Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng
Đức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần là nghĩa tử của cha già cố Phêrô Maria Trần Gia Vĩnh, chánh xứ Cao Thái (1955-1968), giáo hạt Thủ Thiêm - TGP TPHCM. Vì mối liên hệ linh tông ấy nên ngài đã gắn bó với giáo xứ Cao Thái từ rất lâu, ngay sau khi hoàn tất chương trình học tại châu Âu trở về, và để lại những ấn tượng đẹp trong ký ức của người dân Cao Thái. Bản thân tôi cũng có những kỷ niệm không bao giờ quên với ngài.
Ngày còn bé, tôi chỉ được nghe nói về Đức cha với những điều tốt đẹp như một tấm gương, và khi có dịp thì chỉ ngắm nhìn từ xa. Trong ký ức của tôi gần 50 năm về trước, ngài là một cha giáo uyên bác, hiền từ và đạo hạnh…, lúc nào cũng nhẹ nhàng, dù khi giảng giải hay đang trò chuyện.
Sau này, khi đã làm giám mục, những lần trở về xứ Cao Thái của Đức cha Bùi Tuần cứ thưa dần, nhưng tôi lại có dịp “gặp” ngài cách khác, có khi trực tiếp, có khi chỉ qua các bài viết trên báo hay những cuốn sách. Tôi lại nhận ra ngài là một người thật sâu sắc, ngôn từ giản dị nhưng độc đáo, ý tưởng dễ hiểu lại thâm sâu. Để được mệnh danh là nhà “hòa giải” hay “đối thoại”, ngài đã thường xuyên cầu nguyện và trăn trở, “Nói với chính mình”* rồi mới “Nói với giáo dân”* và “Thao thức”*… Chẳng thế mà có nhà báo đã ví ngài là người “đau khổ vì tình”: Tình yêu tha thiết dành cho Giáo hội, cho quê hương và cho đồng bào mình.
Khoảng hơn 20 năm trở lại đây, tôi mới có những lần gặp ngài chính thức. Trong những dịp như thế, ngài đều trò chuyện có chủ đích rõ ràng chứ không chỉ thăm hỏi xã giao. Đề tài thường xoay quanh “dấu chỉ thời đại”, nhìn vào thời cuộc để nhận biết ý Chúa… Theo gương Chúa Giêsu, Đức Maria và các thánh để học cách thi hành ý Chúa.
Tôi nhớ mấy lần tháp tùng Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đến thăm ngài đang nghỉ hưu tại Tòa Giám mục Long Xuyên, ngài đều tỏ ra rất trân trọng và chờ đợi từ khi được báo tin. Trên đường đi, thỉnh thoảng lại nghe ngài gọi điện thoại hỏi “Đi đến đâu rồi Tùng ơi?”. Khi đoàn đến nơi, đã thấy cụ già ra tận đầu hành lang ngồi sẵn chào đón những người khách trẻ hơn mình.
Lần gần nhất tôi ghé thăm ngài vào chiều ngày 18/4/2024, sau khi kết thúc hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long. Lần này không báo trước mà nếu có báo thì ngài cũng chẳng còn sức ra chờ sẵn ở đầu hành lang nữa. Vẫn thân hình mỏng manh khoác thêm chiếc áo len ấy, giờ nằm gọn trong chiếc ghế xếp. Hơi thở đã yếu nhiều, nhưng giọng ngài vẫn nhẹ nhàng đều đặn với đề tài “TRỞ VỀ”. Có lẽ, đây là đề tài ngài đã có dịp suy gẫm nhiều và kỹ trong chặng cuối của hành trình làm chứng cho Tin Mừng.
Đối với tôi, Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần mãi là một con người trí thức mà khiêm tốn, một mục tử giản dị nhưng sâu sắc. Không biết vì sao ngài từng được gán cho biệt danh “bishop maker”. Có lẽ từ nghi thức truyền chức giám mục cho hai linh mục xuất thân từ Long Xuyên do ngài chủ phong trong cùng ngày 29/6/1999: Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu và Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt. Nhưng có một điều chắc chắn, tư tưởng của ngài, qua các bài giảng hay bài viết, đã ảnh hưởng không ít trên đời sống nhiều tín hữu Công giáo Việt Nam, ngay cả đối với các linh mục và giám mục, trong đó có tôi.
_________
(*) Tên những cuốn sách của ĐGM GB Bùi Tuần
Bình luận