Trong lúc dọn lại căn phòng bề bộn sách vở, tình cờ thấy lại Thư Chung (TC) năm 2001 của HĐGMVN gởi cộng đoàn Dân Chúa với chủ đề “Để họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), tôi đọc lại và đã được khai sáng nhiều điều.
Đức Kitô đã tạo dựng một thân thể mới để ngày đêm phụng sự Thiên Chúa Cha và chăm sóc công trình Thiên Chúa tại thế. Thân thể nhiệm mầu ấy có khi bị trần thế hành hạ, truy sát, loại trừ vẫn cố gắng quay lại yêu mến và đồng hành. Thân thể Hội Thánh cũng đã trải qua bao nhiều khó khăn và thử thách, trải qua bao nhiều sóng gió miên trường bởi tư tưởng bài xích bên ngoài và những nổi loạn bên trong nhưng Hội Thánh ấy vẫn luôn đứng vững trung kiên với sứ mệnh mà Đức Giêsu Kitô đã giao phó: “Hãy đi, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (x. Mt 28,19).
Chúa Kitô đã đến chia sẻ thân phận trần thế với con người và thế giới, đem Tin Mừng như tiếng nói thức tỉnh lương tri và sửa lại con đường dẫn đến chân lý là Thiên Chúa. Để làm được điều đó, Hội Thánh không được ban các đạo binh thiên quốc hay binh hùng tướng mạnh của một cường quốc kinh tế và quân sự mà chỉ được trao Thần Khí Chúa Kitô - Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ hướng dẫn qua đức tin sống bằng phụng vụ các bí tích. Một Hội Thánh đồng hành, yêu thương, phụng sự, hiệp nhất và bình an là một Hội Thánh có hồn tông đồ, hồn ấy là sức sống của Thần Khí thôi thúc toàn thể Hội Thánh tiến lên dẫu đường sá gập ghềnh.
Công đồng Trentô (1545-1563) là sự thức tỉnh sứ mệnh phụng sự và đối tượng phụng sự là ơn cứu rỗi cho mọi loài thụ sinh. Chính cuộc canh tân đó làm cho Hội Thánh không còn già nua, khuôn chế hình pháp mà đào sâu sứ vụ của mình trong nỗ lực suy tư và sống mãnh liệt các mầu nhiệm bí tích và phụng vụ. Thế giới dù có phủ nhận thực tại Hội Thánh nhưng không thể phủ nhận sự đóng góp của Hội Thánh trên các lĩnh vực. Và, công tâm nhìn nhận, những giá trị khoa học cơ bản đều được Hội Thánh đặt nền móng qua sự hy sinh của con cái mình để thăng tiến nhân loại. Thế giới hiện đại sau hai cuộc thế chiến kinh hoàng đã làm nhân loại mất phương hướng, cô đơn, đau thương xâu xé và mất đi định hướng căn bản. Công đồng Vatican II (1962-1965) đã triệu tập những nhà tư tưởng xuất sắc của mình nhằm thổi một luồng gió mới, đem lại sức sống và niềm tin cho thế giới tan tác và phân hóa. Hội Thánh mang Thần Khí Thiên Chúa hoạt động mạnh mẽ trên mọi nẻo đường, góc phố, mang lại niềm hy vọng trời mới đất mới thay thế cho những sụp đổ thành quách hoang phế cổ xưa. Nhờ ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình là đồng hành với con người trong thế giới ngày nay bằng niềm hy vọng, hiệp nhất và san sẻ, thân thể huyền nhiệm này của Đức Kitô Giêsu đủ can đảm để nhìn vào thế giới, nhìn vào xã hội con người đang sống để rung lên những hồi chuông thức tỉnh trước sức biến đổi và phát triển của nền kỹ nghệ tha hóa, duy vật và chủ nghĩa hư không như bóng ma sau những cuộc chiến tranh.
Trong niềm thao thức trăn trở, 34 thành viên của HĐGMVN 15 năm trước cũng chia sẻ âu lo cùng Mẹ Hội Thánh, muốn canh tân đời sống theo tinh thần Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, nỗ lực suy tư một con đường mở rộng trước thế giới, trước quê hương Việt Nam. Sứ mệnh con thuyền Hội Thánh là cứu nạn, giải phóng con người bằng đối thoại, cảm thông, hiệp nhất và sẻ chia. Đức Kitô - Đấng sáng lập Hội Thánh bằng cả tâm hồn và tất cả sự sống đã uỷ thác mệnh lệnh đến với mọi người để đem Người vào và hoán cải tâm hồn nhân sinh hiện thế.
Đọc lại TC 2001 của HĐGMVN, thấy hết sức rõ ràng căn tính Hội Thánh, và hiểu được tại sao người Công giáo Việt Nam phải đồng hành với dân tộc, phải tìm về sứ mệnh và đường lối hoạt động cụ thể của mình trong xã hội Việt. Vì Hội Thánh Việt Nam “không nhìn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết, hầu cho mọi người được sống và sống dồi dào” (số 09).
