Trong quá trình phát triển hạt giống Tin Mừng ở Việt Nam và riêng tại mảnh đất Nam bộ, có thể nói sự hiện diện của dòng Kitô Vua tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chung. Mang trong mình đoàn sủng “trợ giúp hàng giáo sĩ cho việc truyền giáo”, các tu sĩ lớp này qua lớp khác đi vào dòng đời để dấn thân, hết mình cống hiến.
Ngày 19.11.2020, lễ Chúa Kitô Vua, bổn mạng hội dòng cũng là lễ bế mạc Năm Thánh đánh dấu 150 năm hiện diện của các tu sĩ Kitô Vua. Còn nhớ, dịp khai mạc, nói về những đóng góp của nhà dòng, Ðức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, Giám mục giáo phận Vĩnh Long nhận định: “Dòng Kitô Vua ra đi phục vụ Dân Chúa, làm vinh danh Chúa bằng cách tập trung đời sống tận hiến để truyền bá vương quốc tình yêu của Thiên Chúa tại nhiều giáo phận, và cuối cùng làm cho Lời Chúa cũng như danh Chúa được vang lên”.
![]() |
Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, Giám mục GP Vĩnh Long dâng thánh lễ tạ ơn, khai mạc Năm Thánh 150 năm thành lập dòng Kitô Vua
|
NHỮNG NGƯỜI ÐI DỰNG XÂY
Có mặt tại các địa phận Vĩnh Long, Mỹ Tho, Ðà Lạt, Xuân Lộc, Bà Rịa và Tổng Giáo phận TPHCM, đi qua những thăng trầm, các sư huynh Kitô Vua (những thầy giảng theo cách gọi xưa) hiện hữu để rao truyền Phúc Âm. Một trong những dấu ấn của dòng là lập nhiều họ đạo mới, ươm mầm đức tin cho người chưa nhận biết Chúa. Nhiều xứ đạo lớn nhỏ ở các tỉnh phía Nam hiện nay được vun đắp nhờ tay các thầy giảng. Tài liệu lịch sử của họ đạo Vĩnh Kim, giáo phận Mỹ Tho ghi lại: “Họ đạo Vĩnh Kim bao gồm xã Vĩnh Kim và một phần xã Bình Trưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được hình thành vào năm 1945 do các thầy giảng Dòng Kitô Vua Cái Nhum. Giáo dân thuở ấy được các cha họ đạo Mỹ Tho đến ban các bí tích…”; hay với họ đạo An Thái Trung, giáo phận Mỹ Tho, bà con giáo dân lớn tuổi cho biết giáo xứ vốn là một giáo điểm truyền giáo do tu sĩ Bênêđictô Thái Văn Hoàng, dòng Kitô Vua phụ trách. Người dân vùng này thường gọi tu sĩ Hoàng là ông Tư. Hồi đó, An Thái Trung chỉ có ba gia đình Công giáo. Dù sống trong điều kiện khó khăn, “ông Tư” vẫn miệt mài công cuộc truyền giáo cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 1981… Và còn nhiều họ đạo khác nữa trưởng thành nhờ tay các thầy giảng Kitô Vua chăm lo ban đầu.
Ở những họ đạo được sai tới, bởi đa số là vùng xa xôi nên các thầy hòa mình vào cuộc sống của bổn đạo, vừa làm lụng mưu sinh, vừa theo sát giáo dân trong các sinh hoạt, dạy giáo lý tân tòng, thăm viếng người đau yếu, tật nguyền, xây sửa các ngôi nhà thờ cho tươm tất hơn, dù rằng theo dòng chảy của thời gian, những ngôi thánh đường ấy đến ngày nay có chỗ được thay mới, có nơi xuống cấp trầm trọng, nhưng tất cả đủ để nói lên sự hiện diện lặng thầm mà rất ý nghĩa của dòng.
