Gần hai tháng trước, liên tiếp phải hứng chịu mưa bão, ngập lụt, nhiều địa bàn thuộc các tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Quy Nhơn tan hoang. Sau ngày bão tan là cả một hành trình dài tái thiết cuộc sống của bà con miền Trung. Trải qua khó khăn, với người đã từng sống giữa rốn lũ, mùa Giáng Sinh năm 2020 mang một ý nghĩa đặc biệt…
Hang đá xứ đạo Sơn Thủy |
Giáo xứ Ngô Xá (Hà Tĩnh) từng nằm trong vùng tâm lũ do ở gần hồ Kẻ Gỗ, nên chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Là một xã thuần nông nên phần lớn lúa gạo của người dân đều bị ngập nước và hư hại nặng; nhiều gia súc, gia cầm đã bị chết, bị cuốn trôi. Những vật dụng trong gia đình và phương tiện đi lại đều bị hư hỏng. Ngô Xá là xứ đầu tiên được nhận gói hỗ trợ trong chương trình giúp người dân tái thiết sau lũ của giáo phận Hà Tĩnh. Giáo phận đã chuyển đến giáo dân cũng như lương dân những món quà nhằm góp một phần nhỏ cho việc ổn định cuộc sống. Cha quản xứ đã tu sửa lại nhà máy nước sạch nhằm phục vụ nhu cầu của bà con trên địa bàn. Những phần hỗ trợ người dân mua lúa giống để gieo trồng vụ đông xuân 2021 cũng được trao đi. Sau hai tháng, đến nay có thể nói đời sống bà con đã tạm ổn định. Vốn là xóm đạo có truyền thống lâu đời cộng thêm mong muốn xua tan bầu khí ảm đạm những ngày tháng vừa qua nên mùa Giáng Sinh năm nay, cha con xứ Ngô Xá lại “đầu tư” hơn trong việc trang hoàng Nhà Chúa. Bầu không khí nô nức chuẩn bị cho đêm Chúa giáng trần ở vùng quê này rộn rã nhất vào những ngày cận lễ. Giáo xứ bắt đèn led toàn bộ mặt tiền nhà thờ, cây thông cao 12m được nhóm huynh trưởng và giới trẻ giáo xứ dựng từ cây mét (giống cây tre). Hang đá làm tại hồ sen được thiết kế có các đường hầm nối dài lớn nhất từ trước đến nay tại giáo xứ, do hai giáo khu thực hiện, kỹ thuật do giới trẻ phụ trách. Hai bên đường đến nhà thờ cũng được bắt đèn sao. Trước đêm lễ Giáng Sinh hai ngày, các công đoạn trang trí bắt đầu những bước cuối cùng. Và một đêm văn nghệ ẩm thực diễn ra vào tối 23.12 đã trở thành sân chơi rộn rã mang bầu khí ngày lễ lớn. Với những công trình trang trí lung linh, mỗi tối trong mùa Noel đều trở nên đặc biệt tươi vui hơn với bà con xứ đạo, khi mọi người có thể đi ngắm hang đá hay tham gia vào nhiều sinh hoạt.
Giáo xứ Sơn Thủy - A Lưới nằm ở một huyện miền núi thuộc Thừa Thiên Huế cũng là một trong những nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề. Giáo xứ có khá đông giáo dân là bà con dân tộc thiểu số. Cha Ðaminh Xuyên Vũ Ngọc Cương, quản xứ, đã có nhiều chương trình hỗ trợ các gia đình khó khăn xuyên suốt những ngày bão lũ cũng như tái thiết cuộc sống sau đó như trao quà, phát nhu yếu phẩm, lập cửa hàng 0 đồng, thăm viếng người bệnh, tặng học bổng cho học sinh nghèo… Vì còn nhiều khó khăn nên bầu khí mừng Giáng Sinh ở Sơn Thủy năm nay theo bà con xứ đạo là có phần đơn sơ hơn trước. Giáo xứ vẫn trang hoàng đèn sao, có hang đá ấm cúng với những nét sáng tạo nho nhỏ từ vật liệu như tre nứa, củi gỗ. Thánh lễ đêm Ðông được bà con chờ đón trong tâm tình mong đợi. “Những ngày cuối năm rét mướt của khí hậu miền núi như ấm hơn khi có sự hiện diện của hang đá”, giáo dân Hoàng Thiện chia sẻ.
