Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy: “NOEL là dịp để quan tâm và yêu mến nhau”

Một buổi sáng cuối năm, trời Sài Gòn se se lạnh, chúng tôi gặp linh mục Rôcô Nguyễn Duy đang chậm rãi dạo quanh sân Trung tâm Mục vụ Sài Gòn. Cha vẫn vậy, nhẹ nhàng mà sâu lắng trong những câu chuyện của mình…

Thưa cha, gần đây cha có còn sáng tác thánh ca?

Linh mục Rôcô Nguyễn Duy: Một lần, cách nay khoảng 4 năm, mấy anh em nhạc sĩ đang ngồi trò chuyện với Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, có người cũng hỏi tôi câu hỏi này, tôi chưa kịp trả lời thì Đức cha Giuse nói ngay: “Nhạc luôn có sẵn trong ruột ổng, khi nào cần thì sẽ rút ra mà viết”.

Bây giờ cha thường viết về đề tài gì? Nguồn cảm hứng đó đến với cha như thế nào?

- Những năm gần đây phải lo các hoạt động mục vụ thánh nhạc cho Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ban Mục vụ Thánh nhạc Tổng Giáo phận và sinh hoạt của Trung tâm Mục vụ nên tôi ít có rất thời gian, nên chỉ thường viết những bài thánh ca mới - sau khi đã suy nghĩ và cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể - theo gợi ý và nhu cầu của người khác. Trong đó có 12 bài theo sự chỉ dạy của các Đức cha.

Nhiều tác phẩm của cha được phổ biến rộng rãi trong các cộng đoàn phụng vụ trong và ngoài nước. Có những bài được viết cách đây từ hơn 40 năm trước, rất quen thuộc. Và nhiều người đồng tình rằng nhạc của linh mục Nguyễn Duy chiếm một chỗ đứng riêng trong kho tàng thánh nhạc. Cha nghĩ gì về ý kiến này?

- Anh chị em nhận định như thế vì họ quý mến, nhưng tất cả là hồng ân Chúa ban. Nếu có được như vậy, về phía con người là nhờ công ơn chỉ dạy của cha giáo Kim Long và góp ý của một số anh em nhạc sĩ trong Ban Thánh nhạc.

Đâu là nền tảng sáng tác của một nhạc sĩ Công giáo?

- Nhạc sĩ Công giáo có 2 thành phần: viết nhạc đời cũng có nhiều nhạc sĩ đạo Công giáo, nhưng nhạc sĩ Công giáo viết thánh ca thì cần phải cầu nguyện và suy niệm dựa trên Lời Chúa, các bản văn phụng vụ, suy tư của các thánh, rồi bằng cảm nghiệm trong đời sống đức tin, cậy, mến của chính mình và phải hát đi hát lại, cầu nguyện nhiều lần bằng bài mình đã viết trước khi xin Imprimatur để phổ biến. Bởi thế, thánh ca thực sự không thể là một thứ Mì-Ăn-Liền.

Không chỉ say mê thánh ca mà linh mục Nguyễn Duy còn rất tâm huyết với nghệ thuật thánh và luôn có mặt trong các hoạt động văn hóa nhà đạo

Trong sáng tác thánh ca, ngoài việc tạo nên một giai điệu, tiết tấu cho phù hợp, lời ca còn đóng vai trò rất quan trọng. Xin cha cắt nghĩa thêm cho chúng con về điều này?

- Ngay từ đầu, kho tàng âm nhạc của Giáo hội Công giáo là bình ca. Bình ca là loại nhạc riêng của Hội Thánh trong phụng vụ Rôma. Bản văn phụng vụ có trước, nghĩa là lời có trước và các nhạc sĩ dệt nhạc theo lời ca đã có trong phụng vụ. Vì thế, nhạc vị lời chứ lời không vị nhạc. Phải tôn trọng lời ca một cách tuyệt đối, nhất là những bản văn không được thay thế. Sau Công đồng Vatican II, Giáo hội cho phép dùng tiếng bản xứ để viết những bài thánh ca. Dù viết bằng tiếng bản xứ như chúng ta viết bằng tiếng Việt thì: “Các nhạc sĩ nên tìm cảm hứng nơi Thánh Kinh, nhất là nơi các bản văn phụng vụ để những tác phẩm của họ tuôn tràn từ chính phụng vụ. Ngoài ra, để hợp với phụng vụ, ca từ của bài hát không những phải đúng giáo lý mà còn phải nói lên được đức tin Công giáo. Vì thế, những bài hát trong phụng vụ không bao giờ được phép có những phát biểu sai lạc về đức tin. Nhạc sĩ sáng tác nào biết đặt mình vào trong bầu khí Kinh Thánh, phụng vụ và đức tin thì đó là nhạc sĩ ý thức được hành trình lâu dài của Hội Thánh qua dòng lịch sử loài người, biết đắm mình trong cảm thức của Hội Thánh (sensus Ecclesiae), có khả năng nhận biết chân lý và dùng âm điệu diễn tả được chân lý của mầu nhiệm được cử hành trong phụng vụ. Thể loại âm nhạc không quan trọng, nhưng chính vẻ đẹp phụng vụ phát xuất trực tiếp từ chính mầu nhiệm và thông qua tài năng của người sáng tác được nổi bật lên khi Dân Chúa quy tụ ca hát (x. Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 78).

