Việc bác ái ở dòng Đồng Công ngày càng có thêm nhiều chương trình, nhiều hoạt động hướng đến người nghèo, đặc biệt là đồng hành cùng người di dân. Giản dị và âm thầm, mỗi ngày các tu sĩ mang đến từng suất ăn sáng cho những mảnh đời khó khăn, từng gói quà tương trợ, khích lệ nghị lực sống của bao người khuyết tật...
Ngôi nhà rộng khoảng 500m2, đặt tại số 84A/3A, khu phố Bình Đường 3, An Bình, Dĩ An - Bình Dương, mang tên gọi Nhà Bác Ái, hơn 3 năm qua đã trở thành địa chỉ quen thuộc mỗi sáng của người nghèo quanh khu vực. Từ 6 giờ sáng, trong chiếc áo sơ mi nhạt màu đơn sơ, những tu sĩ trẻ của dòng có mặt ở bếp ăn niềm nở trao từng gói xôi, tô cháo cho người lao động. Trước đó, các tu sĩ phải dậy sớm từ 4 giờ sáng để nấu nướng.
Thánh lễ dành cho người khuyết tật |
Khi mới hoạt động, bữa sáng miễn phí chỉ có vào ngày Chúa nhật, sau nhờ các mạnh thường quân rộng tay hỗ trợ, nhà dòng nấu đều đặn tất cả các ngày trong tuần. Mở cửa lúc 5g30 đến khoảng sau 7g, Nhà Bác Ái phục vụ khoảng hơn 200 người vào các ngày thường, riêng Chúa nhật thì con số có khi tăng lên gấp đôi. Các món được chú ý đa dạng và thường xuyên thay đổi để mọi người luôn cảm thấy ngon miệng. Mỗi sáng, ngoài cháo được nấu cố định, có thêm một món được luân phiên thay đổi. Những phần thịt, cá, rau, củ, gạo, mắm trong bếp ăn tình thương này đều do một nhóm giáo dân vùng Đồng Nai gởi về. Ban bác ái của dòng kết hợp với một số giáo dân thiện nguyện lo việc chế biến và phục vụ. Từng dãy bàn ghế kê gọn gàng, sạch sẽ với những món ăn nóng sốt được trân trọng gửi đến từng khách, bất kể ngày nắng hay mưa. Người đến ăn không chỉ công nhân, dân lao động nghèo mà có cả các ông bà lớn tuổi, người tàn tật không có khả năng lao động và một số học sinh - sinh viên.
“Không chỉ là những bữa ăn thơm ngon miễn phí, tới đây tôi còn cảm nhận được sự cho đi với một tinh thần phục vụ hết mình”, ông Nguyễn Văn Tí, một “khách hàng” lâu năm cho biết. Năm nay ngoài 80 tuổi, gia cảnh có phần khó nên bữa sáng ở Nhà Bác Ái đã giúp ông Tí bớt được một gánh lo. Còn với bà Trần Thị Tuyết, một người ngoại đạo thì bữa sáng ngon lành này đã “giúp tôi tiết kiệm được một khoản và thêm tin vào điều tốt ở đời”. Cậu bé Châu Tuấn, học sinh lớp 5 cũng vui vẻ:“Ăn ở đây giúp mẹ con đỡ vất vả buổi sáng, có giờ chăm em và gia đình con cũng tiết kiệm được một khoản chi phí”.
Ngoài bữa ăn này, mỗi sáng tại gần cổng Bệnh viện quận Thủ Đức (TPHCM), các tu sĩ Đồng Công lại nấu thêm một nồi cháo lớn phục vụ miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại bệnh viện. Dòng còn tổ chức bữa ăn huynh đệ hằng năm quy tụ khoảng 200 người trong và ngoài Công giáo quanh vùng, giúp tạo không gian để mọi người trong khu xóm xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn và nhằm tạo mối tương quan tốt hơn giữa các tu sĩ đối với anh chị em sinh sống lân cận. Bữa ăn thịnh soạn do các tu sĩ trong dòng tự nấu và phục vụ. Các “vị khách” được ăn uống, trò chuyện, rút thăm trúng thưởng và nhận quà.
