Giáo xứ Thánh Gia Katulikire ở giáo phận Hoima, Uganda là nơi tiếp đón những người tị nạn từ Congo, Kenya và Nam Sudan, cùng với những người Uganda di tản trong nước. Ðể hiểu rõ hơn về cách điều hành đời sống giáo xứ, mới đây, nữ tu Lucy Akello đã thực hiện một cuộc khảo sát trong cộng đồng , đưa ra bức tranh rõ ràng về những điểm mạnh và thách thức của giáo xứ. Những thành phần trong xứ đạo đều cùng tham gia, đóng góp vì các mục tiêu chung.
Trong đời sống sinh hoạt giáo xứ, giáo phận, vẫn luôn cần các hình thức để lắng nghe, thấu hiểu..., để tổ chức tốt hơn.
TRÁNH TÌNH TRẠNG MỘT CHIỀU
Anh Phạm Đào Nguyên (Giáo xứ Vinh Sơn Phaolô, TGP TPHCM): Bộ trưởng Bộ Kinh tế Vatican là một giáo dân. Tại Thượng Hội đồng Giám mục, không phải chỉ bao gồm các vị giám mục ở các cuộc họp mà giáo dân đã được tham gia, trong đó có cả phụ nữ và những người trẻ, để nói lên tiếng nói của họ. Trong các cuộc họp nhà đạo, ở những cấp độ cao hơn, khi bàn bạc về chương trình mục vụ, kế hoạch cho dự án nào đó, sự đóng góp ý kiến của giáo dân sẽ tạo nên tính đa chiều. Hơn nữa, giáo dân ngày nay trong nhiều lĩnh vực xã hội là những người có trình độ cao, thậm chí là những chuyên gia. Tôi được biết HĐGMVN mỗi năm đều có 2 kỳ họp và cứ 3 năm lại có một đại hội để đề ra những chương trình mục vụ, sinh hoạt ở giai đoạn nhất định. Trong bầu khí mà Giáo hội hướng tới là tinh thần hiệp hành, đồng trách nhiệm, cũng đã tới lúc tại các cuộc họp này, hay hội nghị của một ủy ban nào đó, khi trao đổi những việc chung hướng tới cộng đồng mà mang đặc thù xã hội hoặc tương đối cần người có chuyên môn sâu, các chủ chăn nên mời và lắng nghe, tham khảo ý kiến giáo dân.
BẢNG KHẢO SÁT Ý KIẾN
Chị Nguyễn Ngọc Quyên (Giáo xứ Tân Mai, giáo phận Xuân Lộc): Đọc tin về một giáo xứ ở nước ngoài có bảng khảo sát để thông qua đó giúp hiểu điểm mạnh và thách đố, tôi thấy thú vị. Cách làm hay, nội dung cũng hay, nếu được các xứ học áp dụng theo sẽ mang nhiều hiệu quả tốt. Tôi ít thấy việc lấy ý kiến của người giáo dân trong giáo xứ, giáo phận… Nếu thực hiện bảng khảo sát hay bảng hỏi, có thể gởi đến tận nhà qua nhiều hình thức như bản giấy, bản điện tử, qua Zalo, email... Riêng đề tài khảo sát thì tùy mục đích khác nhau mà việc khảo sát có thể ngắn hoặc dài, và đề tài thì dĩ nhiên xoay quanh những vấn đề trong đời sống đạo. Nhiều người e ngại góp ý, nhưng nếu là góp ý xây dựng với tâm tốt thì mọi người sẽ dễ dàng bày tỏ cách nhìn của mình.
LẮNG NGHE GIÁO DÂN
Ông Nguyễn Trường Sơn (Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ Vườn Xoài, TGP TPHCM): Trước đây Tổng giáo phận TPHCM đã từng tổ chức Đại hội Dân Chúa (2010), Công nghị giáo phận (2011), tạo điều kiện và thúc đẩy mọi thành phần tham gia, mở rộng sự hiệp thông trong giáo hội… Với cuộc sống thay đổi quá nhanh như hiện nay, có nhiều chuyện từ gia đình, giáo xứ đến sinh hoạt trong giáo phận nảy sinh, nên tôi nghĩ trong khoảng 3 - 4 năm thì giáo phận nên tổ chức một đại hội hoặc Công nghị một lần, đặt ra những vấn đề gần gũi nhất trong đời sống Giáo hội, để người giáo dân thuộc các giới được chia sẻ kinh nghiệm sống đạo, đóng góp sáng kiến vào cuộc canh tân, xây dựng Hội Thánh. Vừa qua, được tham dự các buổi thường huấn của Ủy ban Giáo dân trực thuộc HĐGMVN tổ chức tại giáo phận Bà Rịa, tôi nhận thấy đây cũng là một cách để các vị chủ chăn có thể hiểu, nắm bắt được những thao thức của các thành phần Dân Chúa, vì chương trình có Đức cha Chủ tịch Ủy ban Giáo dân, các linh mục đặc trách và nhiều anh chị em đại diện giáo dân đến từ 10 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn. Tại đây, các thành viên không chỉ nghe trình bày một số đề tài mà còn được dịp chia sẻ những thao thức. Chương trình dành nhiều giờ để ưu tiên lắng nghe giáo dân phát biểu tâm tư, nguyện vọng. Những ý kiến của các tín hữu trong tinh thần xây dựng được ghi nhận, trân trọng.
MỘT BUỔI GẶP GỠ
Bà Y Lai (Giáo xứ Phương Quý, giáo phận Kon Tum): Nhiều giáo dân mong được gặp các vị giám mục không chỉ trong thánh lễ do các vị cử hành, mà có thể dịp khác. Theo suy nghĩ của tôi, các giáo phận nên có một ngày họp mặt giáo dân, hay tổ chức gặp giáo dân vào một thời gian nào đó trong năm; thậm chí có thể tổ chức gặp gỡ đại diện các giáo xứ ngay trong kỳ tĩnh tâm của các linh mục để các cha cùng nghe những thao thức của giáo dân mình. Nếu được như vậy thì giáo dân sẽ được biết thêm những chương trình sắp tới của giáo phận, và cũng là dịp để giáo dân trình bày những điều cần thiết. Cần bàn luận thực tế những vấn đề mới, nổi cộm. Một khi mọi người cùng nắm bắt thì càng hiệp nhất.
TẬN DỤNG CƠ HỘI ĐỂ GẶP GỠ
Chị Lê Thị Trâm (Giáo xứ Phước Long, giáo phận Ban Mê Thuột): Là một tân tòng, tôi ấn tượng về môi trường sống đạo gần gũi qua nhiều đời cha sở nơi giáo xứ quê chồng. Qua sự cởi mở của các ngài giúp người giáo dân mạnh dạn chia sẻ, đóng góp ý kiến. Hằng năm, giáo xứ tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ. Đây là dịp để mục tử đối thoại, lắng nghe tâm tư của giáo dân trong xứ đạo, nhằm điều chỉnh trước những nhu cầu thực tế. Tôi biết Đức Giám mục giáo phận thường về các xứ đạo ban bí tích Thêm Sức kết hợp kinh lý theo Giáo luật. Trong dịp này, nếu giáo xứ tổ chức để giáo dân được trao đổi các vấn đề với Đức cha về đời sống đạo, các chương trình của giáo phận, giải đáp các thắc mắc gặp phải trong đời sống đạo…, chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người. Giáo dân thêm hiểu nội tình giáo phận, hiệp thông bằng cách nào đó. Và đây cũng là cơ hội giúp bề trên hiểu được sâu sắc đời sống giáo hữu.
Nhóm PV (thực hiện)
Bình luận