Trong số 193 quốc gia trên thế giới hiện nay, đã có hơn 150 quốc gia bãi bỏ hoặc không thi hành án tử hình nữa. Xu hướng hiện nay là với thời gian có thêm các nước bãi bỏ hoặc không thi hành án tử hình nữa.
Giáo hội Công giáo cũng như nhiều tổ chức của Giáo hội như Cộng đồng Thánh Egidio tích cực dấn thân cổ võ bãi bỏ án tử hình trên toàn thế giới. Hôm thứ Sáu 20.3.2015, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến phái đoàn của Ủy ban Quốc tế Chống án tử hình, và nhân dịp này ngài tái khẳng định lập trường của Giáo hội Công giáo, theo đó ngày nay án tử hình là điều không thể chấp nhận được. Ngài ca ngợi, cám ơn và khích lệ những người thiện chí đang dấn thân để trong thế giới không còn án tử hình nữa.
Sau đây là thư Đức Thánh Cha Phanxicô trao cho ông Federico Mayor, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Chống án tử hình.
Ông Federico Mayor tại cuộc họp lần thứ 7 ở Oslo, Na Uy |
“Thưa ông Chủ tịch
Với những dòng này, tôi muốn gửi lời chào thăm tất cả các thành viên Ủy ban Quốc tế Chống án tử hình, nhóm các quốc gia hỗ trợ việc bãi bỏ này và những người cộng tác với Ủy ban của ông Chủ tịch. Ngoài ra tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi, cũng như của những người thiện chí, vì sự dấn thân của quí vị cho một thế giới không còn án tử hình, cũng như sự đóng góp để đạt tới việc ngưng toàn diện những vụ hành quyết trên thế giới, nhắm đến sự bãi bỏ án tử hình.
Tôi đã trình bày một số tư tưởng về đề tài này trong thư tôi gửi cho Hiệp hội quốc tế về Hình luật và Hiệp hội Mỹ châu Latinh về Hình luật và Tội phạm học ngày 30.5.2014. Tôi đã có dịp đào sâu đề tài ấy trong diễn văn trước 5 hiệp hội thế giới nghiên cứu về Hình luật, Tội phạm học, Nạn nhân học và Những vấn đề nhà tù, ngày 23.10.2014.
Trong dịp này tôi muốn chia sẻ với quí vị một vài suy tư, qua đó Giáo hội có thể góp phần vào nỗ lực nhân đạo của Ủy ban.
Huấn quyền của Giáo hội đi từ Kinh thánh và kinh nghiệm ngàn đời của Dân Chúa bảo vệ sự sống từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên và bênh vực phẩm giá trọn vẹn của con người vì là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự sống con người là thánh thiêng, vì ngay từ đầu, từ giây phút đầu tiên sau khi được thụ thai, đã là kết quả hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Và từ lúc đó, con người là thụ tạo duy nhất mà Thiên Chúa yêu thương, vì chính con người là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa.
Các nước có thể lấy đi quyền sống bằng án tử hình, hoặc khi họ đưa các dân tộc tới chiến tranh, hay khi họ hành quyết mà không xét xử hoặc chỉ xử án sơ sài. Họ cũng có thể làm người khác chết vì thiếu sót khi không bảo đảm cho những người dân của mình được các phương tiện thiết yếu đối với cuộc sống. Vì thế, cũng như giới răn Chớ giết người đặt ra một giới hạn rõ ràng để bảo đảm giá trị của sự sống con người, thì ngày nay chúng ta cũng phải nói không thể chấp nhận một nền kinh tế loại trừ hoặc bất chính.
Sự sống, nhất là sự sống con người thuộc về một mình Thiên Chúa. Kẻ sát nhân vẫn không bị mất phẩm giá của họ và chính Thiên Chúa là người bảo đảm sự sống ấy. Như thánh Ambrosio đã dạy: Thiên Chúa không muốn trừng phạt Cain về tội giết người, vì Ngài muốn kẻ có tội thống hối chứ không muốn họ phải chết.
Trong một số trường hợp cần chống lại một cách tương ứng một sự gây hấn đang xảy ra để cho kẻ gây hấn khỏi đưa ra một thiệt hại và nhu cầu làm cho hắn không còn khả năng gây hại, có thể làm cho hắn bị loại trừ, đó là trường hợp tự vệ chính đáng. Tuy nhiên, những điều kiện cần thiết để tự vệ chính đáng không được áp dụng cho phương thế xã hội, vì nó có nguy cơ bị giải thích sai. Thực tế là khi áp dụng án tử hình, người ta giết người, không phải vì những hành vi gây hấn ấy đang xảy ra, nhưng vì những thiệt hại đã gây ra trong quá khứ. Ngoài ra người ta áp dụng án tử hình cho những người mà khả năng gây hại của họ không còn nữa, nhưng đã bị loại bỏ và hiện thời họ không còn tự do nữa.
Ngày này án tử hình là điều không thể chấp nhận được cho dù tội của người bị kết án có nặng đến đâu đi nữa. Án này là một sự xúc phạm đến đặc tính bất khả xâm phạm của sự sống và phẩm giá con người, nó trái ngược với ý định của Thiên Chúa về con người, về xã hội và về đức công lý từ bi của Chúa. Nó ngăn cản việc đạt tới bất kỳ mục tiêu chính đáng nào của các hình phạt. Án tử hình không thực thi công lý cho các nạn nhân, nhưng chỉ nuôi dưỡng sự trả thù.