Trong Thư Chung, hình ảnh Giáo hội bừng sáng đầy hy vọng, Giáo hội không còn là định chế cứng nhắc duy giáo sĩ nhưng “ghi nhận sự hợp tác của anh chị em giáo dân” (số 03). Đây cũng là chiều hướng suy tư và thực hành của Công đồng Vatican II diễn trình sứ mệnh của Hội Thánh không chỉ gắn bó sâu sắc cùng thực tại của hàng giáo sĩ mà còn là của toàn thể Dân Chúa. Hết thảy mọi người đã được rửa tội đều thuộc về Hội Thánh và mang lấy sứ vụ phụng sự, đồng hành và liên đới với thế giới hiện sinh và hậu sinh. Vì thế, TC 2001 đã giữ lại và thích nghi các giá trị đến từ các văn kiện mục vụ của Hội Thánh hoàn vũ và Giáo hội Á châu. Hội Thánh tại Việt Nam cần một diện mạo mới, diện mạo của đối thoại, đồng hành và dấn thân cụ thể: “Ðể yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người. Ta không nhìn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết, hầu cho mọi người được sống và sống dồi dào. Ta không thể thờ ơ với những chương trình phát triển cũng như tình trạng nghèo đói và những tệ nạn xã hội, bởi vì ta là thành viên của cộng đồng dân tộc với tất cả quyền lợi và nghĩa vụ” (số 09).
Hay nói cách khác, mỗi cộng đoàn giáo xứ, dòng tu cần phải đổi mới, tươi trẻ hóa lại các cơ cấu và đem lại sức sống cho hoạt động dấn thân phù hợp với Tin Mừng. Vì thế, đã đến lúc Hội Thánh Việt Nam phải nhìn lại chính mình để nghiên cứu, đào sâu và diễn tả chân lý về chính mình cho mọi người và cho đồng bào: “Chúng tôi khuyến khích anh chị em phát huy sáng kiến đóng góp cho xã hội trong những gì phù hợp với ơn gọi và khả năng của mình và không quên trau dồi đời sống tu đức, vì trong thinh lặng, nêu gương nghèo khó và từ bỏ, thanh khiết và chân thành, quên mình trong vâng phục, tất cả những điều ấy mới trở nên chứng tá hùng hồn” (Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 44) - (x. TC 2001, số 04).
Công đồng Vatican II, với Hiến chế Lumen Gentium, đề ra chiều hướng khởi đi từ trên xuống, sứ mệnh dấn thân khởi phát từ chính Đức Kitô Giêsu, ánh sáng đó đã chiếu vào thế gian và quy tụ hết thảy mọi người vào trong một dân mới để lên đường và làm chứng cho tình yêu vô tận của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Vâng, Hội Thánh phụng sự từ thực tại nhân sinh qua những cuộc đối thoại tình thương, tôn trọng và hiệp nhất. Con người đang sống trong xã hội đầy ưu tư lo lắng, một thế giới mất bình an và khủng hoảng. Hội Thánh đến như một tia hy vọng, nhưng để được ngấm vào nhân thế làm thay đổi khuôn mặt thành ngời sáng hân hoan thì nhất thiết cần những đối thoại qua chứng tá phục vụ và thiện chí sẻ chia “từ con tim đến con tim” (ĐHY John Newman) chứ không phải nhờ luận lý, hệ tư tưởng và các nhà chính sách, ngoại giao tài cán. Những ưu tư lo lắng của con người cũng chính là ưu tư lo lắng của Hội Thánh với niềm tin tất thảy đều Dân Thiên Chúa, là cộng đoàn của Đức Kitô Giêsu (x. Gaudium et Spes, số 01).
Khi xác định được mối tương quan mật thiết giữa dân Công giáo với gia đình các dân tộc Việt, các giám mục thấy sự cần thiết phải tìm hiểu xã hội Việt Nam bằng tất cả nỗ lực để tiến tới gần con người hơn, tôn trọng con người một cách chính đáng, hòa nhập vào xã hội Việt Nam thân yêu để phục vụ và trao cho anh chị em mình sứ điệp hy vọng của Tin Mừng: “Trên đất nước ta, đa số đồng bào là người có tín ngưỡng và tôn giáo, cần có sự đối thoại để hiểu biết, tôn trọng, yêu thương và cùng nhau thăng tiến cuộc sống của mọi người. Sự đối thoại này trước hết phải diễn ra ngay trong cuộc sống hàng ngày giữa các tín đồ cùng sống trong một thôn xóm, khu phố, qua cách giao tiếp, làm ăn, buôn bán với nhau cũng như chia cơm sẻ áo cho nhau. Tôn giáo phải là nền tảng cho người ta xích lại gần nhau. Ngoài ra, sự gặp gỡ thân tình giữa các vị lãnh đạo tôn giáo các cấp sẽ tác động trên các tín đồ, cổ vũ sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác với nhau trong việc phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (x. TC 2001, số 13).
