Trong những ngày trung tuần tháng 7.2015 đã xảy ra các vụ biểu tình chống người di cư tại Casale San Nicola mạn bắc Ý và Quinto di Treviso trong vùng Veneto bắc Ý.
Chiều 16.7, khi 101 người di cư được chở tới Quinto Di Treviso, dân chúng trong vùng đã xuống đường biểu tình phản đối. Sáng 17.7, tới lượt người dân vùng Casale San Nicola mạn bắc Roma biểu tỉnh. Trong số đoàn người biểu tình cũng có các thành phần cực hữu. Các đụng độ với cảnh sát đã khiến cho một số người bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ hai người. Trong khi tại Treviso có 5 người khác thuộc các trung tâm xã hội bị bắt vì đã chống lại nhân viên công lực, quấy rối, biểu tình không có phép và chửi rủa cảnh sát. Ngoài ra cũng có 28 người trẻ bị tố cáo tham gia các vụ đụng độ nói trên.
Biểu tình chống người di cư tại Casale San Nicola mạn bắc Ý và Quinto di Treviso trong vùng Veneto bắc Ý |
Số người di cư tị nạn từ Libya tìm đến Ý gia tăng nhanh chóng, vì mùa này biển lặng ít sóng lớn. Ngày 19.7 có thêm 451 người di cư khác đã tới Cagliari trên đảo Sardinia. Người dân vùng CasaPound cũng đã xuống đường biểu tình phản đối. Họ mang theo các biểu ngữ viết: “Ngưng di cư”.
Đức ông Giancarlo Perego, Giám đốc Văn phòng đặc trách mục vụ cho người di cư tị nạn của Hội đồng Giám mục Ý đã lên án thái độ khước từ và chống đối này của dân chúng. Đức ông kêu gọi suy xét lại hệ thống tiếp đón người di cư tị nạn tại Âu châu và chấm dứt mọi khuynh hướng duy quốc gia quá khích. Riêng Ý, thì thiếu một chương trình có hệ thống lôi cuốn sự tham dự của mọi thành phố trong việc tổ chức các dịch vụ tiếp đón người di cư và các gia đình xin tị nạn. Đức ông ghi nhận một nước Ý có số người chết nhiều hơn số sinh thì sự kiện có 100.000 người trẻ di cư sẽ là một nguồn nhân lực quí báu ngoại thường nếu biết cách phối hợp tốt.
Trong khi một vài cuộc biểu tình gây phản đối ồn ào, đã có nhiều hoạt động và sáng kiến liên đới tiến hành một cách âm thầm. Chẳng hạn tại Milano, bắc Ý, nơi từ tháng 10.2013, đã có 70.000 người di cư lánh nạn chiến tranh và bần cùng đã được tiếp đón, đã có một trung tâm tị nạn mới do Hiệp hội Dự án Con tàu điều hành. Ông Alberto Sinigallia, Chủ tịch Hiệp hội cho biết làn sóng người di cư được tiếp đón tại đây liên tục mỗi ngày có từ 150 đến 500 người. Họ là những người muốn đi đến miền bắc Âu châu. Trong 20 tháng qua, đã có 70.000 người đi ngang qua đây, và 99,9% đã sang Đức và Thụy Điển.
Trung tâm tiếp cư mới có một khu vực cho trẻ em, một khu vực cho việc chăm sóc y tế nơi có các bác sĩ nhi khoa và các bác sĩ Chữ thập đỏ Ý khám bệnh, có một phòng ăn và một khu vực tiếp đón trước khi ho được chuyền tới các trại tạm cư. Trung bình các người di cư tị nạn này dừng lại đây từ 3 đến 4 ngày chờ có tiền để sang Đức. Họ là những người đã vượt biển, vượt sa mạc, nhất là người Eritrea, và đã trải qua biết bao nhiêu gian khổ để tới được Ý nên rất mệt mỏi, cần được bồi dưỡng sức lực, nghỉ ngơi và liên lạc với người thân. Năm 2014, đa số người di cư gốc Syria, năm nay đa số là người gốc Eritrea. Bên Eritrea, chính quyền đã hạ tuổi bắt lính từ 16 xuống 14, vì thế các bậc cha mẹ tìm cách cho con trai vượt biên, hy vọng chúng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đa số các em là con trai đi một mình. Ông Alberto Sinigallia cho biết tổ chức Dự án Con tàu đề nghị chính quyền cấp giấy phép tạm cho họ để họ có thể tới các nước họ muốn đến, hay các nước muốn tiếp đón họ.
