Hội Báo toàn quốc 2024, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND TPHCM và các bộ, ban ngành tổ chức, đã diễn ra tại TPHCM từ ngày 15.3 đến 17.3.2024.
Sự kiện thu hút 120 gian trưng bày các ấn phẩm báo chí đặc sắc, với sự góp mặt của hầu hết các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Hội báo còn quy tụ hơn 60 gian hàng sản phẩm OCOP đến từ 50 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cho thấy sức hút và vai trò của truyền thông - báo chí trong thúc đẩy kinh tế khu vực.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, đây là ngày hội lớn của báo giới và công chúng cả nước. Hội Báo có nhiều hoạt động nghiệp vụ chất lượng, chuyên sâu và thực tiễn cao; các sinh hoạt triển lãm, trưng bày, chương trình văn hóa văn nghệ phong phú. Có 10 phiên thảo luận về các chủ đề trọng yếu, có tính cấp bách của báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số, với sự tham dự của hơn 60 diễn giả là các nhà báo kinh nghiệm trong và ngoài nước.
Cũng tại lễ khai mạc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh đến những thách đố và cơ hội đối với báo chí, cũng như đối với các nhà báo hiện nay. Theo ông, sự phát triển không ngừng của các nền tảng đa phương tiện, các công cụ số như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối…, tạo ra cả cơ hội và thách thức; báo chí đang phải đối diện với những vấn đề có tính bước ngoặt để bảo đảm thế chủ động trong định hướng, dẫn dắt thông tin. Những vấn đề này yêu cầu sự đổi mới hoạt động từ phương thức chỉ đạo, lãnh đạo, tư duy quản lý đến thực tiễn.
Trong những ngày diễn ra Hội Báo, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh… và nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, các đoàn thể của Trung ương và TPHCM, đông đảo bạn đọc và khách mời… đã đến tham quan những gian trưng bày của các báo, đài cũng như các gian hàng có sản phẩm OCOP. Dịp này, báo Công giáo và Dân tộc cũng bài trí một gian với thiết kế riêng, tạo được dấu ấn với nhiều khách đến thăm. Các phóng viên, biên tập viên và đội ngũ nhân viên của báo luân phiên trực để giới thiệu tờ báo đến công chúng, cũng như giải đáp những thắc mắc của người quan tâm; qua đó đưa báo Công giáo và Dân tộc đi xa hơn, được nhiều người trong và cả ngoài Công giáo biết tới hơn. Có những người ghé thăm gian trưng bày của Công giáo và Dân tộc, vui mừng nhận ra tờ báo quen thuộc họ vẫn theo dõi lâu nay; có người đọc báo không thường xuyên, cũng vui khi được trao tặng những số báo chưa có; và có cả người lần đầu tiên biết đến tờ báo, lật xem từng trang, hỏi han thêm và ngỡ ngàng khi biết Công giáo và Dân tộc là một trong những tờ báo ra đời sớm nhất tại Sài Gòn (10.7.1975), sau ngày đất nước thống nhất, đến nay đã gần 50 năm hoạt động, chưa kể thời gian trước đó báo đã hình thành ở Paris - Pháp… Đi dạo tại Hội Báo vào sáng ngày 15.3, linh mục Vinhsơn Trần Văn Hòa (đã nghỉ hưu) bất ngờ nhận ra gian trưng bày của Công giáo và Dân tộc, và cha ghé vào thăm, chụp hình lưu niệm, vui vẻ như gặp lại một người bạn thân quen từ lâu. Nhiều nữ tu đang theo học báo chí cũng dừng lại trò chuyện cùng phóng viên Công giáo và Dân tộc như bất chợt bắt gặp một người bạn lâu ngày.
Trong khuôn khổ Hội Báo, các phiên hội thảo diễn ra trong khuôn viên khách sạn REX thu hút sự quan tâm của các nhà báo, phóng viên… Đa số các đề tài mang nét mới, phản ánh nhịp sống của báo chí hiện đại như “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”, Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội”, “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn”, “Nâng cao chất lượng phóng sự, phóng sự điều tra”, “Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thế giới AI”, “Phát thanh năng động trong môi trường số”, “Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số”…
Hội Báo đã khép lại vào trưa ngày 17.3. Trước đó, tại lễ bế mạc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã chúc mừng thành công của Hội báo, đồng thời khẳng định sự kiện này đã lan tỏa tinh thần và sức mạnh của đổi mới sáng tạo báo chí đến tất cả các vùng, miền, tạo động lực sáng tạo mới cho đội ngũ người làm báo cả nước… Ông cũng mong muốn các cơ quan báo chí cần tập trung truyền thông tốt việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội năm nay; bám sát hơi thở cuộc sống để phản ánh, góp ý, kiến tạo, lan tỏa những giá trị tốt đẹp và nhân ái trong xã hội; đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của mọi người dân. Bên cạnh đó, các báo đài cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong việc sản xuất, phát sóng các chương trình, tin, bài…
Điều đọng lại và có lẽ cũng chính là nét đẹp đặc trưng của Hội Báo, là tinh thần tương tác, giao lưu trong các hoạt động tại sự kiện đã gia tăng sự kết nối những người làm báo với nhau, kết nối các cơ quan báo chí với nhau và với công chúng, tăng thêm sự gần gũi giữa nhà báo và bạn đọc. Nhiều người dịp này đã biết rõ hơn về lịch sử, đường hướng hoạt động, đặc trưng của từng cơ quan báo chí thông qua các gian trưng bày. Không ít phóng viên, nhà báo kết thêm bạn đồng nghiệp mới…
Ban Tổ chức và Hội đồng Giải thưởng của Hội Báo năm nay đã trao 11 giải A, 29 giải B, 53 giải C và 88 giải Khuyến khích cho các cơ quan báo chí ở các hạng mục: Gian trưng bày xuất sắc, Chương trình Phát thanh Tết ấn tượng, Chương trình Truyền hình Tết ấn tượng, Giao diện điện tử Tết ấn tượng, Bìa báo Tết ấn tượng. |
Liên Giang
Bình luận