Thưa cha, khi hát thánh ca, cộng đoàn cần chú ý những gì?

- Hát là cầu nguyện 2 lần, thánh Augustinô nói thế, nên hát một cách tích cực, hát với tâm hồn yêu mến, hết trí khôn và hết sức lực.

Đâu là bài hát được cha viết nhanh nhất?

- Có một số bài tôi viết nhanh lắm, như Lắng nghe Lời Chúa; Đường con đi; Noel về !

Ngược lại, hẳn có những bài cha dụng tâm rất lâu?

- Đúng. Có nhiều bài được viết đi viết lại, hoặc viết lời ca chưa đủ, chưa xong. Đôi lúc nhạc sĩ Phanxicô cũng gợi lên một số ý giúp tôi viết tiếp và viết thêm lời ca.

Riêng các bài Xanh trời Noel, Noel về, Để Chúa đến là những bài nhạc sử dụng nhiều trong mùa Giáng Sinh, cha đã viết trong hoàn cảnh nào?

- Bài Xanh trời Noel tôi viết năm 1990. Năm đó thầy Viết Chung chủ biên một Cassette Tape Thánh ca Giáng Sinh: Noel 90 (ca khúc Giáng Sinh - bìa màu xanh) và thầy nói với tôi viết cho một bài mới. Tôi suy nghĩ và cầu nguyện rồi hình thành bài hát với cái tên Xanh trời Noel, vì từ năm 1975 cho đến thời điểm 1990, chưa có ai được giấy phép để thực hiện băng nhạc Giáng Sinh. Bài này đã được ca sĩ Thế Sơn thể hiện đầu tiên.

Chỉ nhớ Noel về được viết trong dịp chuẩn bị Giáng Sinh khoảng thập niên 1990, khi giáo xứ Phát Diệm - quận Phú Nhuận tổ chức hát thánh ca Giáng Sinh. Các em thiếu nhi phụ trách một tiết mục và nói với tôi viết một bài mới để các em hát mừng Noel về. Tôi nghe nhắc “Noel về” chợt bật lên ý bài hát và viết ngay trong ngày.

Bài Để Chúa đến cũng là bài tôi viết trong khoảng thời gian này. Giúp các em tĩnh tâm Mùa Vọng với đề tài Để Chúa đến, tôi ghi lại những ý chính bằng âm nhạc.

Chúng con được biết cha từng du học tại Mỹ về Mục vụ Thánh nhạc. Thời gian đó chắc chắn để lại trong cha nhiều kỷ niệm và những kinh nghiệm thiêng liêng?

- Vì là du học sinh lần đầu đến Mỹ nên khởi đầu không tránh khỏi bỡ ngỡ và khó khăn trong giao tiếp, ứng xử. Có lần thấy một em nhỏ 3 - 4 tuổi chạy và té bên lề đường khi đi cùng với cha mẹ, theo phản ứng tôi định chạy đến để nâng dậy nhưng người bạn đi bên cạnh vội ngăn lại và cảnh báo coi chừng làm ơn mang oán, để tự bé đứng lên hay để cha mẹ chúng lo.

