“Ông thánh Antôn hay làm phép lạ”, là câu nói quen thuộc với nhiều người. Ngay trong lời kinh Thánh Antôn cũng nhắc đến chi tiết đặc biệt này. Có lòng mến mộ, yêu quý, cậy trông dành cho ngài cách đặc biệt, nên một số xứ đã có đền, đài tôn kính. Với bà con giáo dân ở Trại Gáo (GP.Vinh), thánh Antôn là đấng bổn mạng gắn với cả quá trình dài trong lịch sử hình thành đời sống đức tin trải dài trên trăm năm.
Ở Trung tâm hành hương Thánh Antôn Trại Gáo (tên gọi chính thức của đền Thánh Antôn Trại Gáo bên cạnh cách gọi Linh địa Trại Gáo) vào ngày cuối tuần - dù không phải dịp đặc biệt như ngày 13.6, ngày kính Thánh Antôn Padua; cũng không phải vào thứ Ba hàng tuần như nếp quen từ lâu ở Trại Gáo - khách hành hương đến để dự lễ, cầu nguyện, tham quan không hề thưa vắng. Nếu đã có dịp đi hành hương ở các trung tâm, khó có thể không so sánh bầu khí thánh thiêng và rất đông người như ở đây. Cũng dễ thấy chút nhộn nhịp mua bán ở phía con đường dẫn vào cổng Trung tâm hành hương, phần nhiều là thức quà quê đậm tính vùng miền và hàng lưu niệm... Mấy bà mấy cô bán hàng mời chào bằng âm giọng nằng nặng đặc trưng. Nhiệt tình kể cho khách phương xa về dịp lễ lớn kính thánh Antôn hằng năm, nhiều người không quên khoe những tấm ảnh cả khu vực đền thánh chật kín người trong dịp mừng 125 năm đền Thánh Antôn vào năm 2023. Không giấu sự tiếc nuối dùm cho người tận phương Nam đến viếng đền thánh, người phụ nữ tên Hoa, bán mấy loại khoai, củ trước đền có chút xuýt xoa: “Giá mà đến sớm hơn vào thứ Ba hằng tuần hoặc trễ thêm ít nữa, là thấy được bao là người tụ về. Ông thánh thiêng liêng lắm, nên không chỉ người đạo mình mà người lương cũng tìm đến cầu nguyện đông”.
Trại Gáo, theo các bô lão trong vùng, là gọi trại từ Trại Gạo. Thuở ban đầu, Trại Gạo là một trang trại thuộc Nhà Chung Xã Đoài. Khi đó nơi này chỉ có ít gia đình làm công cho trang trại và một số người nghèo được các cha ở Nhà Chung đưa về đây sinh sống. Dần dần hình thành một cộng đồng nhỏ cùng chung đức tin. Ngôi nhà nguyện sau đó cũng nên vóc nên hình ngay cạnh kho lúa, và thánh Antôn được chọn làm bổn mạng cho những mảnh đời nghèo giữa một vùng heo hút. Có một giai thoại được truyền miệng hết đời này đến đời khác, ly kỳ với tình tiết xoay quanh tượng ông thánh và lý giải vì sao cha ông chọn vị trí này xây đền thờ. Bấy giờ, vào năm 1898, các cố Tây đã đặt mua một bức tượng thánh Antôn bằng thạch cao từ Pháp và vận chuyển về bằng đường biển đến Nhà Chung, tiếp đó được đưa lên Trại Gáo. Quãng đường ở hai điểm khá xa và vất vả với gần 10km đường đất, núi. Dự định ban đầu là rước tượng lên đỉnh núi, nhưng trong lúc đoàn khiêng tượng đang nghỉ ngơi lấy sức thì đột ngột các dây ràng bị đứt. Mọi người đã thử nhiều cách nhưng không thể xê dịch tượng. Đoàn người cho rằng ông thánh muốn ở lại địa điểm này, nên một nhà thờ bằng gỗ đã được dựng ngay vị trí bức tượng dừng chân. “Ông thánh Antôn hay làm phép lạ” đã chinh phục bao trái tim con người trên miền đất khó nghèo từ đó. Dần dà, trở thành một cộng đồng đông đúc với hàng ngàn giáo dân.
Trại Gáo nay đã có nhiều thay đổi. Đời sống khấm khá hơn, xóm làng cũng như đền thánh khang trang. Hiện pho tượng ông thánh Antôn thuở xưa nằm bên trong nhà thờ. Riêng bức tượng mới bằng đá bề thế hơn được đặt ở sân trước. Bà con giáo dân thuộc đền thánh đều khẳng định pho tượng trong nhà thờ được giữ nguyên vẹn, không chỉnh sửa thay đổi gì. Ký ức của họ lớn lên cùng mảnh đất thờ phụng thánh Antôn vẫn không thay đổi, dù làng quê giờ đã bê tông hóa, thịnh vượng hơn trước rất nhiều. Bắt chuyện với anh Sỹ Hưng (một người con họ Trại Gáo), dù làm việc xa quê nhưng năm nào cũng về quê vài lần, anh kể gian cung thánh vẫn y hồi anh còn bé vì theo anh không ai dám thay đổi gì. Bức tượng ông thánh trên trăm năm được đặt ở ngay gian cung thánh với phần khung gỗ trạm trổ hoa văn bao quanh. Ông thánh mặc áo nâu, ẵm Chúa Hài Đồng được khắc họa bằng hình ảnh quen thuộc... Buổi lễ Chúa nhật hôm tôi ghé thăm đầy dẫy những hình ảnh vừa quen vừa lạ, đọng lại mãi một ấn tượng không dễ phai. Tín hữu đọc kinh, viếng thánh Antôn và không quên dâng lời ước nguyện thì thầm. Nhiều người sờ vào phần chân, vạt áo tạo thành những vệt màu của sự mài mòn. Lòng mộ đạo dù nơi nào cũng có điểm chung là vậy. Ở bậc tam cấp phía gian cung thánh, bao người đã đặt nào thuốc men, dầu gió, dầu xoa bóp... để xin chúc lành. Tất cả sẽ được chủ nhân lên lấy về sau khi tan lễ...
Trung tâm hành hương Thánh Antôn Trại Gáo có các phần đất trống thuận lợi cho các dịp hành hương lớn trong năm, thế nhưng các dãy dành cho khách phương xa lưu trú lại đã bắt đầu xuống cấp. Chỉ còn ít ngày nữa, theo truyền thống, đại lễ kính thánh Antôn sẽ được tổ chức, sẽ quy tụ hàng vạn người từ khắp nơi đổ về. Đây cũng được xem là ngày về quê của những người làm ăn xa trong vùng.
Trung tâm hành hương Thánh Antôn Trại Gáo thuộc giáo xứ Mỹ Yên (thành lập năm 1888). Trại Gáo cách nhà thờ Mỹ Yên khoảng 3km. Vị trí của Trung tâm thuộc xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm ngoái là Năm Thánh của Trung tâm với lịch sử dày 125 năm hiện diện. Một Năm Thánh đầy rộn ràng với nhiều sự kiện vừa khép lại sau Tết cổ truyền. Thế nhưng, với nhiều tín hữu, thì Trung tâm hành hương thánh Antôn Trại Gáo năm nào cũng là “Năm Thánh” vì đây là đất thiêng, là truyền thống đức tin luôn được nối tiếp và mở rộng.
Minh Minh
Bình luận