Trụ sở dòng đóng tại quận Thủ Đức, nơi có đông người nhập cư hằng năm, nên việc lo cho anh chị em di dân chính là mối bận tâm hàng đầu của các tu sĩ. Cha Maria Nguyễn Thiên Khải, đặc trách hoạt động bác ái của nhà dòng chia sẻ, lý do đồng hành cùng người di dân nghèo đơn giản phát xuất từ thực tế nơi đây : Thủ Đức vốn có nhiều khu công nghiệp, nhà máy thu hút rất đông lực lượng lao động đến từ mọi vùng miền, trong đó không ít người lâm cảnh khó khăn. Chuyện nhịn ăn sáng hay ăn tạm bợ gói mì tôm trở thành chuyện thường ngày của cư dân xóm lao động. Trước cảnh này, các tu sĩ của dòng đã nghĩ đến việc hỗ trợ họ bữa ăn như một việc thiết thực trong tầm tay.“Vì đến với người nghèo, sẻ chia cùng người bất hạnh luôn có thể bắt đầu từ những việc giản dị, gần gũi nhất”, cha giải thích.
Bữa ăn sáng ở Nhà Bác Ái dòng Đồng Công |
Mỗi chiều thứ Bảy hằng tuần, tại Tu viện Mẫu Tâm cách dòng Đồng Công khoảng gần một cây số, ban bác ái nhà dòng lại đến với anh chị em khuyết tật để thăm hỏi, chia sẻ và dâng lễ. Với gần 300 người khuyết tật tham dự thánh lễ thường xuyên thì đây như là mái nhà thứ hai của họ. Những mảnh đời kém may đã cảm nghiệm được sự nâng đỡ, đặc biệt về tinh thần. Họ có dịp được gặp những người cùng cảnh ngộ để tâm sự, chuyện trò. Ai đi lại khó khăn được đưa thẳng xe lăn vào trước cung thánh. Mỗi năm vào ngày bổn mạng của mình, hoặc các dịp lễ Tết, họ đều được nhà dòng mở tiệc lớn để chung vui, có những phút giây tạm gác lại những lo toan của cuộc sống. Những dịp này, mỗi người còn được nhận thêm phần quà thiết thực như gạo, mắm, dầu ăn... Gần đây, thánh lễ thêm phần đặc biệt khi người dự được khuyến khích mời thêm bạn bè ngoài tôn giáo tham gia. Ông Nguyễn Văn Độ, 65 tuổi, một người khuyết tật vận động dắt theo bạn mình, chia sẻ: “Bạn tôi cũng khổ, nhờ sự khuyến khích của các cha, các thầy, tôi có thể dẫn bạn đi cùng. Chúng tôi còn gặp được nhiều người đồng cảnh ngộ và cảm thấy ấm lòng hơn từ tình cảm chan hòa”. Chị Thu Vân lại bày tỏ: “Do công việc của nhiều người như tôi chủ yếu là bán vé số, bán được nhiều nhất vào sáng Chúa nhật nên tôi cảm thấy rất quý khi các cha sắp xếp giờ giấc ưu tiên cho tụi tôi. Lần nào dự lễ về, tôi cũng cảm thấy vui và có thêm động lực”.
Nhà dòng còn xây dựng một nhà máy lọc nước sạch với công suất lớn để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con trong vùng, nguồn nước nơi đây luôn đảm bảo độ sạch và đã được Viện Pasteur chứng nhận. Lớp học hè để bồi dưỡng văn hóa cho các em từ lớp 1 đến lớp 9 có gia cảnh khó khăn cũng nằm trong chương trình bác ái của dòng.
Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, những tu sĩ Đồng Công vẫn đang miệt mài với nhiều dự định vì người nghèo và cho những mảnh đời cơ cực vơi bớt nhọc nhằn…
MINH HẢI
Bình luận