Cái Keo, ngày...1973
- Hạnh, con mượn xuồng máy cho cha đi Đồng Cùng chưa?
- Xuồng ông Sáu Khôi kẹt rồi.
- Chết cha tôi rồi ! ... Không sao, để cha đi bộ.
- Đi bộ xa lắm !
- Bốn cây số không đủ để mỏi chân. Con kiếm đứa nào chèo xuồng đưa cha qua Cái Muối, rồi cha đi ên ! (đi ên là đi một mình)
- Cha đừng đi bộ. Lỡ có lựu đạn thì sao ?
- Thì nó nổ... Cha đi hoài con đường này rồi.
- !!!
Gặp con nước rong, sông Bảy Háp phẳng lì như mặt hồ. Bên tả ngạn : mắm, đước trập trùng, màu xanh bát ngát. Mình đi bên hữu ngạn : nhà cửa lưa thưa, rừng dừa xơ xác. Nếu thần chết đừng lởn vởn đâu đây, thì phong cảnh này đẹp đến mê hồn. Đẹp đến mê hồn, nhưng cũng sợ đến chết được. Mình đang cẩn trọng lội qua đám rau mui bịt bùng, thì có tiếng hỏi vọng ra từ phía căn nhà lá, có vườn bông mồng gà :
- Ông cha đi đâu mà lội bộ vậy ?
- Tôi xuống Đồng Cùng.
- Sao không đi vỏ cho nó khỏe cái giò ?
- Nếu tôi đi vỏ thì làm sao được gặp và nói chuyện với ông. Ông thứ mấy nhỉ ?
- Tôi thứ Năm. Mời ông cha vô uống nước.
Thế là mình có thêm một người bạn tốt. Ông Năm hiền từ và quảng đại. Chiều nào bà con lối xóm cũng tụ tập ở đây. Đàn ông thì hút thuốc, đàn bà thì ăn vặt. Dừa đó, cứ việc bẻ; chùm ruột đó, cứ việc hái. Ông Năm hứa sẽ cho mình mượn nhà để nói chuyện đạo, để làm lễ... Phải chăng đây chính là căn nhà của "bà Maria, mẹ của Gioan Máccô" mà Chúa sắp ban cho mình.
-------------------------------------------------------------------------------
Sơn Tây, ngày... 1990
Sáng nay mình đi tham quan nhà máy thủy điện Hòa Bình...Về đến Kỳ Sơn thì xe xẹp bánh. Người lái đi vá, còn mình thì đi lang thang... Có một căn nhà lá nằm dưới sườn đồi. Thấp thoáng có bóng người con gái. Mình mò tới để gạ chuyện.
- Chào cô, tôi là dân Nam Bộ, thấy nhà cô có hai cây vú sữa, tôi cảm động quá. Cứ tưởng chỉ có dinh Bác Hồ mới có một cây vú sữa, ai ngờ… Nó có quả chưa cô ?
- Bố cháu lấy giống ở Hà Nội đem về trồng từ ba năm nay rồi, mà chả thấy nó ra quả.
Đến đó là hết chuyện. Im lặng nặng nề. Mình muốn vô nhà, mà cô gái không mời. Tức khí, bèn mở lối.
- Nhà cô có hai cây hồng ở đàng kia, sai quả quá, cô có bán không ?
- Hồng nhà cháu còn xanh lắm chưa ngâm được. Chú quá bộ xuống chợ mà mua. Ở đấy thì có vô khối, tha hồ mà mua.
- Tôi muốn mua hồng của cô kia. Hồng ngoài chợ thì tôi thèm vào.
Lại hết chuyện. Lại im lặng nặng nề. Mình muốn vô nhà, mà cô gái vẫn không mời. Phải chăng vì chỉ có một mình cô ở nhà, nên cô giữ kẽ với mình ? Hay vì cô không muốn tiếp khách du lịch trong căn nhà nghèo nàn ? Kệ, mình tấn công một lần nữa, một lần cuối cùng.
- Cô ơi, nhà cô có điếu thuốc lào không ?
- Thưa có ạ. Mời chú vào.
Mình vê một điếu, rít một hơi giòn giã. Người đàn ông đang ngủ ngon bỗng giật mình lồm cồm bò dậy, gãi đầu và nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu...
- Đây là anh của cháu.
- Chào anh. Tôi thèm thuốc quá, anh thông cảm nhá.
Người đàn ông mỉm cười, lết tới bàn, vê một điếu thuốc, rít một hơi thật điệu nghệ, ngửa cổ, phun khói lên mái nhà. Sướng ! Chủ và khách bỗng trở nên bạn thân, bạn thuốc lào... Ông anh hút nhiều, nói ít. Cô em không hút, nói nhiều. Cô có trình độ cấp ba, làm thư ký cho nhà máy giấy. Quần áo của cô thì bèo nhèo, nhưng cái miệng của cô thì dẻo quẹo. Cô có rất nhiều bạn theo đạo công giáo và cô rất quý mến họ. “Họ tốt lắm, ở đây không có nhà thờ. Những ngày lễ lớn họ đi về lễ ở Hà Nội" .
