Hơn 60 nhãn hàng lớn, các cơ quan chính phủ và những tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ đã hợp lực thành lập nên “nền kinh tế tuần hoàn” cho bao bì nhựa trên thị trường nước này vào năm 2025.
Hiệp ước Bao bì nhựa Mỹ đã được triển khai vào ngày 25.8, đánh dấu sự cam kết của các nhãn hàng nổi bật như Coca-Cola, Nestlé và Unilever trước các tổ chức vận động môi trường như Ocean Conservancy (Bảo tồn Ðại dương) và Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) về vấn đề rác thải nhựa. Mục tiêu quan trọng nhất của hiệp ước này là giảm mạnh các sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần vào năm 2025.
“Ô nhiễm nhựa là cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu, nhưng cần những giải pháp thực tế ở từng địa phương, và Mỹ thuộc nhóm mang đến cơ hội lớn nhất cho nỗ lực giải quyết rác nhựa, vì những hành động can thiệp ở nước này đủ sức lan tỏa khắp thế giới”, theo ông Erin Simon, người chuyên trách vấn đề Rác thải nhựa và Doanh nghiệp của WWF. “Ðể đạt được mục tiêu trên, WWF xem Hiệp ước Bao bì nhựa Mỹ như là cầu nối then chốt kết nối các bên liên quan, bao gồm giới lãnh đạo các ngành công nghiệp, những hệ thống quản lý rác rải và giới hoạch định chính sách, và cùng hành động với mọi mục tiêu chung, nhằm tạo ra tác động đáng kể và có ý nghĩa”, ông Simon nhấn mạnh.
Kế hoạch hành động dựa trên hiệp ước mới bao gồm 4 bước. Ðầu tiên, các bên vào năm 2021 lên đầy đủ danh sách các bao bì nhựa không cần thiết và ngừng sử dụng chúng vào năm 2025. Thứ hai, vào năm 2025 phải đảm bảo toàn bộ bao bì nhựa được sử dụng đều có thể tái chế, tái sử dụng hoặc phân rã được. Thứ ba, thúc đẩy nỗ lực phân rã hoặc tái chế 50% số bao bì nhựa vào năm 2025. Cuối cùng, đảm bảo số bao bì nhựa lưu hành trên thị trường phải cấu tạo một phần từ nhựa tái chế (30%) trong 5 năm tới. Hiệp ước đã được công bố tại một sự kiện trực tuyến mang tên Circularity20, nhằm liên kết hơn 10.000 chuyên gia thuộc các ngành nghề, chia sẻ thông tin và nguồn lực để phát triển “nền kinh tế tuần hoàn”.
Hiệp ước Bao bì nhựa Mỹ là sáng kiến mới nhất trong nỗ lực thúc đẩy ký kết và phát triển mạng lưới hiệp ước toàn cầu do Tổ chức Ellen MacArthur, trụ sở tại Anh, triển khai. Trước khi lan đến Mỹ, phong trào này đã xuất hiện ở Chile, Pháp, Hà Lan, Bồ Ðào Nha, Nam Phi và Mỹ, bên cạnh Hiệp ước Nhựa châu Âu. Chẳng hạn, hiệp ước ở Anh được thi hành từ tháng 4.2018 với các mục tiêu tương tự Mỹ, nhằm giảm số lượng bao bì nhựa sử dụng một lần vào năm 2025. Trong một biện pháp mới nhất, chính phủ Anh công bố quyết định tăng giá gấp đôi với bịch nylon trên toàn quốc, từ 5 lên 10 xu, nhằm giảm rác thải trong các hoạt động thường ngày của người dân.
Mỹ là quốc gia thải rác nhựa nhiều thứ hai trên thế giới vào năm 2010 (38 triệu tấn), chỉ sau Trung Quốc (gần 60 triệu tấn), theo số liệu của tổ chức Our World in Data. Nền kinh tế số một thế giới cũng xếp hạng cao về số lượng nhựa theo đầu người (0,34 kg/ngày). Tính đến năm 2017, chỉ 8,4% số rác nhựa ở Mỹ được tái chế, theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA). Trước tình hình cấp bách trên, bang California đang đi đầu trong nỗ lực loại bỏ rác nhựa sử dụng một lần ở Mỹ. Theo đó, dự luật giảm 75% số lượng rác thải dạng này vào năm 2032 vừa được nghị viện bang thông qua, và dự kiến sẽ được Thống đốc Gavin Newsom sớm ký thành luật. Dự luật ghi rõ đến năm 2030, toàn bộ các nhà sản xuất hoạt động tại địa bàn California sẽ phải đảm bảo chế tạo, bán và phân phối bao bì nhựa có thể tái sử dụng hoặc phân hủy được. Hãng nào vi phạm sẽ đối mặt với mức phạt 50.000 USD/ngày.
BẠCH LINH
Bình luận