“Ngày tôi từ giã gia đình để vào nhà dòng, ba sốc, dù trước đó ba ủng hộ ý định đi tu của con gái. Ðến bây giờ, hình ảnh của ba mẹ ngày nào vẫn còn in sâu…”, đó là lời chia sẻ của nữ tu Elizabeth Trần Thị Quỳnh Giao, nguyên Giám tỉnh dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ.
Sau 2 nhiệm kỳ phụ trách nhà dòng, nữ tu Elizabeth Quỳnh Giao được Ðức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội đề nghị đảm nhận việc đào tạo tu đoàn Truyền Tin do chính ngài sáng lập. Suốt 12 năm, đến năm 2016, nữ tu tạm dừng phụ trách khi cộng đoàn có những bước phát triển và trở về hẳn với công việc dịch thuật, vốn là niềm đam mê của sơ và đã chuyển ngữ gần trăm đầu sách giá trị. Hẹn gặp bà là điều không dễ vì theo lời của các chị trong cộng đoàn, ở tuổi 76, vị nguyên giám tỉnh còn nhiệt thành, miệt mài với nhiều công việc. Lịch làm việc của nữ tu khá bận rộn. Dù vậy, qua hồi thuyết phục, dì cũng đã dành cho Công giáo và Dân tộc buổi trò chuyện. Nơi đây, ký ức về hành trình ơn gọi bất chợt ùa về…
Nữ tu Elizabeth Trần Thị Quỳnh Giao |
1.
Ít ai biết rằng dịch giả quyển sách “Giáo hội mà tôi mong đợi” sinh trưởng trong gia đình có 10 anh em và 4 người trong số đó chọn đời sống thánh hiến. Là con thứ ba, sống trong gia đình nền nếp, lại có sự ủng hộ của ba mẹ, có lẽ vì thế mà từ rất sớm, dì đã theo đuổi ơn gọi. Bây giờ, khi nghĩ lại, nữ tu Quỳnh Giao khẳng định việc dấn thân theo Chúa là chọn lựa kỹ càng và chín chắn, cho dẫu khi ấy chỉ là một cô bé nữ sinh trung học. Về lựa chọn thiêng liêng này, theo dì, gia đình có một vai trò rất quan trọng: “Trước hết là ở việc giáo dục con cái. Ba mẹ tôi rất quan tâm đến việc làm sao để các con học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa và tạo điều kiện để anh em chúng tôi có thể tiếp xúc những môi trường giáo dục tối ưu. Từ khi con còn nhỏ, ba đã có ý hướng gởi đi du học. Còn việc chọn đi nước nào, học gì thì tùy ý nguyện và khả năng. Trong sinh hoạt gia đình, ba mẹ chú trọng giáo dục nhân bản, theo sát từng người con. Ðặc biệt, các ngài khuyến khích con cái dâng mình”. Trong nhà, ngoài dì còn có hai anh chị lớn đi tu : Một theo dòng Chúa Cứu Thế và người còn lại được đánh động bởi linh đạo các nữ tu Xitô; người em thứ sáu cũng từng tu học tại dòng Chúa Cứu Thế nhưng Chúa đã gọi về khi làm thầy.
Trò chuyện với chúng tôi vào một sáng chớm lạnh của Sài Gòn càng làm người ta dễ se lòng: “Suốt con đường mà tôi dấn bước luôn có gia đình đồng hành, nhất là ba”, dì nói. Bên ly trà ấm, hình ảnh về người cha giàu lòng yêu thương sống dậy. Dì bảo ba hay gọi mình với cái cách thân mật là “nhỏ”, theo cái nghĩa nhỏ bé, nhỏ xinh: “Mười mấy tuổi ba đã làm passport chuẩn bị gởi tôi đi du học. Ba đưa cho con gái và kêu con cất, suy nghĩ xem đi nước nào. Tôi cũng nghe nhưng sau đó lén xé đi. Vì sợ mất ơn gọi. Mà cũng chẳng dám thưa chuyện với ba mình sẽ đi tu. Cứ tìm hiểu…”. Những mẩu chuyện ngổn ngang dần tuôn theo xúc cảm. Rồi người nữ tu lại nói kỷ niệm về người chị. Năm cô bé Quỳnh Giao 13 tuổi là lúc chị hai du học Anh. Buổi tiễn đưa, “nhỏ” đã giúi vào túi áo chị tâm thư vẻn vẹn hai từ: “đi tu”, với ý mong chị giúp. Dần về sau, cả nhà hiểu ra ước vọng của “nhỏ”. Các anh em ngỡ ngàng. Còn ông bà cố lặng lẽ dõi theo…
2.
