Là chủ đề của chương trình hội ngộ liên tôn lần thứ XIV do Ban Mục vụ Ðối thoại Liên tôn - TGP TPHCM tổ chức vào ngày 27.10.2024.
Buổi gặp gỡ quy tụ nhiều chức sắc, đạo hữu của các tôn giáo bạn cư ngụ trên địa bàn thành phố gồm Baha’i, Cao Đài, Hòa Hảo, Islam, Minh Lý Đạo, Phật giáo, đại diện phong trào Focolare, nam nữ tu sĩ và giáo dân trong Tổng giáo phận.
Phát biểu khai mạc, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, TGP TPHCM cho biết, đây là dịp các tôn giáo gặp gỡ, quan tâm và chăm sóc nhau. Đối thoại liên tôn là sự mở ra để trao đổi, gắn kết, khám phá những điều tốt đẹp của nhau. Ngài khẳng định:“Giữa muôn ngàn khác biệt, tình yêu thương là điều gắn kết và trở thành lối sống của gia đình nhân loại, và anh chị em chúng ta là những ngọn lửa kiến tạo nền văn minh tình thương”.
Chương trình hội ngộ liên tôn năm nay xoay quanh các vấn đề như tôn giáo và đối thoại, kinh nghiệm đối thoại và cầu nguyện cho hòa bình. Xen kẽ giữa các phần là những tiết mục văn nghệ góp vui của đạo hữu tôn giáo bạn, tu sĩ, huynh trưởng, thiếu nhi, ca đoàn Công giáo…
Đại diện các tôn giáo Baha’i, Cao Đài, Phật giáo và Minh Lý Đạo đã trình bày, diễn giải về phương cách đối thoại, gắn kết tha nhân theo quan niệm, giáo lý, trong cách hành đạo và trong tinh thần hiệp hành liên tôn của tôn giáo mình.
Đại diện tôn giáo Baha’i thuyết trình đề tài “Tinh thần đối thoại và ngày hòa hợp tôn giáo theo giáo lý Baha’i”, đạo hữu Nguyễn Văn Trường nhắc lại tôn chỉ của Đức Baha’u’llah - Đấng sáng lập tôn giáo Baha’i - là khuyên con người tránh sự xung đột và bất hòa. Bài nói chuyện đề cập đến nguyên nhân khiến các tôn giáo xung đột, đồng thời đặt ra giải pháp trong bối cảnh các tôn giáo lớn trên thế giới còn nhiều hiềm khích nhau: “Nếu chúng ta dành ra một phần công sức cho các cuộc trao đổi, tọa đàm, đối thoại, cụ thể như việc tổ chức những cuộc đối thoại về sự hòa hợp tôn giáo như đang làm ở đây, sẽ giúp cho những khác biệt, xung đột được giải quyết, hòa bình và hòa hợp được củng cố, và thế giới được bình an”. Giáo lý của đạo Baha’i đã trở thành kim chỉ nam cho các đạo hữu qua lời nhắc nhở: “Nếu các con gặp một dân tộc khác, sắc dân khác, đừng nghi ngờ họ và thu mình vào lớp vỏ khuôn sáo, nhưng hãy hớn hở và tỏ lòng tử tế với họ… Đừng để những ý kiến khác nhau, hay những tư tưởng đa dạng làm chia rẽ các con với đồng loại, hoặc để nó trở thành nguyên nhân sự cãi cọ, thù ghét và xung đột trong lòng các con”.
Góp mặt tại buổi hội ngộ với đề tài “Liên giao hành đạo theo giáo lý Cao Đài”, giáo hữu Hương Trâm định nghĩa của cụm từ “Liên giao hành đạo” là sự hợp tác, giao lưu và liên kết giữa các tôn giáo nhằm cùng thực hiện sứ mệnh chung là cứu rỗi con người, xây dựng một xã hội hòa bình, đạo đức. Theo giáo lý Cao Đài, mỗi tôn giáo đều có giá trị, có mục đích cao cả là giáo dục con người hướng thiện, sống đạo đức. Cao Đài không đặt mình cao hơn hay thấp hơn bất kỳ tôn giáo nào khác, không chỉ trích hay tranh biện, mà xem mỗi tôn giáo đều có chân lý riêng, đều hướng đến giá trị đạo đức chân thiện mỹ. Tinh thần liên tôn sẽ thúc đẩy sự thương yêu, lòng bác ái, giảm thiểu sự xung đột, cùng nhận thức rõ hơn về giá trị của sự sống và tình người. Liên giao hành đạo của đạo Cao Đài khuyến khích đạo hữu sống hòa đồng, yêu thương, kết nối với tôn giáo bạn để phụng vụ tha nhân.
Chủ trì chuyên đề “Giao tiếp giữa tín đồ các tôn giáo”, Đại đức Thích Khổng Tú thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chuyển tải thông điệp về sự tôn trọng niềm tin, tín ngưỡng chính là cốt lõi của giao tiếp liên tôn. Song song đó là coi trọng điểm tương đồng, chấp nhận những khác biệt; đề cao tinh thần đoàn kết và chung sống hòa bình. Tôn trọng giá trị chung giữa các tôn giáo, đại đức cho rằng đây là điểm kết nối giúp giảm bớt khoảng cách và gia tăng sự gần gũi giữa các tín đồ, với các tôn giáo trong sứ vụ phụng sự nhân sinh, các hoạt động từ thiện về y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường…
Là người cuối cùng thuyết trình về vấn đề “Đối thoại gắn kết tha nhân”, đạo tỷ Huyền Như Như Tịnh, thuộc Hội thánh Minh Lý Đạo chia sẻ: “Hội thánh dạy rằng ‘Gắn kết với tha nhân là sự thể hiện của lòng từ bi và sự quan tâm đến khổ đau của người khác’. Vì vậy, hành động giúp đỡ tha nhân, người nghèo, người yếu thế là một phần của quá trình tu tập. Sự sẻ chia và giúp đỡ cũng là sự đối thoại tinh thần mà cả người cho và người nhận đều cảm nghiệm sự gắn kết với nhau trong yêu thương, hòa hợp”.
Đặc trách Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Giám mục Giuse Châu Ngọc Tri vì lý do khách quan không thể hiện diện, nhưng ngài đã bày tỏ tâm tình qua một clip ngắn được trình chiếu ngay tại hội trường. Ngài khẳng định: “Sự nối kết giữa các tôn giáo sẽ tạo nên sức mạnh, tiếng nói chung, cùng lan tỏa tình yêu thương và bình an cho muôn người. Ao ước rằng cuộc hội ngộ liên tôn không chỉ diễn ra ở TGP TPHCM mà sẽ được tổ chức ở nhiều nơi, nhiều giáo phận và địa phương khác, nhằm chung tay xây dựng thế giới, quê hương, đất nước ngày càng tốt đẹp”.
Chương trình Hội ngộ liên tôn lần thứ XIV diễn ra nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Văn phòng phụ trách người ngoài Kitô giáo (nay là Bộ Ðối thoại liên tôn), 20 năm thành lập Trung tâm Mục vụ và 15 năm thành lập Ban Mục vụ Ðối thoại liên tôn tổng giáo phận. |
Bích Vân
Bình luận