3. Loan báo Tin Mừng với Đức Giêsu. THĐGM XVI nhấn mạnh tính cách đồng hành trong việc loan báo Tin Mừng với Đức Giêsu, với mọi thành phần trong Giáo hội như hiền thê của Người và với mọi thành phần trong nhân loại và vũ trụ này. Đức Giêsu xác định người sẽ loan báo Tin Mừng của Người cùng với chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”[1]. “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”[2].
Cùng loan báo với Đức Giêsu là ta được Người bảo đảm cung cấp mọi nhu cầu trong việc loan báo Tin Mừng như các tông đồ và môn đệ xưa kia trong những năm Người hoạt động công khai. Người ban cho họ quyền xua trừ ma quỷ và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền để bảo đảm cho lời họ loan báo[3]. Người nhắc nhở các ông hãy tin tưởng vào sự hiện diện của Người để đừng mang gì đi đường. “Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”[4].
Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo ngày nay không đạt được kết quả mong muốn vì người ta quên đồng hành với Đức Giêsu và với nhau, nhất là khi công việc này được giao phó cho một cá nhân, một tổ chức, một dòng tu thực hiện. Hơn nữa, người ta nhiều khi quá tin tưởng vào các phương tiện vật chất như tiền của để phân phát cho người nghèo, thuốc men và bác sĩ để chữa trị cho người bệnh, sách báo, phim ảnh, dụng cụ âm thanh, ánh sáng, tài năng nghệ thuật để thu hút người trẻ và gạt Chúa Giêsu ra ngoài công việc của Người!
4. Loan báo Tin Mừng trong Đức Giêsu. THĐGM XVI nhấn mạnh tính cách hiệp thông trong việc loan báo Tin Mừng Đức Giêsu. Hiệp thông với Chúa là chúng ta được kết nối với nguồn sự thật và sự sống, nguồn tình yêu và ân sủng, nguồn hạnh phúc vô tận và vĩnh hằng để có thể chia sẻ cho mọi thành phần trong Giáo hội. Việc loan báo Tin Mừng không phải là việc riêng của Giáo hội chiến đấu ở trần thế, nhưng luôn có sự hiệp thông của các thánh nhân trong tình trạng thiên đàng và các người đã qua đời trong tình trạng luyện ngục.
Sự hiệp thông này là do Chúa Thánh Thần tác động. Chính Ngài là thần khí biến đổi dòng máu đen tội lỗi trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô thành dòng máu đỏ tinh tuyền để rửa sạch tội lỗi cho muôn loài. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc hội nhập văn hóa[5], như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác định, nên Ngài sẽ giúp cho mọi thành phần Giáo hội nhận biết những giá trị nào cần thiết cho mỗi thời đại để giúp ta loan báo và sống giá trị ấy cho tốt đẹp.
Tuy nhiên, phải nói rằng người tín hữu thời nay, nhất là tín hữu Việt Nam, không được dạy bảo nhiều về Chúa Thánh Thần ngoài bài học sơ sài để chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thêm Sức khi còn nhỏ. Họ cũng không biết tầm quan trọng của khí thở tự nhiên trong đời sống hằng ngày nên 90% người Việt Nam thở không đủ. Họ càng không biết về làn khí thiêng được Đức Giêsu Phục Sinh thổi trên họ để nhận lãnh Chúa Thánh Thần và các ân huệ của Ngài.
5. Loan báo Tin Mừng nhờ Đức Giêsu. THĐGM XVI nhấn mạnh tính cách tham gia trong việc loan báo Tin Mừng Đức Giêsu. Tham gia là góp phần của mình vào một hoạt động, một tổ chức nào đó. Ở đây là tham gia vào việc loan báo Tin Mừng. Có rất nhiều cách tham gia như cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng, đóng góp tiền của, vật dụng cho các công cuộc truyền giáo, cho các Hội Truyền giáo của Tòa Thánh, cho các dòng tu truyền giáo hoặc trực tiếp cho các địa phương nghèo khổ cần sự giúp đỡ.
