Dù có đi đâu xa, người ta cũng mong quay về nhà, về với gia đình thương yêu, về với ba mẹ anh chị em con cái trong gia đình. Nơi đó đong đầy tiếng cười, ngập tràn tình yêu. Nơi đó là miền hạnh phúc: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”.
Dịch bệnh hoành hành vào giữa năm ngoái khiến bao nhiêu người vì mưu sinh đã phải xa quê hương tìm mọi cách để trở về dù cho có phải vượt qua những chặng đường dài gian nan, vất vả. Có những người rơi vào cảnh khốn khó khi kẹt lại nơi tâm dịch. Bên cạnh những hoàn cảnh này cũng có các y bác sĩ và tình nguyện viên nơi tuyến đầu đã xa gia đình của mình trong thời gian dài vào những tháng ngày đau thương của Sài Gòn và mong muốn được về nhà. Nhưng con đường về đó đã từng có lúc xa quá, vì dịch bệnh trong suốt từ tháng 6 đến tháng 9.2021 vẫn diễn tiến khó lường.
Với tôi cũng vậy, đường về nhà đã từng có lúc vời vợi. Thời gian ấy, sau một tháng làm thiện nguyện dấn thân phục vụ thì tôi mất thời gian cách ly gần một tháng mới về tới cộng đoàn. Con đường để về nhà tuy ngắn nhưng mất đến gần một tháng, lúc trên xe về, đường sá vắng tanh chỉ vài bóng người, nhà cửa đóng kín. Tôi thầm tạ ơn Chúa vì mình còn có nơi để về và về được bình an.
Giữa tháng 9.2021, khi tôi và một số tình nguyện viên (TNV) tu sĩ đã bình an về đến cộng đoàn, vẫn còn các anh chị em tiếp tục ở lại thêm thời gian nữa, cũng như các y bác sĩ nơi tuyến đầu dù mong muốn trở về gia đình nhưng chưa biết đến ngày nào, khi dịch bệnh chưa chấm dứt, bệnh nhân vẫn còn đó. Nên mọi người đành chọn con đường yêu thương cùng nhau dấn thân phục vụ. Họ gạt bỏ đi những riêng tư cá nhân, dành trọn tâm sức cho việc chung, góp phần cứu giúp người bệnh.
Nhớ hồi còn vài ngày nữa là hết tháng thứ hai dấn thân phục vụ, một TNV tu sĩ tâm tình với cả nhóm: “Đi hai tháng cũng khá thấm mệt. Cảm giác nhớ cộng đoàn, nhớ chị em, nhớ những bữa cơm bên nhau. Nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân..., mình tạm gác lại cảm giác riêng tư, vui vẻ với những tháng ngày còn lại được phục vụ. Con đường về nhà quá gần nhưng sao cũng quá xa... Gần vì chỉ còn vài ngày nữa là có thể về. Xa không phải vì không gian địa lý nhưng bởi thiện nguyện viên không muốn về một mình, muốn về cùng anh chị em bệnh nhân. Đến khi nào con đường ấy mới có những bước chân vui tươi cùng nắm lấy tay nhau của bệnh nhân và y bác sĩ? Câu hỏi chưa biết bao giờ mới có lời giải đáp. Con đường trở về nhà có lẽ cũng là giấc mơ của biết bao bác sĩ và nhân viên y tế. Họ mong về nhà để được 1 giây phút được ngồi bên mâm cơm cùng với ba, với mẹ. Họ mong về nhà để cùng với đứa con nhỏ thỏ thẻ vài ba câu chuyện trước khi ngủ. Họ mong về để cùng với người vợ mới cưới được tỉ tê tâm sự. Tất cả phải tạm gác lại đằng sau để khoác lên mình một chiếc áo trắng. Chiếc áo mang đến niềm hy vọng cho bệnh nhân...”.
Lúc tôi sắp hoàn thành thời gian một tháng phục vụ, chuẩn bị về thì có một anh điều dưỡng nói với tôi: “Các thầy, các sơ đi còn biết ngày về, biết được mình đi một tháng hay hai tháng, còn tụi em không biết khi nào về. Được gọi lên đường thì đi chứ không nói ngày về. Nay muốn về cùng gia đình lắm nhưng không thể được”. Tôi có hỏi một chị điều dưỡng là chị đi có nhớ nhà không? Con chị ở nhà ai chăm? Thì chị trả lời tôi: “Em nhớ nhà lắm, nhớ con lắm, hai bé được gởi cho ông bà chăm, khi đi thì mẹ nói với con là mẹ đi công tác xa như mọi khi nhưng lần này mẹ đi lâu hơn”. Cô Nga hộ lý cùng ca trực với tôi rất mong muốn được về nhà, niềm vui đó thấy được khi ngày tôi sắp về, cô cũng về cùng đợt, vừa gặp tôi thì cô nói: “Con sắp được về rồi thầy”. Tôi cũng mừng cho cô và dặn cô cẩn thận những ngày cuối tránh bị lây nhiễm. Còn cô Giang hộ lý thì rất vui khi về nhà đoàn tụ cùng gia đình vài tuần, sau đó cô đi làm trở lại ở bệnh viện “gốc”.
Hơn hai tháng làm việc xa gia đình, bác sĩ Huy chia sẻ: “Thời gian đầu xa gia đình, không được gặp trong thời gian dài thì em cũng nhớ con lắm. Con nó còn bé quá, gởi ông bà chăm sóc, không được ôm ấp vỗ về con buổi tối, không được ăn bữa cơm gia đình. Nỗi nhớ đó em làm việc cho quên đi…”. Còn chị điều dưỡng My tâm sự: “Khi có lệnh điều động thì tụi em đi. Tụi em không nghĩ là sẽ đi lâu đến vậy, đi từ 10.7 đến nay và đến khi nào được về nhà cũng không biết nữa. Vợ chồng em đều đăng ký đi chống dịch, có hai đứa con nhỏ, bé gái 4 tuổi rưỡi và bé trai gần được 2 tuổi đã gởi về nhà ngoại ở Củ Chi. Nay gần tới Tết Đoàn viên rồi mà vẫn chưa được đoàn tụ, em nhớ tụi nhỏ quá”.
Vâng, con đường về dù xa xôi hay khó khăn thế nào đi nữa rồi mỗi người chúng ta cũng sẽ bước trên đó để về mái nhà, gia đình hạnh phúc. Những tháng ngày phục vụ tại tuyến đầu đã để lại trong mỗi tu sĩ tình nguyện nhiều kỷ niệm trân quý, chúng tôi đã học được bài học mà không ngôi trường nào dạy, chỉ có ở bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.
Tu sĩ Antôn Chung Chí Tâm, dòng La San
Bình luận