Mỗi tuần tôi rủ mấy cha và thầy Việt Nam đang học ở Mỹ đi đến một nhà thờ Mỹ dự lễ để tìm hiểu về thánh ca của họ được hát như thế nào. Tôi đã đến những cộng đoàn Công giáo Mỹ gốc Mexicô, gốc Ireland, gốc Ba lan, gốc Phi châu. Mỗi cộng đoàn có những bài thánh ca với những nét riêng của họ, khiến tôi học được nhiều điều. Nói chung, họ chỉ hát cộng đồng vì ca đoàn chỉ có một, hai hay ba người thôi, rất đúng với tinh thần phụng vụ. Cộng đoàn thì tích cực tham gia ca hát.

Từ 8 tháng 12 cho đến 8 tháng 1 năm sau là thời gian nghỉ lễ mừng Noel và Năm Mới. Tôi thường về nghỉ Giáng Sinh ở nhà cô em gái ở Texas. Đường phố, trước mọi nhà riêng rực rỡ ánh đèn. Đêm 24, mọi người rủ nhau đi lễ. Ngoài đường vắng tanh vì trời lạnh hoặc tuyết phủ ở những tiểu bang miền Bắc nước Mỹ. Sau lễ về nhà một thành viên trong gia tộc, tặng quà cho con cháu, dùng một chút tiệc mặn hay ngọt, tùy năm rồi mọi người giải tán.

Thế còn đón Giáng Sinh ở Sài Gòn thì sao ạ?

- Bầu khí Giáng Sinh ở Sài Gòn thật vui, thật ấm áp. Ra đường cũng vui. Lễ xong về nhà quây quần ăn Réveillon, nghe nhạc Noel. Giáng Sinh đối với tôi là dịp để quan tâm và yêu mến nhau.

Mừng Noel ở Trung tâm Mục vụ với các cha giáo có gì đặc biệt, thưa cha?

- Trong đêm 24, các cha thường được mời đi dâng lễ ở các nơi nên nửa đêm gặp ai thì chúc mừng, nhâm nhi chút bánh và giải khát rồi đi ngủ để sáng sớm hôm sau còn phải dâng lễ các nơi khác.

Cha có sắp xếp về bên gia đình trong dịp này?

- Tôi cũng thường hay về gia đình sau khi dâng lễ Đêm Giáng Sinh để chia sẻ niềm vui với anh chị em và các cháu, tạo bầu khí gắn bó hiệp nhất và cùng nhau thưởng thức âm nhạc Noel. Hầu hết anh chị em chúng tôi đều thích và mê nhạc.

Chúng con rất muốn biết thêm về những dự định của cha sắp tới trong việc sáng tác và trong vai trò Thư ký Ủy ban Thánh nhạc?

- Khi nào có Sách Bài Đọc trong Thánh lễ chính thức của HĐGMVN phổ biến, tôi sẽ suy nghĩ, cầu nguyện để dệt nhạc các bài Thánh vịnh Đáp ca. Với vai trò Thư ký hiện nay, tôi và nhạc sĩ Phanxicô đang dự định chuyển ngữ sang tiếng Việt tất cả các văn kiện chính thức của Giáo hội về thánh nhạc để có tài liệu gốc cho việc nghiên cứu thánh nhạc trong phụng vụ.

Chúng con rất vui với buổi trò chuyện thú vị này. Xin chúc cha một mùa Giáng Sinh nhiều niềm vui và những dự định của cha sớm hoàn thành tốt đẹp như thánh ý Chúa!

- Vâng, xin cảm ơn báo CGvDT. Xin gởi lời chúc quý độc giả một Giáng Sinh an lành, được dệt bằng thanh âm của đêm thánh vô cùng!

Linh mục Rôcô Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Kim Duy. Năm 11 tuổi (1965), cha bắt đầu tu học tại TCV Thánh Phaolô Xuân Lộc, nay là Ðại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc. Cha được thụ phong linh mục năm 2000. Cuối năm 2006, cha đảm nhận cương vị Trưởng ban Thánh nhạc TGP.TPHCM, sau đó là Thư ký Ủy ban Thánh nhạc thuộc HÐGMVN. Cha Duy đã sáng tác gần 1.000 bài thánh ca. Trong đó có những khúc ca nổi tiếng như Sống trong niềm vui, Trông cậy Chúa, Cho tình tôi nguyên vẹn, Nếu một lần, Cho con vững tin, Phó thác…

LUÂN NGUYỄN (thực hiện)

