Phương Thị Tuyết Linh không chỉ vào bếp mỗi ngày cho bữa cơm của gia đình mình, mà nhiều lần còn tự tay nấu hàng trăm phần ăn phục vụ cho người khó khăn. Câu hỏi “hôm nay nên nấu gì cho người nhận ăn ngon và vui?” đã thôi thúc Linh suốt chục năm qua.
BẾP ĂN 0 ĐỒNG BẬN RỘN
Mời khách ly nước cam từ quầy bán mang đi trong khoảng sân nhà đối xéo một trường đại học tại Gò Vấp, Linh vào thẳng câu chuyện đi nấu cơm cho người khó khăn. Chị kể, khi chưa lập gia đình và “trẻ” hơn bây giờ chục tuổi, đã có những lần một mình đi tặng cơm hoặc đồ ăn cho người nghèo, người vô gia cư: “Lúc đó, lâu lâu em chỉ có thể nấu đâu đó chục phần, rồi dần dần tăng thêm và cũng tăng dần luôn tần suất nấu. Tiền nấu cơm tặng trích từ thu nhập của em mỗi tháng. Sau này em có thêm bạn bè, gia đình đồng hành. Bạn trai của em cũng ủng hộ và phụ với em. Kết hôn xong, anh ấy giúp em nhiều hơn nữa, từ chuyện đứng bếp, vận chuyển, phục vụ…”.
Bếp của Linh “phình” to theo thời gian, và cô gái trẻ cũng dần tìm ra con đường riêng cho ước nguyện thúc đẩy bản thân vào bếp. Thật ra, hơn mười năm qua, có ai hỏi vì sao cô thích nấu cho người dưng miễn phí như vậy, ngồi ngẫm mãi, Linh thấy chỉ có thể trả lời “vì cảm thấy vui và hạnh phúc khi san sẻ”.
Linh cười rạng rỡ, nói vui rằng có nhiều người ngầm “theo dõi” mình lắm. Nhờ sự dõi theo này mà Linh được cha Giuse Nguyễn Tiến Khiêm, dòng Scalabrini tin tưởng mời gọi làm trưởng nhóm Bếp 0 đồng của Hội Nhân Ái Scalabrini gần một năm nay. Bếp cơm được đặt tại ngôi nhà mà Linh và gia đình đang buôn bán, với lịch tặng cơm vào Chúa nhật hằng tuần, bởi địa điểm này gần với trường đại học và khu đông dân cư. Mỗi khi bếp đỏ lửa sẽ có 500 - 600 phần ăn ngon lành được cho đi, nên thường ngoài 4 thành viên chủ chốt, sẽ có một số cá nhân tự nguyện đến chung tay. Họ là những người biết đến bếp qua nhiều kênh khác nhau, một số không ít là sinh viên đến từ các lưu xá, nên trở thành điểm hẹn gắn kết được nhiều bạn trẻ. Phần lớn cơm được phát tại chỗ dành cho người khó khăn, số còn lại vợ chồng Linh chở đến phát tại “Ngôi nhà chung cho bệnh nhân lưu trú điều trị ung bướu” ở Thủ Đức. Nguồn kinh phí của bếp 0 đồng này do một số người hảo tâm đóng góp và cha Khiêm “rót” vào. Nhớ có lần, người viết từng được cha Khiêm chia sẻ về vợ chồng Linh: “Cặp đôi này rất đặc biệt bởi tấm lòng và sự đồng lòng hiếm thấy. Không phải họ quá giàu có, nhưng luôn biết cho đi”.
Hiện tại, ngoài bếp 0 đồng vào cuối tuần, Linh vẫn duy trì bếp từ thiện của gia đình mình dành cho một số mái ấm. Ghé đến nhiều nhất và đều đặn mỗi tháng 1-2 lần là mái ấm Nhân Hậu dành cho người già neo đơn (Bình Dương) và mái ấm Thiên Phước (Q.12 - TPHCM) nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật. Cũng thỉnh thoảng Linh mang bếp của mình đi tỉnh xa. “Thích là đi, có tiền là đi”, Linh nói về lịch trình tất bật bếp núc. Và thực sự, ngày càng có nhiều người mong ngóng Linh khệ nệ đến bày biện nấu nướng, bởi Linh luôn nấu món họ thèm.