Ðồng hành với người dân chân lấm tay bùn, các thầy đặc biệt lưu tâm đến việc dạy chữ. Khi đến bất kỳ vùng quê nào, chuyện đầu tiên thường làm là mở những lớp học nho nhỏ để các em thiếu nhi và cả người lớn biết đọc chữ quốc ngữ. Vài cái bàn cây, cái ghế con con tự đóng tạm bợ, phía trên lấy lá lợp lại che nắng che mưa…, vậy là làm thành lớp học; thầy đứng giảng, trò cặm cụi ghi những con chữ ê a, phép toán cộng trừ. “Nhờ biết đọc, biết viết mà cuộc sống của các em sau này cải thiện. Biết bao thế hệ tu sĩ của nhà dòng đã đi mở lớp học bình dân như thế”, thầy Tađêô Lê Văn Chánh, Bề trên dòng chia sẻ. Ðể đáp ứng nhu cầu dạy học và sự phát triển của xã hội thời bấy giờ, từ sau thập niên 1930, các tu sĩ còn mở thêm một số trường ở các nơi, cộng tác với xã hội vào giáo dục, mở mang tri thức cho thế hệ trẻ.
|
Dấn thân vào hoạt động mục vụ, sinh hoạt ở các xứ đạo |
NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
Trụ sở nhà dòng hiện đặt tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre (giáo phận Vĩnh Long). Công trình vừa được trùng tu nhân kỷ niệm Năm Thánh thành lập, dẫu thế vẫn tôn trọng những đường nét kiến trúc ban đầu.
150 năm miệt mài loan truyền niềm vui Tin Mừng, hội dòng có nhiều lúc cũng trải qua gian nan. Nhân sự hiện nay là một thách đố. Nói về điều này, thầy Chánh trải lòng: “Nếu xét về mặt số lượng thì dòng Kitô Vua, với ơn gọi tu huynh, đang thật sự gặp khó khăn. Toàn thể hội dòng chỉ có 30 tu sĩ và một tập sinh. Mấy năm gần đây, dòng cũng đã có nhiều hoạt động giới thiệu ơn gọi tại các xứ đạo và qua nhiều kênh thông tin, mời gọi những người trẻ tìm hiểu để nối tiếp sứ mạng”. Ðịnh hướng cho chặng đường phía trước, dòng cũng đã chuẩn hóa quy trình đào tạo. Theo đó, chương trình được chia thành ba giai đoạn là tìm hiểu, tập viện và học viện. Ðối với những tu sĩ đã qua các bước cơ bản cũng cần phải đào tạo thường xuyên, cập nhật những vấn đề mới của Giáo hội. Ngoài ra, thầy Chánh còn thông tin, các tu sĩ sẽ được đào tạo chuyên sâu các chuyên ngành, tất cả vì mục đích duy nhất là phục vụ con người, để làm rạng danh Chúa.
Trong nhịp sống thường nhật, bên cạnh việc đồng hành với xứ đạo trong các mục vụ Phụng vụ, dạy giáo lý…, tu sĩ Kitô Vua cũng hăng hái tham gia công tác xã hội. Ở các cộng đoàn khác nhau, tùy theo hoàn cảnh thực tế mà có những phương thức mục vụ phù hợp. Chẳng hạn, ngay tại nhà mẹ, nhà dòng đã hỗ trợ nước ngọt cho bà con trong vùng, cung cấp nước sạch để tiện cho các sinh hoạt. Ðợt ngập mặn ở miền Tây hồi mấy tháng đầu năm 2020, nhà máy nước của dòng hoạt động hết công suất. Anh chị em không chỉ giáo dân mà người trong vùng lui tới lấy nước, bầu khí thật rôm rả. Ở cộng đoàn Vũng Tàu, vì nằm gần ngay trung tâm hành hương Ðức Mẹ Bãi Dâu, hằng năm đón đông đảo lượt khách đến viếng Mẹ và tham quan, các thầy cũng mở ra những hình thức phục vụ ăn uống, sân chơi nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho du khách trong, ngoài Công giáo…
Cứ vậy, các tu sĩ đi gieo niềm tin và bình an cho tha nhân. Thầy Phêrô Trần Ðại Lượng, một tu sĩ trẻ của dòng cảm nhận, được sống trong tập thể hội dòng và đặc biệt được phục vụ giáo dân, mỗi ngày luôn là niềm vui. “Sống đời tu, gắn mình trong việc phục vụ, được gần gũi, đồng hành với tín hữu, tôi nhận ra rằng những gì đọng lại sâu lắng nhất là những kỷ niệm đơn sơ, chân thành nhất. Khi mình quảng đại cho đi thì sẽ nhận lại nụ cười, sự đón tiếp niềm nở”, thầy nói.
|
Hùng Luân
Bình luận