nghĩa về cuộc sống vĩnh hằng sẽ được ân ban cho những ai đi theo dấu chân Ngài.
Đàng thánh giá là suy tư thường xuyên của nhiều người, nhất là của các nữ tu MTG với tôn chỉ “Per crucem ad gloriam” (Qua thập giá đến vinh quang).
HOÀNG ANH
Bình luận