Một cái nhìn về giáo hội Việt Nam hôm nay

Về cuối đời, tôi muốn chia sẻ một cái nhìn quan trọng. Đó là cái nhìn của tôi về Giáo hội Việt Nam hôm nay.

Tôi nhìn trong bầu khí cầu nguyện. Đức tin và kinh nghiệm đã giúp cái nhìn này được thanh thản.

Tôi thấy Giáo hội của tôi có bốn vẻ đẹp sau đây:

a) Để tâm huấn luyện đám đông, nhưng cũng rất lo lắng đào tạo một số nhỏ ưu tú.

b) Hy vọng vào giới trẻ, nhưng cũng rất trân trọng giới già.

c) Loan báo Tin Mừng bằng việc bác ái, nhưng bằng Lời Chúa nhiều hơn.

d) Dấn thân cho những hoạt động bên ngoài, nhưng cũng đi vào đời sống nội tâm.

Tôi xin nói qua từng vẻ đẹp :

1/ Giáo hội của đám đông, và của số nhỏ

Thông thường, các giáo xứ và các giáo phận luôn để ý đến việc huấn luyện nhắm vào đám đông. Các báo cáo thường đưa ra những con số : Số sinh hoạt bình thường, số lớp huấn luyện khác thường, số người tham dự. Con số càng lớn càng muốn nói lên sự thành công. Đích nhắm tới xem ra là lượng.

Đang khi đó, nhiều nơi rất để ý đào tạo về phẩm. Phẩm gồm nhân bản được thanh luyện, kiến thức được nâng lên, đạo đức được vững bền. Đặc biệt là số nhỏ đó được thuộc trọn về Chúa, nên người của Chúa. Họ sống tinh thần khó nghèo Phúc Âm, nhờ đó cái tôi của mình không còn bị trói buộc vào những thói xấu xác thịt và tinh thần thế tục, nhưng được tự do để vâng phục thánh ý Chúa.

Cựu Ước có một trường hợp tỏ cho thấy Chúa cứu dân Người không bằng số lượng lớn, nhưng bằng con số nhỏ mà cao về phẩm. Đó là trường hợp tướng Ghít-ôn. Từ mấy chục ngàn quân rút xuống 10.000. Nhưng Chúa vẫn cho là còn quá đông. Qua thử thách chỉ còn 300 quân. Với số nhỏ này, Chúa đã cho dân Chúa thắng Mađian một trận lớn (x. Tl 7,1-25).

2/ Giáo hội của giới trẻ và của giới già

Hiện nay, đời cũng như đạo hay đề cao giới trẻ, tự hào về những lãnh đạo trẻ. Đó là chuyện tất nhiên.

Nhưng khi nhìn vào các giáo xứ, người ta thấy giới cao niên vẫn là những người bảo vệ tốt các giá trị đạo đức. Tại nhiều gia đình, nhân tố cứu được truyền thống đức tin chính là những bậc cao tuổi thuộc thế hệ ông bà hay cha mẹ lớn tuổi. Tại nhiều địa phương, nếu không có những người lớn tuổi, nhất là cao tuổi, thì nhà thờ sẽ dễ rơi vào cảnh trống vắng.

Trong Tân Ước, hai ông bà già Giacaria và Isave đã được Chúa chọn để mở đầu cho một giai đoạn mới của lịch sử cứu độ. Nhờ phép lạ, hai ông bà già đã sinh ra Gioan Baotixita, đấng dọn đường cho Đấng Cứu thế (x.Lc 1,5-25).

3/ Giáo hội của công việc bác ái và của Lời Chúa

Khắp nơi trên toàn cõi Giáo hội Việt Nam hôm nay, người ta thấy hai hoạt động đi song song. Không nơi nào chỉ loan báo Tin Mừng duy bằng các hoạt động bác ái, cũng không nơi nào chỉ loan báo Tin Mừng duy bằng Lời Chúa. Cả hai bổ túc cho nhau.

Trong Phúc Âm, ban đầu Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng bằng đề cao những việc bác ái. Người trả lời với các đầy tớ thánh Gioan Baotixita rằng : Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, người nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5).

Nhưng về cuối đời, Đức Kitô rất nhấn mạnh đến việc đón nhận lời của Người : “Ai nghe những lời Ta nói, mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đến không để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối Ta và không đón nhận lời Ta, thì có quan tòa xét xử người ấy. Chính lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Thật vậy, không phải Ta tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai Ta, truyền lệnh cho Ta phải nói gì, tuyên bố gì” (Ga 12,47-49).

Tin vào Lời Chúa, Giáo hội Việt Nam hôm nay rất đề cao mục vụ Lời Chúa.

4/ Giáo hội của hoạt động bên ngoài và của đời sống nội tâm

Nhiều nơi đang bị lôi cuốn vào những tổ chức và sinh hoạt bên ngoài, sao cho hoành tráng, xôm tụ. Nhưng hầu như mọi nơi hiện nay đều đã thức tỉnh. Dấn thân vào những cái bề ngoài đó không phải xấu. Nhưng đạo sẽ dễ trở nên trống trải và bị tục hóa, nếu dửng dưng với đời sống nội tâm.

