Đức Thánh Cha lo ngại giới chính khách chỉ tập trung theo đuổi các mục tiêu chính trị và kinh tế vì mục đích thủ lợi mà xao nhãng cam kết cùng chung tay làm giảm lượng khí thải toàn cầu.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm một năm kể từ khi các nguyên thủ thế giới ký kết thỏa thuận Paris chống thay đổi khí hậu trên toàn cầu, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tình trạng “sao lãng” trong giới chính khách khi cần thực hiện cam kết bảo vệ thế giới trước tình trạng Trái Đất nóng dần lên.
Dựa trên hiệp ước được thông qua tại Paris vào tháng 12 năm ngoái, hầu hết các quốc gia đều đồng ý chống biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm lượng khí thải và những biện pháp tương tự. Tuy nhiên, các bên không chú tâm vào việc thực hiện các thỏa thuận, mà thay vào đó lại mưu đồ lợi ích về kinh tế, chính trị cũng như tập trung cho các cuộc xung đột. Phát biểu trước các thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Khoa học (PAS), Đức Thánh Cha nói rõ rằng giới chính trị gia đặt các mục tiêu lợi nhuận là trên hết trong việc khai thác công nghệ và phát triển kinh tế, từ đó phớt lờ việc thực hiện các thỏa thuận toàn cầu về môi trường, và tiếp tục triển khai những cuộc chiến tranh giành quyền ảnh hưởng tối thượng được che đậy bằng những lời tuyên bố vì chính nghĩa. Những cuộc chiến này thậm chí còn gây tổn hại nghiêm trọng hơn nữa đối với môi trường, nền tảng đạo đức và sự đa dạng về văn hóa của nhân loại.
![]() |
Tiến sĩ S.Hawking được Hội đồng Giáo hoàng về Khoa học kết nạp làm thành viên - Ảnh: REUTERS |
Trong phiên họp thường niên tại Vatican (từ 25-29.11), PAS tổ chức lễ kết nạp các thành viên là những tên tuổi được kính trọng nhất trong nền khoa học của thế kỷ 20, như chuyên gia người New Zealand Ernst Rutherford, được xem là cha đẻ của vật lý học hạt nhân; và nhà vật lý học thiên thể người Anh Stephen Hawking. Bản thân tiến sĩ Hawking luôn xem Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II là một trong những người kích thích lòng đam mê tìm hiểu cội nguồn và vận mệnh của vũ trụ. Chủ tịch hiện tại của PAS là nhà khoa học đoạt giải Nobel Y sinh Werner Arber, người Thụy Sĩ, cũng là tín hữu Tin Lành đầu tiên giữ chức vụ này. Nghị trình làm việc của hội đồng năm nay là tập trung vào các đóng góp của khoa học có thể mang lại sự phát triển bền vững cho xã hội, có nghĩa là tác động của kiến thức khoa học và công nghệ đối với xã hội và môi trường.
Trước cử tọa, Đức Phanxicô cho hay người hiện đại, bất kể giới tính, được nuôi dạy từ thuở nhỏ với tư tưởng con người là “chủ nhân” của thế giới tự nhiên, và mặc nhiên cho mình cái quyền được tận dụng và khai thác mà không nghĩ đến những nguy cơ tiềm tàng, từ đó dẫn đến hậu quả là sự hủy hoại khủng khiếp đối với môi trường thiên nhiên. Đức Thánh Cha nhận định: “Chúng ta không phải là những người trông coi viện bảo tàng hoặc những đồ tạo tác quan trọng và để chúng phủ thêm bụi mới mỗi ngày, mà chúng ta là những người cùng chung tay bảo vệ và phát triển sự sống cũng như tính đa dạng sinh học của hành tinh này”. Ngài cũng phiền lòng trước tình trạng những ý kiến khoa học được xác lập rõ ràng về tình hình thực tế của trái đất lại bị giới chính khác quốc tế xem nhẹ.
Đức Giáo Hoàng thúc giục PAS - được thành lập vào năm 1847 để thay thế tổ chức của Vatican từng được nhà thiên văn học nổi tiếngGalileo Galilei dẫn dắt - hãy đi đầu trong công cuộc hướng đến phát triển bền vững, cung cấp những giải pháp tổng quát lẫn cụ thể về mọi vấn đề, từ nguồn nước, những hình thức năng lượng tái tạo và an toàn thực phẩm.
ĐỊNH NGUYỄN
Bình luận