“BÀ ĐANG THÈM MÓN GÌ NHẤT VẬY?”
Với bà nội trợ, không có gì nhức đầu cho bằng nghĩ xem sẽ nấu món gì và cách để người ta ngon miệng, nhất là được ăn ngay món mình thèm. Cho nên, mỗi lần phục vụ các bà, các em nhỏ ở mái ấm ăn uống xong, Linh sẽ đi hỏi thăm “món thèm” cho lần nấu ăn tiếp đến. Chị nói: “Người già, người bệnh ung thư… sống hôm nay không biết ngày mai có còn nên mình hỏi để họ có thể ăn mà cảm thấy ngon, thấy thích”.
Rồi bếp của Linh có bún riêu, bún bò, bánh xèo, bún thịt nướng… và cả bánh tráng trộn, sầu riêng nữa. Tháng trước, Linh kết nối được một tấm lòng khác - người này chuyên trồng sầu riêng, bơ, măng cụt ở Long Khánh dành tặng các mái ấm, bếp ăn thiện nguyện, được 2 tấn sầu riêng. Thế là có cảnh các cụ ở mái ấm hít hà thưởng thức những hộp sầu riêng cơm vàng hấp dẫn. Có cụ níu tay Linh nói giờ có chết cũng mãn nguyện vì được ăn đã thèm. Miếng ăn đối với các cụ, các em nhỏ ở các mái ấm là không thiếu, nhưng đôi khi không phải lúc nào họ cũng có thể mở lời đề xuất thoải mái, nhất là cái sự “thèm sầu riêng”, vốn chỉ dành cho người khá giả. Các nữ tu ở mái ấm Nhân Hậu còn nhớ hoài “sự tích” hai bà cụ xin ra ngoài dạo mát cả nửa ngày không thấy về. Đến khi các dì nháo nhào đi kiếm mới gặp họ đang tần ngần ở quầy bán sầu riêng. Lúc đi, hai bà lận theo một trăm ngàn, nhưng số sầu riêng mua mang về chia cho mấy bà khác cùng ăn lại vượt quá sức số tiền trong túi. Hôm đó, mấy dì phải “giải cứu” hai bà trong cảnh cười ra nước mắt… Có cô bán vé số điều trị bệnh ung thư được Linh tặng sầu riêng, xúc động tới mức nói mình như đang nằm mơ. Đời cô xuôi ngược mưu sinh, có bao giờ dám cầm tiền mua trái sầu riêng ăn đâu. Tụi nhỏ ở mái ấm Thiên Phước thì hóng đợi Linh trộn bánh tráng, vừa ăn vừa hít hà khen “đã”…
Mỗi lần tổ chức nấu ở mái ấm, Linh đi cùng chồng, người chị dâu và vài người nữa. Sau khi mua nguyên liệu thì chở đến mái ấm bày ra nấu nướng. Vừa nấu vừa chạy ra chạy vào trò chuyện với người già, trẻ nhỏ. Ròng rã nhiều năm, các bà, các bé trở nên thân quen với gia đình Linh. Linh còn phụ đút ăn cho nhiều cụ có tình trạng sức khỏe không tốt.
Ở mái ấm nuôi người già thì các bà gọi Linh là “cô Tiên”, qua tới mái ấm thiếu nhi, Linh được tụi nhỏ gọi là “mẹ Linh”. Sự thân tình, niềm ngóng chờ của những “người thân đặc biệt” này là động lực để cô càng vững vàng hơn trong chọn lựa cách sống, cách cho đi.
Minh Hải
Bình luận