Lời tâm tình của cô khiến mình cảm động đến rơi lệ. Những anh chị em công nhân công giáo xa họ đạo, xa nhà thờ, nhưng vẫn sống chứng tá giữa đồng bào của mình. Họ là men. Họ là muối. Họ đang giảng Lời.
Sực nhớ đến người lái xe, mình kết thúc vội vã :
- Tôi cũng theo đạo Thiên Chúa. Thôi chào anh, chào cô, tôi phải đi. Nếu chẳng may lỡ đường, cho tôi ngủ nhờ nhá.
- Không dám ạ, nhà cháu nghèo lắm.Nhưng nếu chú không chê nghèo, thì xin chú cứ tới ạ.
- Tôi thích người nghèo lắm. Chúa yêu người nghèo mà. Chào người nghèo !
- Cháu cũng thích đạo này lắm. Chào chú.
Mình tìm đến chỗ vá xe. Ở chốn đèo heo hút gió này, người vá xe chỉ vá xe đạp. Xe Honda thì hắn phải mầy mò. Không có đồ vá chín (vá ép), hắn đành vá sống.
- Cháu vá tạm. Hai chú xuống chợ huyện thì có vá chín.
- Đành thế... Ờ, mà cậu có cái gì dán ở cửa kia ?
- Đức Mẹ đấy… Mà cháu cũng chẳng biết nữa. Hồi cháu vào trong Nam, cháu thấy đẹp thì đem về dán ở đấy.
Hắn là người dân tộc Mường, đi bộ đội, vào giải phóng miền Nam, đem ảnh Đức Mẹ về dán ở cửa, giữ gìn một cách trân trọng, và nói một cách thành kính : "Đức Mẹ đấy". Sau đó lại sang số :”Mà cháu cũng chẳng biết nữa... Cháu thấy đẹp thì đem về dán ở đấy”. Vấn đề không đơn giản như vậy...
Hai người dắt xe ra quốc lộ 6, đạp máy và phóng về phía Sơn Tây. Đúng là Kỳ Sơn. Núi đẹp quá. Trập trùng. Muôn hình. Muôn dạng. Gió mát như gió ướp lạnh. Đà Lạt ơi ! Thua 0-1 rồi!
Mình muốn dừng xe và ở lại luôn để thấy và để cảm nghiệm hết cái đẹp của Kỳ Sơn. Tại sao ở đây không có một "nhà thờ con gà" ? Tại sao Kỳ Sơn chưa đi vào văn chương Việt Nam ?...
Vừa đến Xuân Mai, thì xe lại xì hơi. Bỏ người lái xe, mình men theo bờ dốc đến trước một ngôi nhà ngói ba gian, có tường đá ong bao bọc xung quanh. Mình đứng ở cổng, ngó mông lung về phía đồi chè.
- Bác muốn tìm ai đấy ?
- Tôi không tìm ai cả. Tôi đi tham quan nhà máy thủy điện Hòa Bình. Về đến đây thì xe nổ lốp. Người lái đi vá. Còn tôi... thấy nhà của chị đẹp quá thì đứng ngắm một tí.
- Mời bác vào xơi nước ạ.
- Nhà chị đẹp quá, lại có bài vị sơn son thếp vàng. Chắc nhà chị có nhiều người tài giỏi lắm ?
- Không dám. Nhà cháu nghèo lắm.
- Chị theo đạo nào ?
- Cháu là người lương.
- Người lương khác người đạo thế nào ?
- Người đạo là người Thiên Chúa, không thờ cúng ông bà.
- Đạo gì mà kỳ vậy ? Công đức sinh thành mà không thờ là thế nào ?
- Cái đó thì cháu chả biết. Nhưng mà. .. cứ đến ngày giỗ, anh em họ lại về với nhau.
- Ừ, mà có lẽ họ đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ đấy.
- Vâng, cháu cũng nghĩ thế.
- Người đạo và người lương có quan hệ tốt với nhau không?
- Chúng cháu vẫn chơi bời bình thường với nhau.
- Có nhà thờ không ?
- Ở đây không có nhà thờ. Ngày Chủ Nhật người ta đi lễ ở Sơn Tây.
Mình từ giã người đàn bà. Lòng vui phơi phới. Không cho lập bàn thờ ông bà là một sai lầm lớn của Giáo Hội, vậy mà người đàn bà ấy lại bao che một cách khéo léo. Không có nhà thờ, vậy mà tín hữu ở đây vẫn sống chan hòa với lương dân và hàng tuần vẫn đi lễ ở nhà thờ xa hằng chục cây số. Hạt giống cứ âm thầm mọc lên (Mc. 4, 26-29).
Bình luận