Linh mục Davide Schiavon, Giám đốc Caritas Treviso cho biết vì các phương tiện truyền thông đã nhấn mạnh trên vài đề tài liên quan đến sức khỏe và những nguy hiểm không có nền tảng cụ thể, đã khiến cho tình hình căng thẳng quá mức. Thêm vào đó là vài lập trường chính trị nhấn mạnh trên vài đề tài mà không muốn đương đầu với vấn đề di cư, nhưng chỉ biết nói không, đã tạo ra các sợ hãi nơi người dân. Các sợ hãi đó là điều có thể hiểu được, nhưng có thể đương đầu qua việc đối thoại và thảo luận. Nhưng di cư tị nạn là một hiện tượng toàn cầu hiện nay, cần phải tìm các giải quyết, chứ không thể dựng lên các chiến lũy ý thức hệ hay có các hình thái bảo thủ ngoài thời gian. Vì thế, tiếng “không” của Đảng Liên minh Xanh vùng Veneto đối với việc tiếp đón người di cư đi ngược lại tinh thần liên đới của dân chúng trong vùng này. Theo cha Schiavon, tinh thần liên đới vẫn là yếu tố tích cực của người dân Ý từ trước tới nay. Các lập trường chính trị chống di cư chỉ diễn tả ý kiến của một phần dân chúng, chứ không phải là ý kiến của toàn dân. Cần phải phối hợp việc tiếp đón đồng đều hơn và phải là có thông tin đúng đắn. Các anh chị em di cư tị nạn phải chịu nhiều gian khổ đớn đau và rất mệt mỏi, hoang mang, nên cần phải trấn tỉnh họ và an ủi họ. Tuy nhiên cũng nên cho họ biết thực tại và các khó khăn mà họ phải đối diện và vượt thắng để có thể hội nhập và tái tạo cuộc sống, không nên giấu họ để họ không thất vọng. Cô lập họ có nghĩa là châm ngòi cho các bùng nổ rất nguy hiểm có thể xảy ra. Khi một người bị cô lập hóa và mất hướng, thì dễ rơi vào các hậu quả mà vài đường lối chính trị đang bị phơi bày ra ánh sáng.
Cha Davide Schiavon cho biết trong chương trình tiếp đón, hội nhập và tiếp xúc với người di cư tị nạn, Giáo hội và Caritas cũng gặp phải bức tường của các giới chức hành chánh địa phương. Trái lại các tổ chức có liên hệ tới tổ chức Caritas đã hoạt động rất ích cực trong việc tiếp đón. Gương mặt ngơ ngác của các người di cư tị nạn và gương mặt giận dữ của dân chúng địa phương đều diễn tả sự sợ hãi: sợ hãi tương lai bấp bênh, cuộc sống tạm bợ và cảnh thiếu công ăn việc làm. Chính vì thế cần hoạt động làm sao để mọi người cùng chung sức thắng vượt các mệt nhọc chung ấy, mà không khiến cho tình hình trở nên căng thẳng hơn một cách vô ích, làm nẩy sinh ra chiến tranh giữa người nghèo với nhau qua các hành vi bạo lực không đưa tới đâu hết mà chỉ có lợi cho một số người nào đó. Trong lúc này, chính trị phải có khả năng làm dịu giọng mọi phía và đề ra một phương hướng thuận lợi cho phẩm giá của tất cả mọi người.
Linh mục Emanuel Giannone, Giám đốc Caritas giáo phận Porto-Santa Rufina cho biết người dân Ý hơi mệt mỏi trước làn sóng di cư tị nạn gia tăng. Việc hội nhập người di cư tị nạn đã không bao giờ dễ dàng. Nhưng cha thấy các anh chị em này thanh thản, cả khi họ còn rất ngơ ngác và lạ lẫm. Đa số họ là người trẻ đến từ các nước Bangladesh, Gambia, Mali. Liên quan đến các phản đối của dân chúng vùng Casale San Nicola, cha cho rằng vì thiếu thông tin và không hiểu biết các câu chuyện. Các nghi ngờ hay các thắc mắc của họ là điều dễ hiểu, nhưng có thể đối thoại trong bầu khi thanh thản mà không cần phải đi tới các trường hợp mâu thuẫn hay xung đột vô ích này.
Theo cha Giannone, chính sự kiện thiếu thông tin đã khiến cho dân chúng địa phương có các thành kiến đối với người di cư tị nạn. Vì thế cần nhìn thẳng vào mắt nhau để luôn luôn tạo dựng sự hiệp thông và tình thân cộng đoàn mà không để cho mình bị thất bại khiến cho người dân địa phương giận dữ và người di cư tị nạn vỡ mộng vì phải sống trong hoàn cảnh mà họ không ngờ khi liều chết đi tìm một cuộc sống tốt lành hơn.
(QT)
Bình luận