Nhiều tín hữu Việt Nam nghĩ rằng việc tham gia này hoàn toàn tự nguyện và việc đóng góp tiền của tùy thuộc vào lòng hảo tâm của mỗi người. Đó là vì nhiều người thấy việc loan báo Tin Mừng không phải là bản chất của Giáo hội và là bổn phận bắt buộc theo lương tâm của tín hữu. Họ quên rằng mình được cứu độ, được trở thành con cái Thiên Chúa, được hòa nhập thành một với Chúa Ba Ngôi và với nhau đều là nhờ Chúa Giêsu Kitô, và vì thế họ phải tham gia vào mọi hoạt động của nhiệm thể, trong đó có sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Chi thể nào bất động trong việc hòa nhập và tham gia vào hoạt động của toàn thân là tự mình hủy diệt chính mình do đóng kín với nguồn sống của Chúa Giêsu và ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Nhưng muốn cho mọi tín hữu có thể tham gia một cách tích cực vào các sứ vụ loan báo Tin Mừng, các cấp lãnh đạo trong Giáo hội cần phải khuyến khích, tổ chức các phong trào thi đua học hỏi và khen thưởng kịp thời thì việc loan báo Tin Mừng mới đạt được kết quả mong muốn. Như thế, việc loan báo Tin Mừng cũng tùy thuộc vào những con người dám dấn thân cho Chúa Giêsu và can đảm hành động vì ơn cứu độ của con người. Chắc chắn Chúa Giêsu sẽ ban thưởng gấp bội cho những người đó.[6]
6. Loan báo Tin Mừng như Đức Giêsu. THĐGM XVI nhấn mạnh đến việc thi hành các sứ vụ truyền giáo. Chúng ta biết đến 4 sứ vụ được Đức Giêsu thực hiện mỗi ngày để loan báo Tin Mừng: đó là cầu nguyện để múc được nguồn lực truyền giáo nơi Chúa Cha, loan báo Lời Chúa qua việc giảng dạy dân chúng, chữa lành bệnh nhân và xua trừ ma quỷ để chứng tỏ ơn cứu độ về thể xác cũng như tinh thần.
Tuy nhiên, qua dòng lịch sử của Giáo hội và sự đổi thay của xã hội trần thế, các sứ vụ này được hiểu cách khác nhau và vì thế hiệu quả truyền giáo cũng khác nhau. Ngày nay, người ta thu hẹp việc truyền giáo vào việc cầu nguyện, rồi lại thu hẹp việc cầu nguyện vào một số kinh đọc quen thuộc mà quên rằng cầu nguyện như Chúa Giêsu là hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và dẫn tới những hành động truyền giáo rất cụ thể, rõ ràng. Việc loan báo Lời Chúa còn mở rộng tầm nhìn của người môn đệ Chúa Giêsu hơn nữa để biết con người ngày nay đang cần những luận chứng khoa học rõ ràng để xác định Thiên Chúa có thật, Ngài đang nói với con người qua Người Con của Ngài là Đức Giêsu để con người nghe được lời Ngài và kết hợp với Ngài trong tình yêu.
Hai sứ vụ chữa lành bệnh nhân và xua trừ ma quỷ đang bị đặt dấu chấm hỏi đối với con người trong thời đại hiện nay. Với sự phát triển của các khoa học hiện đại và các phương tiện y khoa dồi dào, với các hệ thống bảo hiểm y tế, an sinh xã hội, nhiều tín hữu cho rằng việc chữa lành bệnh nhân không còn cần thiết. Việc xua trừ ma quỷ lại càng nên tránh vì có vẻ đi ngược với thời đại khoa học và dẫn tới những hệ quả làm tổn thương tôn giáo khi bị coi như một thứ mê tín, dị đoan. Nhưng lệnh truyền của Đức Giêsu vẫn vang lên trong lòng ta và trong suốt dòng lịch sử của Giáo hội bao lâu thế giới này còn tồn tại và bao lâu chúng ta còn tự nhận mình là môn đệ của Người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ… Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”[7].
Lời kết
Chúng tôi đang cùng ước mơ với Giáo hội và dân tộc Việt Nam vì cuộc hội nhập văn hóa này không chỉ mang lại những kết quả tốt đẹp cho Giáo hội Công giáo và còn mở ra một tương lai xán lạn cho dân tộc Việt Nam, như tín hữu Hàn Quốc đã biến đổi đất nước của họ từ một đất nước kém phát triển thời điểm năm 1975, nay đã thành một dân tộc phát triển trong 10 nước đứng đầu thế giới. Cầu mong mọi tín hữu Công giáo Việt Nam cùng đồng hành với nhau trên con đường Giêsu để đưa cả dân tộc Việt Nam vào con đường hạnh phúc và bình an.
1. Mc 16,15.
2. Mt 28,20.
3. x. Mt 10, 1-16; Mc 3, 14; 6,7-13; Lc 9,1-6.
4. Mc 16, 20.
5. x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21-22.
6. x. Mt 19,27-29; Mc 10,28-30; Lc 18 28-30.
7. x. Mc 16,15-18.
8. 1 Ga 2,6.
Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Bình luận