Những ngày này, tôi nhớ về thời điểm cách đây một năm, khi tham gia phục vụ ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Thời gian đó, có những lúc kết thúc một ngày làm việc, lên giường ngủ mà tôi không thể chợp mắt được. Trong đầu tôi cứ hiện lên phòng bệnh; những bệnh nhân với mớ dây gắn chằng chịt trên người, đau đớn, mê man; những gương mặt mệt mỏi của các y bác sĩ vì cố gắng cấp cứu, chữa trị cho bệnh nhân. Tôi tự hỏi, phải chăng đó là khuôn mặt của Chúa Giêsu lúc chịu khổ giá?
Khi phục vụ ở Khoa Cấp cứu, mỗi khi bước vào phòng bệnh, việc đầu tiên của tôi là đi đến từng giường của bệnh nhân và dâng lên Chúa lời cầu nguyện, xin Ngài nâng đỡ họ. Đa số bệnh nhân đều hôn mê. Chỉ có một, hai người tỉnh táo có thể nói chuyện. Nhưng những lời họ nói lại khiến tôi nhói lòng.
Đó là bác Hưng, ở giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang. Tình trạng của bác thì lúc tỉnh lúc mê, số điện thoại của người thân bác cũng không nhớ chính xác. Vậy mà bác vẫn nhờ tôi nhắn gởi với gia đình là bác không sao, đừng có lo… Hay có một cô ở quận 12, khoảng hơn 45 tuổi, mới nhập viện nên còn khỏe. Cô không chịu nằm mà cứ ngồi đó. Tôi đến hỏi thăm thì cô bật khóc nói nhớ nhà, nhớ người thân. Còn khi tôi tới lau người cho một bác cựu chiến binh, thì bác thều thào bảo: “Cổ họng đau lắm. Trong phổi như có lửa đốt, nóng lắm… Là cựu chiến binh, bao nhiêu cực khổ tôi cũng chịu được, nhưng nay lại không chịu nổi con siêu vi này”.
Tôi thấy nhiều bệnh nhân hôn mê nhưng vẫn cảm nhận được khi có người đến chăm sóc. Nước mắt họ trào ra 2 bên, khiến sống mũi của tôi cũng cay cay vì xúc động. Tôi cảm nhận được sự bất lực của thân xác bệnh nhân.
Có rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng Công giáo của bệnh viện Gia Định làm việc ở đây. Họ làm việc rất có tâm, không ngại tiếp xúc với bệnh nhân nên khó tránh khỏi việc bị lây nhiễm. Có một vị bác sĩ còn chia sẻ với tôi là muốn học Thần học sau khi hết dịch.
Mỗi ngày, đội ngũ y bác sĩ đều phải căng mình giành lại sự sống cho từng bệnh nhân. Họ vừa cấp cứu xong ca này, thì lại chuyển qua ca khác bị ngưng thở. Tôi thấy êkíp ai cũng căng thẳng, nhanh chóng thao tác cấp cứu để người bệnh thở lại, những giọt mồ hôi nhỏ ra ngoài bộ đồ bảo hộ. Tôi đứng lặng người, cảm nhận rõ rệt một cuộc chiến đấu giữa sinh và tử.
Xuyên suốt trong lúc làm việc, anh em tu sĩ không ngừng dâng lên Chúa những lời cầu nguyện, những câu kinh âm thầm. Chúng tôi xin Chúa nâng đỡ các bệnh nhân đang đau khổ vì bệnh tật, xin Chúa đón nhận các linh hồn vừa lìa khỏi xác và xin Chúa gìn giữ các y bác sĩ để họ cứu chữa cho bệnh nhân.
Tu sĩ Antôn Chung Chí Tâm,
dòng La San Việt Nam
Ngọc Lan (ghi)
Bình luận