LTS : Nữ tu trẻ Maria Nguyễn Thị Kim Ý thuộc Hội dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ - Nha Trang là một bác sĩ. Hằng ngày, chị làm việc ở Phòng khám Mẫu Tâm của Caritas giáo phận Nha Trang, được tiếp xúc với nhiều cảnh đời bất hạnh, nghèo khổ… Chị xem đây là cơ hội đem yêu thương đến với mọi người như Chúa Giêsu đã dạy, và là hình thức cùng Giáo hội đến với tha nhân. Dưới đây là một số tâm sự của chị.
Tôi sinh ra ở một miền quê nghèo của Phan Rang, nơi lòng đạo của người dân dù đơn sơ nhưng đầy sốt mến. Từ nhỏ, thỉnh thoảng nghe các dì phước trong họ đạo kể về hoàn cảnh của những người phong cùi tại các trại, sự đau khổ đến tột cùng của những tấm thân tàn phế…, tôi đã ước lớn lên mình được làm thầy thuốc, sẽ đến chăm sóc họ và băng bó các vết thương. Song song với hoài bão làm bác sĩ là ý nguyện muốn dâng mình cho Chúa trong đời tận hiến. Tuy vậy, khi ơn gọi chín muồi, tôi chọn hướng bước vào cánh cổng nhà dòng và tạm gác lại giấc mộng tuổi thơ.
Nhưng Thiên Chúa luôn làm nhiều việc thật lạ lùng, có lẽ Ngài đã vẽ đường thẳng bằng compa vào đời tôi. Số là trong khóa gia nhập nhà tập của chúng tôi năm ấy, bề trên quyết định mời gọi mọi người chọn cho mình một lãnh vực liên quan đến y tế để theo học, ngõ hầu sau này đáp ứng cho các kế hoạch lâu dài của dòng. Có bạn thi vào Dược, có bạn chọn học Ðiều dưỡng, tôi được dòng cho thi và đậu ngành Y sĩ. Trong quá trình học và cả sau khi ra trường, tôi có dịp đến nhiều trại phong, vào những làng xã của người dân tộc xa xôi để khám chữa bệnh cho họ, cũng như thực hiện giấc mơ ngày còn bé. Lúc này, từ việc tiếp xúc với nhiều cảnh đời đáng thương, cộng với những nhân đức và các bài học, giáo huấn được lãnh nhận trong dòng, tôi nhận ra mình có bổn phận giới thiệu gương mặt Ðức Kitô cho tha nhân qua tình yêu thương dành cho họ. Vậy là càng yêu và gắn bó nhiệt thành với nghề. Thời cơ đến, trường Ðại học mở khóa chuyên tu y sĩ lên bác sĩ, được sự khuyến khích của bề trên, tôi thi và đậu. Vậy là tiếp tục học lên cao để có thể giúp anh chị em xung quanh nhiều hơn.
Lúc đã khấn trọn, tôi lại cảm thấy như được thôi thúc phải dấn thân thật mãnh liệt, nhất là khi mỗi ngày đều chiêm niệm và suy ngẫm về linh đạo của dòng, trong đó có một câu châm ngôn rất hay : “Trái tim Mẹ đến với mọi người, đặc biệt là gần gũi với đời sống của họ”. Vậy nên tôi luôn “cháy” hết mình, xem việc đem khả năng Chúa cho phục vụ bệnh nhân là niềm vui, là lẽ sống, là hướng đi mình chọn trong đời tu. Thăm khám, tôi thường tranh thủ hỏi han thêm gia cảnh của người bệnh, trấn an họ ít nhiều, gợi lên trong họ niềm tin và sự cậy trông. Khi có thể tận dụng được thời gian, tôi hạnh phúc nhất là được trực tiếp chăm sóc vết thương cho người bệnh, quấn cho họ cuộn băng, chích cho họ mũi thuốc…, dù thông thường đây là công việc của các điều dưỡng, nhưng với tôi, có chạm đến sự đau khổ của anh em mới có thể vỗ về, đồng cảm, thấu hiểu và thương họ nhiều. Cũng có những bệnh nhân gia đình đưa đến phòng khám khi bệnh viện đã lắc đầu. Họ biết và cần sự ủi an. Lúc này một mặt tôi tìm cách làm giảm cơn đau thể lý cho họ, mặt khác xin họ hãy phó thác tất cả cho Chúa, cho Ðấng Tối Cao (nếu là người không Công giáo), và luôn nuôi dưỡng niềm hy vọng.
Nhìn lại chọn lựa của mình, tôi cảm nhận bản thân đã và đang sống được chút ít tinh thần Tin Mừng, trong tâm tình Giáo hội, đáp lời gọi mời của Ðức Thánh Cha và tôn chỉ của hội dòng, đó là đến với anh chị em đang chịu đau khổ, ở đây là đau khổ bởi bệnh lý.
Tôi nghĩ đó cũng là một cách đóng góp vào đời sống của Hội Thánh.
Bình luận