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Thánh lễ tạ ơn trùng tu nhà nguyện cổ giáo xứ Hạnh Thông Tây
Thánh lễ tạ ơn trùng tu nhà nguyện cổ giáo xứ Hạnh Thông Tây
Sáng 11.1.2025, Đức Tổng Giám mục TGP TPHCM Giuse Nguyễn Năng đã đến thăm mục vụ và dâng thánh lễ tạ ơn trùng tu nhà nguyện cổ giáo xứ Hạnh Thông Tây.
Ngôi trường “bà sơ”
Ngôi trường “bà sơ”
Trên đời này, dù thế nào đi nữa, tất nhiên tùy hoàn cảnh và góc nhìn của mỗi người, nhưng tôi nghĩ rằng, Thượng đế vốn công bằng, không thiên vị một ai. Ai cũng có được niềm vui sống để rồi bình tâm, vững tin đi qua hành trình...
Giáo xứ Tân Việt, 70 năm một hành trình
Giáo xứ Tân Việt, 70 năm một hành trình
Thánh lễ tạ ơn 70 năm thành lập giáo xứ Tân Việt, giáo hạt Tân Sơn Nhì, TGP TPHCM, đã được cử hành vào Chúa nhật 12.1.2025, do Ðức cha Giuse Bùi Công Trác chủ tế. Sự kiện này góp phần ghi lại dấu ấn đặc biệt, đồng thời nhìn...
Thánh lễ tạ ơn trùng tu nhà nguyện cổ giáo xứ Hạnh Thông Tây
Thánh lễ tạ ơn trùng tu nhà nguyện cổ giáo xứ Hạnh Thông Tây
Sáng 11.1.2025, Đức Tổng Giám mục TGP TPHCM Giuse Nguyễn Năng đã đến thăm mục vụ và dâng thánh lễ tạ ơn trùng tu nhà nguyện cổ giáo xứ Hạnh Thông Tây.
Ngôi trường “bà sơ”
Ngôi trường “bà sơ”
Trên đời này, dù thế nào đi nữa, tất nhiên tùy hoàn cảnh và góc nhìn của mỗi người, nhưng tôi nghĩ rằng, Thượng đế vốn công bằng, không thiên vị một ai. Ai cũng có được niềm vui sống để rồi bình tâm, vững tin đi qua hành trình...
Giáo xứ Tân Việt, 70 năm một hành trình
Giáo xứ Tân Việt, 70 năm một hành trình
Thánh lễ tạ ơn 70 năm thành lập giáo xứ Tân Việt, giáo hạt Tân Sơn Nhì, TGP TPHCM, đã được cử hành vào Chúa nhật 12.1.2025, do Ðức cha Giuse Bùi Công Trác chủ tế. Sự kiện này góp phần ghi lại dấu ấn đặc biệt, đồng thời nhìn...
Sinh viên Công giáo mang Tết đến mái ấm tình thương
Sinh viên Công giáo mang Tết đến mái ấm tình thương
Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2025, nhóm sinh viên Công giáo Thái Bình đã đến mái ấm Vinh Sơn - Phaolô để trao quà xuân cho các em vào trung tuần tháng 1.
Mùa Xuân trên miền truyền giáo
Mùa Xuân trên miền truyền giáo
Đức Tổng Giám mục TGP Hà Nội Giuse Vũ Văn Thiên, ngày 14.1.2025 đã về thăm giáo xứ Đồng Gianh, gởi trao quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực.
Khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2024
Khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2024
Caritas Tổng giáo phận Huế những ngày đầu năm 2025 vẫn tiếp tục lên đường đến với các gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tại gây ra trong năm ngoái, đặc biệt là do mưa lũ hồi tháng 10, bởi bão Trà My.
Thánh lễ an táng Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu
Thánh lễ an táng Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu
Sáng ngày 10.1.2025, giáo phận Long Xuyên đã tổ chức thánh lễ an táng Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu.
Lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ giáo xứ Kala
Lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ giáo xứ Kala
Sáng ngày 2.1.2025, Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục giáo phận Đà Lạt đã chủ sự thánh lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ giáo xứ Kala, hạt Di Linh, giáo phận Đà Lạt.
Ban Mục vụ Gia đình TGP Hà Nội tổ chức hành hương Năm Thánh
Ban Mục vụ Gia đình TGP Hà Nội tổ chức hành hương Năm Thánh
Ngày 4.1.2025, Ban Mục vụ Gia đình TGP Hà Nội đã tổ chức hành hương Năm Thánh cấp giáo phận tại Trung tâm Hành hương toàn quốc kính các Thánh Tử đạo Việt Nam