Đầu tháng 5.2017, xuất phát từ giáo xứ Fatima Bình Triệu, sau một ngày dài lăn bánh, chiếc xe khách đưa chúng tôi đến với phố núi Kon Tum. Đêm xuống, đoàn tá túc tại giáo xứ Tân Hương để hôm sau bắt đầu hành trình đi vào làng người phong cách đó khoảng 50 cây số.
Nhà nguyện của cộng đoàn |
Ông Phạm Văn Lân - Chủ tịch HĐMVGX Fatima Bình Triệu, người có quãng thời gian dài tổ chức đoàn đi bác ái trên vùng đất cao nguyên kể: “Nếu như trước đây, để lên tới làng phong là cả một hành trình đầy vất vả, đẫm mồ hôi thì nay không còn phải chịu cảnh cheo leo như trước”. Thật, các con đường giờ đã trải nhựa, khúc quanh co uốn lượn đã được “bẻ” lại thẳng thớm. Điểm chúng tôi dừng chân là thôn Đăk Dring, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, Kon Tum, vùng đất còn được gọi bằng tên “làng phong”. Già làng A Nue, cũng là một Yao Phu của làng (Yao Phu là đội ngũ đã có từ lâu nơi giáo phận Kontum, trách nhiệm của họ là dạy giáo lý, đồng hành với các tín hữu trong những giai đoạn khó khăn khi mà các linh mục, tu sĩ không đến được với giáo dân, nhất ở vùng sâu, vùng xa) cho hay: “Tổng cộng trong thôn hiện có khoảng 80 gia đình, trên 40 người bị phong, trong đó có 12 bị bệnh nặng. Tính ra tới nay đã thế hệ thứ 4 từ lúc có người đầu tiên mang bệnh”.
Thôn Đăk Dring là nơi sinh sống của đồng bào Xê Đăng, trong đó hầu hết đều là tín hữu Công giáo và hiện là một cộng đoàn thuộc giáo xứ Tea-Rơxa. Hầu hết dân chúng sống bằng nông nghiệp nhưng vì ít đất, cộng với truyền thống canh tác đã lạc hậu nên đời sống gặp nhiều khó khăn, gia đình nào gọi là khá giả cũng chỉ đủ lo cái ăn qua ngày. Mấy nữ tu dòng Thánh Phaolô Kontum đang giúp tại đây nói, nhiều lúc họ phải ra vườn cắt lấy buồng chuối, bầu bí còn non đem đổi gạo. Có hôm bữa cơm chủ yếu là nắm lá khoai mì.
Mọi người ra về với những chiếc gùi chất đầu nhu yếu phẩm |
Để đi đến nơi nhận quà, có người phải cuốc bộ từ lúc 1, 2 giờ sáng vì ở cách xa tới 30, 40 cây số. Tới nơi rồi lại phải cặm cụi đi về với cái bụng trống rỗng. Do đó mấy năm gần đây, song song với việc phát quà, đoàn thiện nguyện còn lo cho bà con một bữa ăn. Tuy chỉ là tô bún chan với nước súp thịt, đơn sơ nhưng ai nấy đều ăn ngon lành. Khi về, dù phải lê đôi chân từng bước một do chiếc gùi trên vai đã được chất đầy gạo, dầu ăn, nước mắm, song nét mặt ai nấy đều mừng vui, bởi đó là hành trang giúp gia đình họ no ấm nhiều ngày.
Phát quà cho các em thiếu nhi làng phong |
Nhằm sẻ chia với giáo dân nơi vùng đất khó, các cá nhân hoặc đoàn thể đã có nhiều cách thức nâng đỡ. Hằng tháng các nữ tu Phaolô hỗ trợ gạo cho bệnh nhân và vừa xây dựng tại đây một nhà tắm và nhà vệ sinh công cộng. Riêng cha sở giáo xứ Tea-Rơxa đang phải coi sóc một vùng rộng lớn nhưng vào thứ ba hằng tuần vẫn đều đặn đến dâng thánh lễ cho bà con. Lớp trẻ sau này được nhiều ân nhân dìu dắt đưa về thành phố học hành hay tìm việc làm để các em có thu nhập.
Thôn Đăk Dring đang từng ngày vươn lên trong cuộc sống với sự trợ giúp của nhiều tấm lòng thiện nguyện.
VÕ QUỚI
Bình luận