Nhân dịp Tổng thống Hoa Kỳ viếng thăm Kenya từ 24 đến 26.7.2015, trong quần chúng tại Kenya đã nổi lên cuộc tranh luận về hôn nhân đồng phái, bởi có những suy nghĩ cho rằng Tổng thống Barack Obama có thể tạo thêm áp lực từ nước ngoài đòi Kenya phải chấp nhận hôn nhân đồng phái.
Đức cha Philip Arnold Subira Anyolo, Giám mục giáo phận Homa Bay, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Kenya, nói với hãng tin Công giáo Hoa Kỳ: “Tuy các Giám mục chào mừng cuộc viếng thăm của Tổng thống Mỹ, nhưng Giáo hội có sứ mạng ngôn sứ phải bảo vệ hôn nhân thánh thiêng mà Kinh Thánh đã dạy rõ ràng là giữa một người nam và một người nữ”.
Phó Tổng thống William Ruto của Kenya cũng đã tuyên bố tại một xứ đạo ở thủ đô Nairobi hôm 5.7.2015 rằng: “Đồng tính luyến ái là trái ngược với kế hoạch của Thiên Chúa”. Ông cho biết sẽ chống lại toan tính của Tổng thống Obama và các vị lãnh đạo khác ép buộc Kenya phải ban hành luật công nhận hôn nhân đồng phái.
Băng-rôn, khẩu hiệu chống hôn nhân đồng phái được treo khăp đường ở Kenya |
Tại hầu hết 54 quốc gia ở Phi châu, những người đồng tính luyến ái nam hay nữ, những người lưỡng tính, đổi giống thường phải giấu kín các xu hướng tính dục của họ vì sợ bị truy tố. Nam Phi có luật nhìn nhận hôn nhân đồng phái từ năm 2006 và là quốc gia duy nhất ở Phi châu cho phép các cặp hôn nhân đồng phái.
Linh mục Russell Pollitt, dòng Tên, Giám đốc học viện của dòng tại thành phố Johannesburg, Nam Phi, cho biết: “Hiện nay ở Phi châu có những vấn đề cấp thiết cần được giải quyết hơn là vấn đề hôn nhân đồng phái. Ví dụ nạn tham nhũng, vấn đề người tị nạn và nghèo đói... Thật là buồn và bỏ lỡ cơ hội nếu cuộc viếng thăm của Tổng thống Obama chỉ nhằm mục tiêu hạn hẹp và không chú ý đến những vấn đề gây ra những đau khổ lớn cho người nghèo”.
Người dân Kenya biểu tình chống hôn nhân đồng phái |
Liên quan đến việc bảo vệ hôn nhân truyền thống, trong thánh lễ kỷ niệm 50 năm hôn phối cho 30 đôi vợ chồng vào ngày 12.7.2015 tại nhà thờ Chính tòa Sydney, Đức cha Anthony Fisher, Tổng Giám mục giáo phận Sydney, Úc, trong bài giảng, đã chống những toan tính ép buộc dân chúng phải chấp nhận sự “giải tỏa” hôn nhân truyền thống. Theo ngài, đã có những tiếng nói cho rằng hôn nhân không phải kéo dài trọn cuộc sống, hoặc hôn nhân không còn giữa một người nam và một người nữ nữa. Nhiều đôi vợ chồng Kitô thấy mình ở trong một vị thế khó khăn vì có những thế lực chính trị, văn hóa, hoặc thương mại quyết liệt buộc phải im tiếng những ai không có lập trường gọi là bình đẳng hôn nhân. Đức cha Anthony Fisher đã nhấn mạnh: “Các thế lực ấy tạo áp lực buộc tất cả chúng ta phải chấp nhận giải tỏa và định nghĩa lại định chế cơ bản về hôn nhân và loại bỏ xuống hàng thứ yếu những câu hỏi như hôn nhân là gì, hôn nhân nhắm mục đích gì. Theo họ, những câu hỏi đó chỉ là điều phụ thuộc so với điều chính yếu là chấp nhận các cặp đồng phái bình đẳng với hôn nhân truyền thống. Họ coi những người bênh vực hôn nhân truyền thống là vô học và tin nhảm.
Tại Úc, trào lưu ủng hộ hôn nhân đồng phái được đẩy mạnh sau cuộc trưng cầu dân ý tại Cộng hòa Ireland ngày 22.5.2015 với sự chiến thắng của những người ủng hộ thứ hôn nhân này. Sau biến cố đó, nhiều đại biểu Quốc hội liên bang Úc tuyên bố ủng hộ điều gọi là bình đẳng hôn nhân. Đà tiến này cũng phát triển trong lãnh vực thương mại ở Úc với các công ty lớn, kể cả các ngân hàng, các hãng hàng không cho dùng tên hiệu của mình để quảng cáo bình đẳng hôn nhân hôm 29.5.2015.
Ngày 28.5.2015, Hội đồng Giám mục Úc đã công bố Thư mục vụ bênh vực hôn nhân với tựa đề “Đừng lẫn lộn với hôn nhân”. Thư được phổ biến ở các giáo xứ và trường học và cho mỗi học sinh Công giáo tại các trường học ở Sydney, Melbourne và các giáo phận khác ở Úc.
Khánh Thi
Bình luận