Đời sống nội tâm là đời sống thể hiện lời Chúa Giêsu dạy : “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).

Khi đi sâu vào đời sống nội tâm, người tín hữu sẽ phân định được dần dần dung mạo thực của Thiên Chúa. Người là tình yêu. Người đã thương yêu ta trước. Người không thuộc về một phạm trù nào của ngôn từ thế gian. Người là Đấng thiêng liêng hằng sống. Người tìm gọi ta. Ta cần biết lắng nghe và đón nhận tình yêu của Người. Tất nhiên sa mạc tâm hồn là nơi thuận tiện nhất.

Trên đây là những vẻ đẹp tuyệt vời. Những vẻ đẹp này không đồng đều ở mọi nơi. Nhìn sâu mới thấy. Nhìn chung sẽ rõ.

Những vẻ đẹp này chứng tỏ Giáo hội Việt Nam đã vượt qua những khó khăn. Trong sự vượt qua thiêng liêng này, tôi nhìn thấy vô số tâm hồn dâng hiến, gắn bó với Chúa và thiết tha với Quê Hương.

Tất cả đều giúp tôi vững tin vào lời Chúa Giêsu đã hứa : Và Ta, Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Chúng ta tha thiết cầu xin Chúa thương ban cho Giáo hội Việt Nam vượt qua được những thử thách mới, nhất là những thử thách nội bộ, xem ra đang có chiều hướng gia tăng.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Chúa Phục sinh dạy tôi hãy khiêm nhường
Chúa Phục sinh dạy tôi hãy khiêm nhường
Một lần nọ, Chúa cho tôi nhìn thấy tình hình phần rỗi các linh hồn đang diễn tiến rất thê thảm. Các cơn cám dỗ đủ thứ như những loại lưới dày đặc trùm phủ nhân loại, vây bắt các linh hồn.
Cứu giúp kẻ trong hoàn cảnh khó khăn
Cứu giúp kẻ trong hoàn cảnh khó khăn
Tại địa phương tôi đang ở, vốn có thói quen tốt này hay được kể trên báo chí và truyền hình. Thói quen tốt đó là cứu giúp những kẻ trong cảnh khó khăn.
Hành trình của những thao thức
Hành trình của những thao thức
Với tâm tình tạ ơn, tôi xin chia sẻ đôi chút về tình yêu xót thương Chúa đã dành cho tôi, cách riêng trong suốt cuộc đời giám mục.
Chúa Phục sinh dạy tôi hãy khiêm nhường
Chúa Phục sinh dạy tôi hãy khiêm nhường
Một lần nọ, Chúa cho tôi nhìn thấy tình hình phần rỗi các linh hồn đang diễn tiến rất thê thảm. Các cơn cám dỗ đủ thứ như những loại lưới dày đặc trùm phủ nhân loại, vây bắt các linh hồn.
Cứu giúp kẻ trong hoàn cảnh khó khăn
Cứu giúp kẻ trong hoàn cảnh khó khăn
Tại địa phương tôi đang ở, vốn có thói quen tốt này hay được kể trên báo chí và truyền hình. Thói quen tốt đó là cứu giúp những kẻ trong cảnh khó khăn.
Hành trình của những thao thức
Hành trình của những thao thức
Với tâm tình tạ ơn, tôi xin chia sẻ đôi chút về tình yêu xót thương Chúa đã dành cho tôi, cách riêng trong suốt cuộc đời giám mục.
Những kẻ cứng lòng
Những kẻ cứng lòng
Điều mà đoạn văn trên đây làm tôi sợ hãi là: Ngay trước khi sai nhóm Mười Một đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khiển trách các ông là những kẻ cứng lòng.
Chúa Phục Sinh dạy tôi hãy khiêm nhường
Chúa Phục Sinh dạy tôi hãy khiêm nhường
Mấy ngày nay, tôi cầu nguyện rất nhiều với Chúa Giêsu Phục Sinh.
Lòng thương xót là lương thực hằng ngày
Lòng thương xót là lương thực hằng ngày
Kinh Lạy Cha có câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Câu đó tôi thuộc lòng từ nhỏ. Có thể nói: Chính lời cầu đó đã trở thành lương thực hằng ngày của tôi.
Chúa Phục Sinh đã đến với tôi
Chúa Phục Sinh đã đến với tôi
Một niềm vui tôi định giấu, nhưng Chúa dạy tôi là nên nói ra, đó là sự kiện Chúa Phục Sinh đến với tôi.
Ðức Mẹ thúc giục tôi nhắc nhớ sứ điệp sám hối
Ðức Mẹ thúc giục tôi nhắc nhớ sứ điệp sám hối
Thời sự Giáo hội hiện nay đặt nặng trách nhiệm cảnh báo những thách đố sắp tới, và con cái Giáo hội là chúng ta không thể dửng dưng.
Tham dự tích cực vào cuộc thương khó của Chúa cứu thế
Tham dự tích cực vào cuộc thương khó của Chúa cứu thế
Khi được gọi nhận chức thánh linh mục cũng như khi vâng lời nhận chức vụ Giám mục, tôi tự nhiên nghĩ ngay đến sự tôi sẽ tham dự vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu.