“Mỗi người trong chúng ta đều nắm lời giải cho người vô gia cư”, đó là câu trả lời của nữ tu Mary Scullion, người đang tiến gần đến mục tiêu xóa sổ tình trạng người sống lang thang ở Philadelphia, Mỹ.
Nữ tu Mary Scullion đang theo đuổi mục tiêu to lớn. Trong vai trò chủ tịch và giám đốc điều hành Dự án HOME, nữ tu 64 tuổi chịu trách nhiệm quản lý tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Philadelphia với ngân sách hằng năm khoảng 30 triệu USD, nhằm chăm sóc và ủng hộ những người vô gia cư tại thành phố thuộc bang Pennsylvania này. Sơ có mặt trong danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất của Tạp chí Time, nhận được vô số giải thưởng và bằng cấp danh giá. Một trong các thành viên của hội đồng quản trị, huyền thoại nhạc rock Mỹ Jon Bon Jovi, là thân hữu của sơ. Lịch trình của nữ tu Mary được sắp xếp trước nhiều tuần và nhiều tháng, đến nỗi báo chí chỉ biết được đến lượt mình phỏng vấn trước 30 phút, theo trang tin Aleteia.
![]() |
Có thể nói, nữ tu Mary là một huyền thoại tại thành phố Philadelphia. Dự án HOME (viết tắt từ cụm từ Mái ấm, Cơ hội làm việc, Chăm sóc sức khỏe và Giáo dục) gần như đã xóa sổ tình trạng vô gia cư ở Philadelphia, và thành tựu này được xem là nhờ vào những phương pháp tiếp cận “khác người” của sơ. Tuy nhiên, khác với hình dung của nhiều người, vị nữ tu rất thân thiện và hòa ái. Sơ tiết lộ châm ngôn hành động cho mọi công việc mình đang theo đuổi chính là: “Không ai trong số chúng ta có thể được xem là có nhà cho đến khi tất cả mọi người đều được an ổn trong các mái ấm”.
Người của cộng đồng
Là con gái của một gia đình di dân Ireland, nữ tu lớn lên tại khu lao động ở miền đông bắc Philadelphia, và điều này hiển nhiên góp phần vào sự đồng cảm mà sơ dành cho những người khốn khó. Nhớ lại những năm tháng đó, sơ cho biết: “Ai nấy trong khu vực mà tôi ở đều gặp khó khăn về tiền bạc. Tôi còn nhỏ nên không nhận ra điều đó, nhưng chúng tôi khi ấy thật sự sống chật vật”. Dù thiếu thốn, “đức tin luôn là một phần quan trọng trong đời sống hằng ngày của chúng tôi”, sơ kể lại, và niềm tin vào Thiên Chúa của vị nữ tu được nuôi dưỡng trong thời gian theo học tại Trường Trung học Công giáo Bông hoa nhỏ dành cho nữ sinh.
![]() |
“Tôi cho rằng, lòng khao khát phục vụ mọi người đã được nhen nhóm và thổi bùng trong giai đoạn trung học”, sơ hồi tưởng và tiết lộ thời điểm đó mình đang tham gia vào nhóm hoạt động vì cộng đồng. Niềm đam mê này tiếp tục phát triển khi cô gái trẻ gia nhập dòng Các Nữ Tu Bác Ái và đăng ký học tại Đại học Thánh Joseph. “Có rất nhiều cơ hội đóng góp cho lòng nhân từ và công lý. Lúc đó tôi cảm thấy rằng chỉ phục vụ không thì chưa đủ, mà còn cần phải cộng tác vào quá trình xây dựng chính sách công cộng đúng đắn”, sơ nói.
Thời khắc quan trọng trong quá trình phát triển ơn gọi của nữ tu Mary là sự kiện Đại hội Thánh thể Quốc tế lần thứ 41 được tổ chức tại Philadelphia vào năm 1976. Đây là lần đầu tiên sơ được nghe hai nữ tu Dorothy Day và Mẹ Têrêsa Calcutta (lúc đó vẫn chưa được nhiều người biết đến) diễn giải về lời nguyện phục vụ người nghèo, những người đang thống khổ và trách nhiệm của Giáo hội trong việc tiến lên để đáp ứng các nhu cầu đó. Không khí của khán phòng vô cùng sôi động, và nữ tu Mary cảm động sâu sắc. “Đó là một ngày tuyệt vời”, sơ nhớ lại. Thế nhưng thời khắc thực sự thay đổi cuộc sống của sơ chính là những lời giảng của linh mục dòng Tên người Tây Ban Nha Pedro Arrupe: “Nếu vẫn còn người bị đói trên thế giới, chúng ta chưa thật sự xứng đáng với Thánh Thể”.
![]() |
Lời giải cho mọi thứ
“Lời nói đó đã tóm gọn mọi thứ cho tôi”, nữ tu Mary giải thích. “Tôi nỗ lực biến sự lột xác của bản thân thành mục tiêu thay đổi xã hội. Sự bất công đối với người nghèo là điều không thể chấp nhận được”. Từ năm 1978, sơ tiếp tục phục vụ những người phải sống lang thang ngoài đường và các bệnh nhân tâm thần; đến năm 1985, đồng sáng lập tổ chức Hy vọng của Phụ nữ, cung cấp nơi ở và sự hỗ trợ cho những phụ nữ tâm thần vô gia cư. Đến năm 1988, nữ tu Mary tiếp tục sáng lập Trung tâm Hợp tác Vươn xa, chương trình phối hợp các nguồn tài nguyên tư nhân và công cộng để vươn đến những người bất hạnh. Đây là chương trình đầu tiên về dạng này tại Mỹ.
Đến năm 1989, nữ tu và bà Joan Dawson McConnon, người rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và kế toán, đã đồng sáng lập Dự án HOME. Dưới sự lãnh đạo của bộ đôi ăn ý này, chỗ mà ban đầu chỉ là nơi ở tạm cho qua mùa đông giờ đây đã phát triển thành hơn 700 đơn vị nhà và 3 doanh nghiệp cung cấp việc làm cho những cư dân giờ đã thoát khỏi cảnh sống vất vưởng lấy đường phố làm nhà. Dự án HOME cũng triển khai sáng kiến chống tình trạng vô gia cư ở khu vực thu nhập thấp thuộc phía bắc Philadelphia; chương trình bao gồm mục tiêu phát triển kinh tế, cho phép người lao động nghèo sở hữu nhà và thành lập Trung tâm Học tập Honickman và Phòng thí nghiệm Công nghệ Comcast Technology (rộng khoảng 0,35 ha), cung cấp nền tảng giáo dục và dạy nghề cho người vô gia cư. Năm 2015, Dự án HOME mở thêm Trung tâm Sức khỏe Stephen Klein cũng nhằm phục vụ người không nhà và nằm ở khu nghèo thứ nhì Philadelphia.
Đối với nữ tu Mary, chìa khóa đến thành công chẳng ở đâu xa, mà phụ thuộc vào khả năng lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch đó. Và trong suốt gần 35 năm, sơ luôn làm mọi việc với tình yêu, lòng kiên nhẫn và thái độ ngoan cường hiếm thấy, trên hết là sự khiêm cung. Trước câu hỏi làm cách nào có thể góp phần mình trong công cuộc vì người nghèo và những người đang chịu cảnh thống khổ, sơ trả lời: “Giải pháp cho sự nghèo đói và không nhà nằm trong tay mọi chúng ta, không chỉ dựa vào tôi hay bất cứ người nào khác”.
GIANG VÔ YÊN
Bình luận