Học từ những chuyển biến hôm nay

1. Mỗi lần niên học mới bắt đầu là mỗi lần tôi được thôi thúc phải học thêm mãi. Lãnh vực trí thức là mênh mông. Lãnh vực văn hóa là bao la. Lãnh vực đạo đức là bát ngát. Ngay lãnh vực nhân bản cũng đã là ngút ngàn thăm thẳm. Phương chi lãnh vực đức tin.

Tôi không có tham vọng học hết, và tất nhiên tôi cũng không có thể học tất cả. Nên tôi chọn học những gì có nhiều liên hệ đến tu đức trong những chuyển biến tại xã hội và Giáo hội Việt Nam hôm nay.

2. Sống giữa những chuyển biến hiện nay, tôi vui mừng học được từ nhiều người những bước đi về hướng cứu độ.

Có ý thức hay không có ý thức, nhiều người đang cộng tác với Thiên Chúa Ngôi Cha là Đấng tạo dựng sự sống. Họ cộng tác bằng cách bảo vệ sự sống và phấn đấu làm cho sự sống càng ngày càng thêm tốt đẹp về nhiều mặt, nhất là về mặt đạo đức.

Có ý thức hay không có ý thức, nhiều người đang cộng tác với Thiên Chúa Ngôi Hai là Đấng hy sinh cứu chuộc loài người. Họ chấp nhận quên mình, chịu đau khổ, để cứu người khác khỏi lầm than, nhất là khỏi tội lỗi.

Có ý thức hay không có ý thức, nhiều người đang cộng tác với Thiên Chúa Ngôi Ba là Thánh Thần chân lý và tình thương. Họ theo Người xây dựng hiệp thông bằng những sợi dây nhân ái và sự thật.

Tôi cầu nguyện cho họ. Tôi dâng họ lên Chúa. Tôi xin Chúa chúc lành cho họ.

Điều khiến tôi trân trọng họ là họ đã và đang chiến đấu dũng cảm. Họ phải trải qua những quãng đường tăm tối. Họ phải nếm những thất bại đắng cay. Nhưng họ vẫn đi về phía trước với niềm tin cậy.

Điều khiến tôi tin tưởng họ là họ có hoa quả của Chúa Thánh Thần : “Hoa quả của Chúa Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22).

Điều khiến tôi khâm phục họ là họ hăng hái dấn thân, nhưng vẫn trung tín với việc hồi tâm cầu nguyện. Họ coi đời sống nội tâm gắn bó mật thiết với Chúa là linh hồn của mọi dấn thân.

Điều khiến tôi ca tụng họ là họ luôn tìm thực thi thánh ý Chúa.

Họ triệt để tuân giữ lời Chúa Giêsu phán xưa : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Bên cạnh những người đi đúng hướng, chẳng may lại có những người có vẻ đi sai hướng cứu độ.

3. Thực vậy, sống giữa tình hình chuyển biến hiện nay, tôi không thể không thấy nhiều người đi theo hướng mà Phúc Âm gọi là dẫn tới diệt vong.

Chúa Giêsu phán : “Hãy đi vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa tới diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14).

Người đi vào cửa rộng, đường rộng là người thích tự do theo ý riêng mình, mình là luật cho chính mình.

Tự do trong lối sống, với sự lạm dụng thời giờ, tiền bạc, địa vị và sức khỏe.

Tự do trong việc xét đoán, với những thành kiến và mặc cảm tự tôn, bất chấp công bình bác ái.

Tự do trong việc áp dụng Kinh Thánh, với sự ngạo mạn, cho mình là có Chúa Thánh Thần để áp đặt ý kiến của mình.

Tự do cắt nghĩa thánh ý Chúa trong các chọn lựa với mưu đồ tìm lợi ích riêng.

Người đi vào cửa rộng đường rộng còn là người nguội lạnh. Chúa phán : “Vì ngươi hâm hâm, chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,15).

Người đi vào cửa rộng đường rộng cũng còn là người làm việc đạo đức với ý muốn phô trương. Chúa phán : “Ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : Ta không hề biết các ngươi, hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !” (Mt 7,22-23).

Người đi vào cửa rộng đường rộng còn là người ích kỷ không biết xót thương giúp đỡ kẻ khác. Dụ ngôn cuộc phán xét chung cho ta thấy rõ sự thực đó : “Quân bị nguyền rủa kia, hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho ác quỷ và các sứ thần của nó, vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn. Ta khát, các ngươi đã không cho uống. Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc. Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã không thăm nom… Ta bảo thật các ngươi : Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất, là các ngươi đã không làm cho chính Ta” (Mt 25,41-45).

4. Tôi có cảm tưởng những người đi theo hướng dẫn tới diệt vong như một chọn lựa có ý thức không phải là đông. Họ đi vì nông nổi, vì yếu đuối, vì phong trào, vì bị ảnh hưởng xung quanh, vì không được đào tạo. Vì thế, nhiều người trong họ đã trở về, khi được soi sáng và được lôi kéo trong nội tâm họ.

Do đó, giữa những chuyển biến của tình hình, nơi thiện ác giao tranh, tôi thấy sự thiện vẫn mạnh. Người tốt vẫn có sức cảm hóa. Họ có khả năng biến đổi tình thế nên ổn định hơn, công bình hơn, yêu thương hơn.