Đối với một Nhà nước pháp quyền, án tử hình là một thất bại, vì nó buộc Nhà nước phải giết người nhân danh công lý. Văn hào Nga Dotstoevski đã viết “Giết kẻ đã giết người là một hình phạt lớn hơn chính tội ác gấp bội. Kẻ giết người nhân danh một bản án thì đáng sợ hơn kẻ giết người phạm một tội ác”. Người ta sẽ không bao giờ đạt tới công lý bằng cách giết người.
Ngày nay án tử hình mất đi mọi tính hợp pháp vì sự chọn lựa thiếu sót của hệ thống hình luật, và vì hệ thống ấy có thể sai lầm trong việc xử án. Công lý loài người là một bất toàn và khi người ta không nhìn nhận mình có thể sai lầm, thì họ có thể biến công lý thành nguồn mạch sinh ra bất công. Với việc thi hành án tử hình, người ta chối bỏ cơ hội cho người bị kết án sửa chữa hoặc đền bù những thiệt hại đã gây ra; cơ hội xưng thú qua đó họ biểu lộ sự hoán cải nội tâm; và nó cũng phủ nhận cơ hội ăn năn là cánh cửa dẫn đến sự hối hận và đền bù, hầu tiến đến cuộc gặp gỡ lòng từ bi yêu thương và chữa lành của Thiên Chúa.
Ngoài ra án tử hình là một biện pháp thông thường mà một số chế độ độc tài và những nhóm cực đoan thường dùng để tiêu diệt những người đối lập chính trị, những người thiểu số và tất cả những thành phần bị họ coi là nguy hiểm hoặc bị coi là một đe dọa cho quyền bính, hoặc cho sự đạt tới những mục tiêu của họ. Cũng như trong những thế kỷ đầu tiên, ngày nay Giáo hội chịu đau khổ vì sự áp dụng những hình phạt ấy cho các vị tử đạo mới của mình.
Án tử hình trái ngược với nghĩa của lòng nhân đạo và lượng từ bi của Thiên Chúa, đây là hai điều phải là mẫu mực cho nền công lý của con người. Án tử hình bao hàm một sự đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hạ giá con người. Và nó cũng bao hàm nỗi lo lắng của tử tội trước khi bị hành quyết và sự chờ đợi kinh khủng của họ từ lúc bị tuyên án cho đến khi thi hành bản án. Đó là một cuộc tra tấn thường kéo dài nhiều năm, nhân danh tiến trình xử án phải phép và nó thường kéo dài nhiều năm trời và thời gian trước khi bị hành quyết nhiều khi làm cho tử tội lâm bệnh hoặc nổi điên.
Tại một số nơi người ta thảo luận về cách thức giết tử tội, như thể vấn đề ở đây là làm sao ra cách thức giết tử tội cho đẹp. Qua dòng lịch sử, người ta bênh vực nhiều phương thức hành quyết vì chúng giảm bớt đau đớn và sự hấp hối của tử tội. Thật ra, không có một hình thức nhân đạo nào để giết một người khác.
Ngày nay không những có những phương thế để đàn áp tội ác một cách hữu hiệu mà không cần phải loại bỏ vĩnh viễn khả năng chuộc tội của những kẻ đã phạm pháp, mà còn có sự nhạy cảm hơn về luân lý đối với giá trị sự sống con người khiến cho ngày càng có nhiều người chống lại án tử hình, và dư luận quần chúng ngày càng ủng hộ những biện pháp nhắm loại bỏ hoặc ngưng thi hành án tử hình.
Đàng khác, án tù chung thân cũng như những bản án lâu dài bao hàm sự kiện người bị kết án không có khả năng dự phóng tương lai trong tự do, có thể bị coi là thứ án tử hình ngụy trang. Vì với những bản án ấy không những người ta tước bỏ tự do của một tù nhân, nhưng còn nhắm làm cho họ không còn hy vọng nữa. Nhưng mặc dù hệ thống hình luật có thể tước bỏ thời gian của người có tội, không bao giờ có thể tước bỏ hy vọng của họ.
Như tôi đã nói trong bài diễn văn 23.10.2014, án tử hình bao hàm sự chối bỏ tình thương đối với kẻ thù mà Tin Mừng rao giảng. Vì thế tất cả các tín hữu Kitô và những người thiện chí ngày nay đều kêu gọi tranh đấu không những để bãi bỏ án tử hình, dù là hợp pháp hay bất hợp pháp, dưới mọi hình thức, nhưng còn làm sao cải tiến những điều kiện giam giữ trong các nhà tù trong niềm tôn trọng nhân phẩm của những người bị tước mất tự do.
Các bạn thân mến, tôi khuyến khích các bạn tiếp tục công việc các bạn đang thực hiện, vì thế giới đang cần những chứng nhân về lòng từ bi thương xót và dịu dàng của Thiên Chúa.
Tôi chào tạm biệt các bạn và phó thác các bạn cho Chúa Giêsu, Đấng trong những ngày sống tại trần thế đã không muốn vì tự vệ mà làm thương tổn những kẻ bách hại Ngài. Ngài đã nói với Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào vỏ”. Ngài đã bị bắt và bị kết án tử hình bất công, và Ngài đồng hóa với mọi tù nhân, dù họ có tội hay không: “Ta ở tù và các con đã đến thăm Ta”. Đứng trước người phụ nữ ngoại tình, Chúa không đặt câu hỏi về tội trạng của bà, nhưng Ngài mời gọi những kẻ cáo buộc bà hãy xét mình trước khi ném đá bà.
Xin Chúa ban cho các bạn ơn khôn ngoan để những hoạt động của các bạn bênh vực việc bãi bỏ hình phạt tàn ác này được thuận lợi và mang nhiều thành quả.
Tôi xin các bạn cầu nguyện cho tôi.
Thân ái
Vatican ngày 20.3.2015
Phanxicô
Bình luận