“Ba là người mạnh mẽ nhất, vậy mà cũng có những phút yếu lòng”, nữ tu chia sẻ. Dì kể hôm trước ngày chia tay gia đình để vào tập viện, ông cố đã không giữ được bình tĩnh: “Ông xúc động, nhịn ăn, thậm chí nổi giận vô cớ. Làm những điều mà trước đây chưa từng làm”. Ông có thói quen mỗi khuya khi các con đã say giấc thì lẳng lặng vào phòng từng người đóng cửa, sửa chăn cho ấm. Vậy mà đêm đó, vào đến phòng dì khi nhìn thấy các cửa đã khép chặt, ông lại mở toang ra. “Nằm trên giường lặng im, tôi biết là ba rất buồn. Buồn lắm chứ. Tuy ba là người ủng hộ con đi tu nhưng làm sao khỏi sốc cho được. Thế mới biết ba mẹ hy sinh biết chừng nào. Ðến hôm đưa con gái gia nhập tập viện tại Ðà Lạt, ba tận tay dẫn ‘nhỏ’ đến các cửa hàng quần áo, giày dép, chăn mền… chọn lựa những đồ dùng ‘đẹp nhất và giá cao nhất’. Chính tôi cũng không biết rằng sau khi tiễn chân, trên đường từ Ðà Lạt về Sài Gòn ba khóc ròng suốt mấy tiếng và thất thần mấy tuần, cho đến khi sau này có dịp về nhà nghe mẹ và người thân kể lại”, dì Quỳnh Giao nhớ lại.
Nữ tu Elizabeth Quỳnh Giao tiên khấn năm 1963. Sau đó có thời gian ngắn phục vụ tại Pháp rồi về lại Sài Gòn theo lời mời của Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, phụ trách mục vụ sinh viên. Năm 1969, được khấn trọn. Những cột mốc đáng nhớ của đời dâng hiến dường như luôn có gia đình kề bên, sẻ chia cả về vật chất cũng như tinh thần. Mỗi lần nhà dòng có lễ lạt đặc biệt, ông cố lại cho người chở đầy quà bánh, thức ăn lên nhà dòng gởi tặng con gái và cộng đoàn. Dù đã trưởng thành nhưng khi có dịp về bên cha mẹ, các anh chị em luôn được sự ủi an và những lời khuyên bổ ích. Sự yêu thương, hy sinh của gia đình vì vậy trở thành động lực để thôi thúc phục vụ.
Các thành viên trong đại gia đình sum họp - ảnh: tư liệu gia đình |
Trong suốt câu chuyện, nữ tu Quỳnh Giao cũng nhắc về bà cố với những hình ảnh đầy nhân từ, giản dị. Bà cố hay giúp người nghèo, thậm chí nuôi họ. Bà thường chia sớt cho người thiếu thốn những phần cơm, gạo, những món tiền, quà: “Những khi tâm sự riêng hoặc gặp gỡ chung trong bữa ăn, mẹ thường nhắc nhở các con yêu thương người nghèo. Ba mẹ còn nhấn mạnh tình thương đó phải phát xuất từ cái tâm”. Ngay từ nhỏ, sống trong gia đình trí thức, dì được cha mẹ dặn cư xử tôn trọng trong lời nói cũng như hành động đối với tha nhân, nhất là người rơi vào cảnh đáng thương, tật nguyền. Có lẽ, chính mẫu gương bác ái của ông bà cố là bài học nhân bản đầu tiên và giá trị nhất cho các người con, và cách riêng những người chọn đời sống tu trì, để dù ở đâu, dù làm gì cũng luôn chu toàn trách nhiệm.
Nguyễn Hùng Luân
Bình luận