Hang đá lớn tại giáo xứ Ngô Xá |
Sinh sống chủ yếu bằng ngư nghiệp nên đời sống bà con ở xứ đạo Cồn Sẻ (Quảng Bình) bị ảnh hưởng nặng nề vì suốt nhiều tháng không thể ra khơi đánh bắt cá. Thêm cảnh ngập lụt nghiêm trọng cuốn trôi tài sản, hư hại nhà cửa khiến cuộc sống cả xóm đạo càng thêm túng thiếu. Hình ảnh cha chánh xứ lặn lội giữa cơn mưa gió, ôm lấy Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ do nước dâng quá cao, bao trùm xứ đạo trong biển nước cách đây chưa lâu khiến ai cũng không khỏi xót xa. Mưa lũ đã qua nhưng với hơn 4.000 bà con giáo dân nơi đây, nụ cười vẫn còn đọng lại nỗi heo hắt. “Giáng Sinh năm nay chỉ có lễ và chương trình phát quà cho trẻ nhỏ, cũng như trao quà cho một số hộ quá khó khăn. Trước đó một tuần, giáo xứ tặng mỗi em nhỏ một chiếc nón ông già Noel cho có bầu khí ngày lễ. Riêng phần trang trí là tận dụng các món từ năm trước, dù nhỏ thôi nhưng ít nhiều vẫn có bầu khí Giáng Sinh. Mọi người được mời gọi vun đắp Hang đá tâm hồn sau những ngày khốn khổ đã qua…”, cha chánh xứ Bona Trương Văn Vút chia sẻ.
Cũng thuộc Quảng Bình, giáo xứ Trung Quán năm nay đón Noel có phần giản dị. Tuy nhiên nét lấp lánh của đèn màu, chút tươi vui của hang đá Giáng Sinh cùng các hoạt động mừng lễ vẫn được giáo xứ duy trì. Ðời sống kinh tế người dân vẫn còn chưa thể hồi phục lại như trước dù các đoàn cứu trợ cũng như giáo xứ chung tay, song với một vùng đất “năm nào cũng lũ” - như lời một lão nông ở đất này - thì tinh thần “mùa nào lại sống với mùa đó” là liều thuốc lạc quan đối với họ. Vụ lúa Ðông Xuân mới kịp cấy nhờ công xuôi ngược của vị mục tử cũng phần nào nhen nhóm lên niềm vui trong những đôi mắt đã mệt mỏi vì phải trải qua cơn lũ dữ. Theo guồng quay của thời gian, bà con tạm gác âu lo để mừng Noel. Trong cái lạnh ngày cuối năm, tinh thần đón Giáng Sinh của cha con nơi đây luôn trong tâm tình sẻ chia cho nhau. Khoảng sân nhà thờ khi dịp lễ đã cận kề sôi nổi hơn bởi có nhiều người đến chung tay trang hoàng Nhà Chúa. Trưa 23.12, theo chia sẻ của cha chánh xứ Phêrô Phùng Văn Tuấn, mọi việc trang trí cho Giáng Sinh mới hoàn thành. “Giáo xứ chỉ hơn 1.200 tín hữu, lại ở trong một vùng lương dân là số đông nên năm nào nhà thờ dù khó khăn cũng có trang trí, tổ chức đêm văn nghệ và đặc biệt tặng quà cho người khốn khó mà không kể lương giáo. Ðêm 24 này sẽ phát ra 600 phần quà sẻ chia niềm vui đón Chúa Hài Ðồng”, cha Phêrô cho biết thêm.
Thiếu nhi Cồn Sẻ vui Noel |
Trong niềm vui chờ mong Giáng Sinh, năm nay, tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng người kém may mắn luôn là trọng tâm mà các xứ đạo hướng đến. Ðặc biệt, ở nhiều họ đạo trải qua hai đợt bão lũ, các hoạt động bác ái càng được chú trọng. Tinh thần này cũng đã được Ðức cha Giuse Nguyễn Chí Linh nhắc đến trong Thư mục vụ Noel và năm mới gởi cộng đoàn Dân Chúa TGP Huế vừa qua. Bởi TGP này là một trong những vùng chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Thánh lễ Vọng Giáng Sinh năm nay, Ðức cha Giuse đã quyết định đến dâng lễ tại xứ đạo Cây Da (thuộc tỉnh Quảng Trị), là xứ bị lũ tấn công nhiều đợt và gặp rất nhiều khó khăn. Sự sẻ chia này là một niềm vui lớn của cha con giáo xứ Cây Da. Cho dù còn bộn bề trên con đường phục hồi song con đường ở các xóm khu xứ đạo Cây Ða đã lên đèn tươi sáng hơn.
Những cái tên gợi nhớ đến những ngày mưa lũ dầm dề, tan hoang bởi sạt lở, héo hắt với hàng ngàn con người oằn mình chống lũ như Kim Ðôi, Ðốc Sơ, Bố Liêu, Sơn Quả, Từ Lương, Trí Bưu, Bàu Sen, Khe Tre, Tân Hội… cũng tương tự các xứ đạo đã kể ở trên, tạm gác lại những đau buồn, mọi người đều đón nhận tinh thần tươi vui của ngày lễ Chúa giáng trần qua bầu khí ấm cúng. Ði qua những hoang tàn và vẫn trên hành trình tái thiết, Giáng Sinh ở những nơi con lũ từng gây tổn thương vẫn đẹp và ấm áp tình yêu thương.
Minh Hải
Bình luận