Vì thế, việc đào tạo để có những người thực tốt, trở thành men thành muối, là việc hết sức cần cho việc xây dựng hạnh phúc trong Hội Thánh và Đất Nước Việt Nam hôm nay.

5. Đào tạo theo Phúc Âm là biết lắng nghe Chúa và biết trả lời Chúa. Chúa gọi mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta hãy trả lời Chúa. Chúa gọi : “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Chắc chắn chúng ta là những con người có nhiều giới hạn. Nhưng dù với giới hạn nào, chúng ta cũng vẫn cố gắng làm cho những gì chúng ta có mang dung mạo yêu thương của Chúa.

Bắt chước các vị thánh là điều tốt. Nhưng thiết tưởng Chúa không cấm chúng ta có một nét riêng, mà vẫn đậm đà tình yêu đối với Chúa và đối với mọi người.

Sống nhập thể tại Đất Nước Việt Nam hôm nay là một mời gọi. Chúng ta hãy trả lời bằng một đời sống phục vụ yêu thương đậm đà bản sắc dân tộc mang dung mạo của Thiên Chúa Tình yêu.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Ðức tin cần có việc làm kèm theo
Ðức tin cần có việc làm kèm theo
Một vấn đề có liên hệ nhiều đến cách sống đạo hôm nay. Ðó là vấn đề Ðức tin cần có việc làm kèm theo.
Sống đạo với những bất ngờ
Sống đạo với những bất ngờ
Lời Chúa nhắc nhở là phải luôn sẵn sàng. Để làm được điều này, các đấng đạo đức khuyên các tín hữu hãy xác tín sâu sắc rằng chính Đức Giêsu Kitô là trung tâm của đức tin.
Lời của Thiên Chúa
Lời của Thiên Chúa
Tuy là Ngôi Lời, Ðức Kitô tại hang đá Bêlem đã không nói lời nào. Ðúng hơn, Người đã nói, nhưng không phải bằng lời, mà bằng chính bản thân mình.
Ðức tin cần có việc làm kèm theo
Ðức tin cần có việc làm kèm theo
Một vấn đề có liên hệ nhiều đến cách sống đạo hôm nay. Ðó là vấn đề Ðức tin cần có việc làm kèm theo.
Sống đạo với những bất ngờ
Sống đạo với những bất ngờ
Lời Chúa nhắc nhở là phải luôn sẵn sàng. Để làm được điều này, các đấng đạo đức khuyên các tín hữu hãy xác tín sâu sắc rằng chính Đức Giêsu Kitô là trung tâm của đức tin.
Lời của Thiên Chúa
Lời của Thiên Chúa
Tuy là Ngôi Lời, Ðức Kitô tại hang đá Bêlem đã không nói lời nào. Ðúng hơn, Người đã nói, nhưng không phải bằng lời, mà bằng chính bản thân mình.
Chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Chúa giáng sinh
Chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Chúa giáng sinh
Sắp đến ngày kỷ niệm việc Thiên Chúa giáng sinh. Nhiều nơi đã bắt đầu chuẩn bị mừng lễ. Việc chuẩn bị tâm hồn mới là điều quan trọng, vì là nơi Chúa muốn đến viếng thăm và ở lại. Những việc đơn sơ, chân thành sẽ giúp mỗi người...
Sống Mùa Vọng  với Ðức Mẹ Maria
Sống Mùa Vọng với Ðức Mẹ Maria
Mùa Vọng phải được coi là thời gian rất quan trọng. Ðây là mùa tạ ơn. Ðây là lúc chuẩn bị đón Chúa. Chúa đến cứu độ. Chúa đem lại cho chúng ta sự sống dồi dào tốt đẹp, mà thâm tâm ta hằng khao khát mong chờ.
Kiêu căng tôn giáo và khiêm nhường Phúc Âm
Kiêu căng tôn giáo và khiêm nhường Phúc Âm
Phát xuất từ những khẳng định dữ dội đó, một số người đã đi xa hơn. Họ khinh khi, hạ giá những ai không cùng tôn giáo với mình, hoặc không cùng quan điểm tôn giáo như mình.
Một thoáng kiểm tra vẻ đẹp “khiêm nhường”
Một thoáng kiểm tra vẻ đẹp “khiêm nhường”
Có tài đức mà vẫn khiêm nhường. Có địa vị mà vẫn khiêm nhường. Có trí thức mà vẫn khiêm nhường. Ðược khen hay bị chê, họ vẫn bình tĩnh khiêm nhường.
Cảm nghiệm về Chúa
Cảm nghiệm về Chúa
Những tôn giáo quá nghiêng về lý trí đang đổ vỡ thê thảm, đang khi những tín ngưỡng đưa con người đến những cảm nghiệm thiêng liêng lại trở nên hấp dẫn lạ lùng. Ðó là nhận định của một số nhà quan sát tôn giáo và xã hội.
Con đường hạt lúa
Con đường hạt lúa
Người môn đệ Chúa Giêsu là mọi tín hữu. Nhưng ở đây, danh từ này được giới hạn cho những ai dấn thân đi theo Chúa Giêsu một cách đặc biệt, để mở mang Nước Trời.