Trong một buổi sám hối tối 4.3.2016, sau khi xưng tội cùng một linh mục, ĐTC Phanxicô mời gọi các mục tử “xem lại thái độ của mình đôi khi không giúp người khác đến gần với Chúa Giêsu”.
Rất gắn bó với Bí tích Hòa giải, Đức Phanxicô mong muốn Giáo hội đừng làm cho bất cứ ai đánh mất niềm ao ước lãnh nhận bí tích này.
“Ngày nay, hơn bao giờ hết, mục tử được mời gọi lắng nghe tiếng kêu, có lẽ bị khuất lấp, của tất cả những ai mong gặp gỡ Chúa”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh qua bài giảng lễ trong buổi tĩnh nguyện sám hối tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô hôm 4.3. “Chúng ta có nhiệm vụ xem lại thái độ của mình đôi khi không giúp kẻ khác đến gần với Chúa Giêsu”, Đức Phanxicô yêu cầu điều này và nêu lên rõ ràng hơn “những thời khóa biểu và các chương trình không đáp ứng nhu cầu thiết thực của mọi người muốn đến gần tòa giải tội; chúng ta phải rà soát các luật lệ của con người xem chúng có quan trọng hơn niềm ao ước được Chúa thứ tha chăng”. Trong tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc âm - tháng 11.2013), ngài đã đòi hỏi một sự thay đổi cung cách và việc bố trí thực tế áp dụng trong Giáo hội giúp đón nhận tốt hơn những ai gõ cửa xin giúp đỡ. Giáo hội cần mở rộng cửa cho người xưng tội.
“Tác vụ của chúng ta là đồng hành”
“Thật thế, chúng ta không được làm giảm bớt các đòi hỏi của Tin Mừng”, ngài phát biểu để làm yên lòng những ai e ngại Giáo hội sẽ tạo sự tiếp cận quá dễ dãi và tức thì đối với các bí tích, trong khi việc lãnh nhận chúng đòi buộc có sự chuẩn bị: “Tuy nhiên, chúng ta không thể liều lĩnh làm cho niềm ao ước của những tội nhân muốn được hòa giải với Chúa Cha trở nên vô vọng. Bởi lẽ tác vụ của chúng ta là đồng hành”. ĐTC kết luận khi gợi lại chủ đề then chốt của Thượng hội đồng giám mục vừa qua về gia đình: “Chúng ta đã được tuyển chọn để khơi dậy niềm mong muốn hoán cải, và trở nên khí cụ mang lại sự gặp gỡ, để dang tay và tha tội, nhờ thế khiến lòng thương xót Chúa nên hữu hình và hoạt động mạnh mẽ”. Ngài muốn mỗi người, khi đi xưng tội, “gặp được một người cha đang chờ đợi mình, gặp Cha, Đấng tha thứ”.
Vai trò của năm Thánh lòng thương xót đang diễn ra là tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ ấy và làm cho tín hữu thấy được giá trị của xưng tội bằng cách khuyến khích việc sám hối. “Chúng ta hãy đặt lại Bí tích Hòa giải vào tâm điểm, bởi lẽ bí tích này giúp chúng ta chạm tận tay vẻ cao cả của lòng thương xót”, ĐTC đã viết trong tông sắc hướng dẫn tổ chức Năm Thánh. Sau một nghi thức sám hối tương tự vào năm ngoái, ngài đã bất ngờ công bố về Năm Thánh lòng thương xót.
“Chính vị giải tội cũng là tội nhân cần ơn tha thứ”
Để lời nói đi đôi với việc làm, Đức Phanxicô đã xưng tội trong buổi tĩnh nguyện sám hối, sau khi đã thinh lặng và hồi tâm rất lâu. Cởi trang phục phụng vụ, ngài tiến lại góc thánh đường và quỳ gối trước tòa giải tội, sau đó mới xá giải cho các tín hữu. Ngài cũng đã từng làm tương tự trong hai buổi sám hối trước đây dưới triều đại giáo hoàng của ngài. “Chính vị giải tội cũng là tội nhân cần ơn tha thứ”, ngài nhắc lại hôm 4.3 vừa qua cho các chủng sinh và linh mục trẻ đang học hỏi về bí tích này tại Vatican. Ngoài ra, ngài còn nhấn mạnh đến chiều kích hân hoan của việc hòa giải.
“24 giờ dành cho Chúa”
Vẫn trong mục đích làm cho bí tích nên hữu hình và dễ tiếp cận, các giáo phận khắp trên thế giới cần tổ chức giải tội cho đến tối, trong khuôn khổ chương trình “24 giờ dành cho Chúa”. Năm 2016 đánh dấu năm thứ ba của chương trình này. Tại trung tâm Rome, 3 nhà thờ cũng đã tham gia.
Đức Thánh Cha tự xem mình là “tội nhân” nên thông thường, cứ 15 ngày, ngài lại xưng tội một lần. Như thường hay kể lại, ngài đã tìm thấy ơn gọi làm linh mục trong một lần xưng tội tại Buenos Aires vào ngày 21.9.1953.
VIẾT HIỆP
Bình luận