Giá xăng tăng, kéo theo giá cả các mặt hàng cũng tăng, trong đó phải kể đến trước nhất là thực phẩm, nhu yếu phẩm gắn với đời sống hằng ngày. Bà con phải chật vật xoay xở để thích ứng với hoàn cảnh...
Sau đợt dịch Covid-19 với nhiều biến động, đầu thàng 10 năm 2021, ông bà Hoàng Thuận mở cửa trở lại quán bánh mì, xôi, bánh bao… nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3, TPHCM). Nhưng đến nay, hai ông bà cảm thấy lo lắng khi giá cả các loại thực phẩm cứ tăng lên từng ngày. Nếu cứ đà tăng này thì giá một ổ bánh mì thịt hay gói xôi mặn không thể “neo” ở giá 17 ngàn đồng như hiện nay mà sẽ phải lên. Nhưng tăng giá dù chỉ là một, hai ngàn cũng khiến ông bà băn khoăn bởi khách hàng phần lớn đều là những người làm công ăn lương, có lúc nhìn nét mặt của họ thấy được sự đắn đo khi mua một ổ bánh mì hay gói xôi để dằn bụng buổi sáng. “Không phải ai cũng có tiền cho những bữa sáng đủ đầy, nên việc tăng giá dù ít thôi cũng khiến lượng khách hàng giảm đi”, bà Thuận nói. Và ông bà hết sức cân nhắc, chỉ dám điều chỉnh giá lên một chút để duy trì việc buôn bán.
Cũng vậy, hàng bánh ướt của bà Năm Xuân trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TPHCM) tuy đã mở ra hàng chục năm trời nay nhưng trước cơn lốc của “bão giá”, bà suy đi tính lại nhiều ngày mới dám lên thêm một ngàn đồng. Nếu giữ giá cũ như lâu nay thì bà không kham nổi. “Nước lên, thuyền lên!”, bà đành chép miệng. Tự sâu xa, bà hiểu rằng hàng bánh của mình lâu nay chỉ phục vụ cho người lao động thu nhập trung bình hoặc thấp nên khi nhìn bảng giá không còn con số cũ, với họ cũng là cả một vấn đề.
Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu tác động đến mọi người, mọi hoàn cảnh. Một nhóm nhân viên văn phòng buổi trưa thường đặt món ăn như bún bò, hủ tíu, mì, nước… theo các “ứng dụng” trên mạng có mã giảm giá nhưng gần đây, vẫn không tránh khỏi tăng giá. Nếu một tô hủ tíu trước chỉ có 40 ngàn đồng thì nay phải thêm vào 5 ngàn. Dù vậy, người đi giao hàng bảo “Đó chỉ mới bù đắp phần nào chi phí”. Chính vì lý do này mà hai chị Mai Hương và Quỳnh Trang, nhân viên một công ty trên đường Nguyễn Thiện Thuật (Q.3) đã chọn giải pháp thay vì đặt bữa trưa qua “ứng dụng trên mạng” hay nấu mang đi, có hôm lại tìm đến một cửa hàng tiện lợi. Họ chọn những ly mì cùng những món ăn kèm, tính toán sao cho buổi ăn trưa chừng 20 ngàn đồng. “Vật giá leo thang, nếu không tiết kiệm và cân nhắc thì không đủ tiền chi tiêu đến cuối tháng!”, chị Trang cảm thán.
Giá cả ảnh hưởng trực tiếp đến các bà nội trợ. Ở Sài Gòn, mức sống cao hơn ở quê nên việc chi tiêu cho tiền chợ cũng nhiều hơn. Nhiều người khi đi chợ phải tính kỹ để túi tiền không bị “thâm thụt”, như bà Cẩm Vân (Q. Phú Nhuận), mỗi ngày xách làn đi chợ là phải nhẩm xem hôm nay nên mua thứ gì hay có cửa hàng nào có giảm giá không. Nếu trước đây với mười ngàn đồng, bà có thể nấu một nồi canh rau (dền, mùng tơi, khổ qua…) đủ cho cả nhà 5 người thì nay số tiền phải gấp đôi. Đó là chưa kể những món mặn, kho hay xào khác nữa. Bà bảo: “Mỗi lần đi chợ là bạc cả đầu vì suy nghĩ!”. Chị em lối xóm của bà Vân cũng thừa nhận điều này: “Tôi cũng thế chị ạ!”. Họ nhìn nhau như an ủi để cùng nhau vượt qua thời “bão giá”.
Đến một số chợ, không còn thấy không khí tấp nập, sôi động như trước kia, do ít khách, các tiểu thương lấy điện thoại ra bấm các trò chơi hoặc lấy quạt đuổi ruồi, họ nói: “Dạo này ế ẩm lắm, giá món nào cũng tăng nên người đi chợ đều ngán!”.
Tuy cơn sốt ‘bão giá” là vậy, ở đây đó trong thành phố, vẫn hiện diện tình đồng loại, thắp ngọn lửa ấm áp trong tâm hồn khi những quán cơm không đồng, bếp cơm từ thiện... vẫn hoạt động. Đó chính là niềm sẻ chia quý báu cho những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ...
Vĩnh Lộc
Bình luận