Trải qua mấy năm học nghề và hai năm đầu khởi nghiệp, chúng tôi mới làm đám cưới. Vậy mà chưa đầy 4 tháng đãtrục trặc đến mức chẳng thiết nhìn mặt nhau. May có sự khuyên giải từ gia đình hai bên và bạn bè tốt giúp đỡ, hai vợ chồng lại dẹp bỏ tự ái để vun đắp cho mái ấm.
Nhưng đời cứ như đùa, mỗi khi chồng muốn làm lành thì vợ lại cương, ngược lại khi vợ buông xuôi thì chồng… buông luôn! Bởi thế, dù hai đứa vẫn còn thương, còn nợ nhau nhưng cuộc sống hôn nhân làm cả hai cùng căng đầu mệt óc…
Cứ cái đà này không khéo “đứt” mất bác sĩ ơi, phải làm gì để cứu vãn hôn nhân?
(Một bạn đặt câu hỏi từ ĐT: 0903…)
Có bạn trẻ đã nói vui: Yêu giống như hai đứa cùng ngậm sợi dây thun đang kéo căng, đứa nào nhả trước thì đứa còn lại… vỡ mồm!
Cũng như vậy, hôn nhân là sợi dây căng cố định hai đầu, “đứa chồng” giữ một đầu, đầu còn lại “đứa vợ” nắm. Một đầu bất chấp kéo mạnh quá thì đầu kia cũng không theo nổi. Trái lại một đầu buông lỏng quá thì đầu còn lại cũng không đủ sức kéo hết cho vừa bạn ạ.
Bàn về những giai đoạn của hôn nhân trong một cuốn sách, TS-BS tâm lý Rita DeMaria đã viết: “Dù mỗi cặp vợ chồng có một kiểu yêu và một cách sống khác nhau nhưng các giai đoạn trong đời sống hôn nhân thì thường giống nhau và có thể đoán trước được. Thời gian của từng giai đoạn đó cũng không xê dịch là bao nhiêu”. Đó là 5 giai đoạn: Trăng mật thiên đường - Ổn định cuộc sống - Gia đình hạt nhân - Cô đơn, trống vắng - Cần đến nhau.
Ở bất kỳ giai đoạn hôn nhân nào, cả hai đều có những lúc “làm căng” (phát sinh mâu thuẫn do bệnh tật, tiền bạc, không hòa hợp tình dục, không chịu lắng nghe nhau và những tác động của xã hội dẫn đến cãi vã, đổ lỗi, phòng vệ, tranh giành quyền lực trong gia đình) hoặc “làm chùng” (mệt mỏi nhàm chán, xao nhãng, bất mãn với người bạn đời). Khá nhiều cặp đã chọn cách giống vợ chồng bạn: chiến tranh lạnh, bỏ đi khi “nửa kia” của mình đang nói, thù vặt thù dai đến mức luôn nhắc lại chuyện cũ, không ngủ chung giường để dễ bề “cấm vận” bạn đời…
Khi bạn muốn cứu vãn hôn nhân là bạn vẫn đang nắm một đầu dây, chỉ là chưa rõ ý người giữ đầu dây bên kia thế nào.
Nghe qua thì thấy mâu thuẫn của hai vợ chồng bạn thường do “khắc khẩu”, thế nên bạn hãy cố gắng cản lại “nộ khí” của mình mỗi khi hai bên “khẩu chiến”. Cách tốt nhất không gây tổn thương cho người kia là bạn phải “biết cãi nhau”, cho cô ấy được xả cục tức ra, không khiêu khích cũng không lờ đi để cô ấy được trình bày những ấm ức trong lòng. Nếu căng quá thì tạm lánh bằng cách xin phép đi làm việc gì gấp cho vợ hoặc đi… vệ sinh, khi quay lại, cả hai có thể nói chuyện với nhau một cách bình tĩnh hơn. Nếu thấy khó chịu với bạn đời ở điểm nào đó, điều bạn cần làm là thẳng thắn nói chuyện với cô ấy. Đừng bao giờ nói xấu vợ mình với người khác, cho dù đó là mẹ, chị em gái, bạn thân hay người không quen biết.
Đừng bao giờ để cọng thun căng quá sức, căng đến mức làm đau người khác nhưng cũng đừng “để đó” không làm gì. Cọng dây thun không có khả năng co giãn, căng hay chùng thì chỉ là cái vòng dây vô tích sự. Lúc căng lúc chùng, nhưng không bao giờ được bỏ, không bao giờ được buông tay hay đứt phựt, bạn nhé!
Bản chất “cọng dây thun của hôn nhân” thể hiện sức chịu đựng bền bỉ, tính kiên nhẫn vô bờ bến và lòng bao dung của mỗi bên. Cọng thun nào đến cuối đời cũng giãn, cũng chùng nhão vì đã co kéo không biết bao lần nhưng một cọng thun không dùng để ràng buộc một cái gì đó cũng coi như vô dụng. Ý nghĩa, giá trị của cọng thun không phải là ra sức cột thật chặt, mà là có thể co, có thể dãn, phải không bạn?!
THS-BS LAN HẢI
Bình luận