Đức Kitô vâng mệnh Thiên Chúa đến với con người “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x.Mc 10, 45). Để phục vụ cách hữu hiệu, Hội Thánh phải đối thoại với con người, đưa vào thế giới con người đang sống ánh sáng đức tin - đối thoại là một phần thiết yếu trong sứ mạng của Hội Thánh, “vì nó xuất phát từ chính sự đối thoại yêu thương ban ơn cứu độ của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 29). Theo khuôn mẫu ấy, cuộc đối thoại phải khởi đi từ trong lòng Hội Thánh, giữa các thành phần Dân Chúa, bằng khiêm tốn lắng nghe, bằng trao đổi yêu thương để trở thành một tiếng nói hy vọng khơi nguồn cho cuộc đối thoại với mọi anh chị em ở những môi trường khác biệt (x. TC 2001, số 10).
Một thế giới mà con người đang sống có vẻ bất ổn, nhân loại vẫn thấy lo lắng và thắc mắc về sự tiến hóa hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và vai trò của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài. Trong thế giới ấy, người Công giáo Việt Nam được mời gọi “liên đới trách nhiệm, phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người” (x. TC 2001, số 19).
Toàn bộ công trình của TC 2001 là việc của Chúa Thánh Thần soi sáng cho các giám mục. Không hề có một tham vọng trần thế nào thúc đẩy. “Nếu Hội Thánh luôn quan niệm xã hội như cộng đồng hiệp thông, liên đới trách nhiệm, phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người, thì trong tư cách là thành viên của cộng đoàn Dân Chúa, chẳng những ta không thể thờ ơ với đời sống xã hội và cộng đồng dân cư quanh ta, mà trái lại ta còn cảm thấy được cổ vũ để đảm nhận những vai trò tích cực trong công cuộc xây dựng xã hội. Ðã đành, dấn thân trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội là ưu thế của giáo dân, nhưng mỗi giáo phận, giáo xứ cũng cần có chương trình đào tạo chuyên sâu để mỗi tín hữu có thể an tâm hơn khi dấn thân tham gia vào các chương trình phát triển xã hội; và từng giáo dân, nhất là giới trẻ và phụ nữ, cần được thấm nhuần giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến con người, gia đình và xã hội” (x. TC 2001, số 19).
Đọc lại TC 2001 của HĐGMVN sau 15 năm vẫn thấy cảm thức dạt dào và hứng khởi lên đường cho sứ vụ. Hội Thánh có vai trò đặc biệt với ơn gọi chuyên biệt là hiệp nhất chiều ngang huynh đệ với nhân loại, thông hiệp chiều cao với Đấng Tự Hữu và tìm lại chính Thần Khí nơi tâm hồn bằng thông hiệp chiều sâu. Thư Chung 2001 đã thực thi sứ mạng mà Chúa Kitô đã uỷ thác không tùy thuộc mảy may nào vào phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội. Thao thức khát vọng của Hội Thánh Việt Nam là phục vụ sự hiện diện của Đức Kitô giữa lòng dân tộc Việt Nam thân yêu. TC 2001 thể hiện ý định rất thiết thực là phụng sự Thiên Chúa, để có thể yêu thương và phục vụ; đề cao việc canh tân lòng đạo đức của Dân Chúa, phát huy nội lực là lòng tin, cậy, mến được Thiên Chúa ban cho. Lòng đạo đức thật theo chuẩn mực Thánh Giacôbê đề ra là yêu thương phục vụ người nghèo khổ và giữ mình đừng vướng vào những thói xấu của thời đại (x. Gc 1,27) và lời Thánh Phaolô cũng cho thấy ý Chúa là yêu thương và phục vụ nhau (x. Rm 12,1-2).
TC 2001 đề nghị cầu nguyện kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa để thanh luyện khỏi thói ích kỷ, đem lại cho ta nguồn sức mạnh để quảng đại phục vụ quên mình theo gương Ðức Giêsu Kitô (số 21).
Với TC 2001, Hội Thánh Việt Nam muốn đem niềm hy vọng cho những con người chưa thuộc Giáo hội. Giáo hội sẽ luôn luôn tiến tới việc nhận ra thế giới là bạn đồng hành của mình, vận mệnh dân tộc là vận mệnh của mình trên con đường cứu rỗi. Vì thế, góp phần vào việc xây dựng xã hội nhân loại tốt đẹp hơn là trách nhiệm lương tâm của Hội Thánh để có thể đối thoại vượt qua mọi khác biệt với ý định “làm chứng về sự hiệp thông và hợp nhất mà Chúa Giêsu đem lại nhờ cái chết và sự phục sinh của Người” ( số 22).
LM. P.X Nguyễn Văn Thượng - GP Mỹ Tho
Bình luận