Trong những ngày cuối tháng 7.2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có chuyến làm việc ở châu Âu, trong đó có đến thăm Tòa thánh Vatican. Những năm qua, liên tục có các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Tòa thánh Vatican nhằm xúc tiến mối quan hệ ngoại giao hai nước. Xin điểm lại một số cột mốc đáng chú ý.
Không kể chuyến sang Việt Nam đầu tiên sau 1975 của Đức Hồng y Roger Etchegaray - Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình, đặc sứ của ĐTC Gioan Phaolô II - mang tính tìm hiểu bước đầu và thăm xã giao (tháng 7.1989), thì từ tháng 11.1990 đến năm 2008, giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã có 17 lần họp, trao đổi về hoạt động liên quan đến Công giáo, việc phong chức, thuyên chuyển, đào tạo chức sắc, hoạt động mục vụ (2 lần tại Vatican vào năm 1992 và 2005 và 15 lần tại Việt Nam). Thời kỳ này, Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan chủ trì tiếp và làm việc với đại diện Tòa thánh Vatican do các Đức ông Thứ trưởng Ngoại giao Vatican dẫn đầu và quan chức của Bộ Truyền giáo. Nội dung chủ yếu của các cuộc gặp là trao đổi, bàn bạc những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam và những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Sở dĩ lấy cột mốc năm 2008 là vì, từ năm 2008 hai bên đã đồng ý thành lập Tổ Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican để bàn bạc việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican theo một lộ trình được thống nhất (tính đến tháng 3.2023, Tổ Công tác hỗn hợp này đã qua 10 vòng đàm phán và đã đạt được nhiều thành tựu).
Nhiều vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ và lãnh đạo Giáo hội Công giáo hoàn vũ cũng đã có các cuộc thăm, gặp gỡ lẫn nhau. Trong đó, về phía Việt Nam thăm Vatican phải kể đến chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1.2013. Tại Vatican sáng 22.1.2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã tiếp kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với phái đoàn cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam viếng thăm một số nước Tây Âu. Đức Giáo Hoàng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến riêng trong khoảng nửa giờ đồng hồ. Trong dịp này, phái đoàn của Tổng Bí thư cũng đã gặp gỡ và hội kiến Đức Hồng y Tarcisio Bertone - Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám mục Dominique Mamberti - Ngoại trưởng Tòa Thánh, cùng với một số thành viên thuộc Bộ Ngoại giao của Tòa thánh Vatican thời điểm đó.Sau cuộc gặp, Phòng Báo chí Tòa thánh Vatican đã phát đi thông cáo chính thức đánh giá cao kết quả chuyến thăm, làm việc này: “Đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam đã gặp Đức Giáo Hoàng và các quan chức cấp cao của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Trong các cuộc hội đàm những vấn đề mà Việt Nam và Tòa Thánh quan tâm đã được nêu ra với hy vọng chẳng bao lâu sẽ tìm được giải pháp để có thể tăng cường mối quan hệ song phương”.
Trước đó, vào ngày 25.1.2007, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến thăm Vatican, kể từ sau năm 1975. Ðức Bênêđíctô XVI đã có buổi trao đổi riêng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khoảng 25 phút, trong thư viện riêng của ngài. Ðức Thánh Cha cũng gặp chung phái đoàn gồm có 9 người. Trong buổi trao đổi, hai bên đã thảo luận về những vấn đề còn mở ngỏ mà hai bên ước mong sẽ được bàn đến và giải quyết nhờ qua những con đường đối thoại và hy vọng sẽ dẫn đến một sự cộng tác có kết quả giữa Giáo hội và Nhà nước Việt Nam.
Năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, vào chiều 11.12. Chủ tịch nước khẳng định với Đức Giáo Hoàng quan điểm nhất quán của ViệtNamlà thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Vatican trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Tháng 10.2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Vatican lần thứ hai. Lần này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đón tiếp. Hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam và Vatican đã có những bước phát triển tích cực, thể hiện qua các cuộc tiếp xúc ở cấp cao, việc tổ chức và triển khai hiệu quả thỏa thuận tại các cuộc họp Nhóm Công tác hỗn hợp cũng như hoạt động của Đặc phái viên không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam.
Đức Phanxicô tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2014 |
Cũng trong năm 2014 này, vào tháng 3, tại Tòa thánh Vatican, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có buổi hội kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Việt Nam coi trọng phát triển mối quan hệ với Vatican. Thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã có bước tiến triển tích cực trên tinh thần đối thoại thiện chí, xây dựng, tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ hai bên, thể hiện qua việc tiếp xúc hàng năm của các cấp lãnh đạo giữa hai bên, những cuộc họp Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican, cũng như việc Tòa Thánh cử Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam.
Hai năm sau, vào tháng 11.2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp Đức Giáo Hoàng. Cuộc gặp gỡ giữa Ðức Phanxicô và Chủ tịch nước diễn ra gần một tháng sau cuộc họp vòng VI của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican hồi cuối tháng 10 cùng năm, nhằm hướng tới việc chuẩn bị thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánhcho biết: “Trong các cuộc nói chuyện thân mật, hai bên có nhắc đến những quan hệ tốt đẹp hiện có giữa Tòa Thánh và Việt Nam, được hỗ trợ bằng một tinh thần chung đối thoại và liên tục tìm kiếm những phương thế thích hợp hơn để những quan hệ ấy có thể tiến triển thêm, và cũng nêu bật sự cộng tác giữa Giáo hội và Nhà nước Việt Nam trong các lãnh vực khác nhau của xã hội địa phương”.
Ngày 20.10.2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã hội kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô và gặp Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoan nghênh chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, coi đây là bước phát triển mới quan trọng để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Vatican trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã trao đổi ý kiến về quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, khẳng định cần tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao cũng như đối thoại thường xuyên ở các cấp. Hai bên đã thảo luận và thống nhất về phương hướng tăng cường quan hệ, tiến tới nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Vatican từ mức Đặc phái viên không thường trú lên mức Đặc phái viên thường trú.
Trong tiến trình thiết lập mối quan hệ Việt Nam và Tòa thánh Vatican, nhiều đoàn đại diện Tòa thánh Vatican cũng đã đến làm việc tại Việt Nam, cũng như thăm mục vụ và tham gia các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. Tháng 7.1989, lần đầu tiên kể từ khi đất nước thống nhất, đoàn đại diện Tòa thánh Vatican đã thăm Việt Nam. Đoàn do Đức Hồng y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình - đại diện Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II - đã có các cuộc trao đổi với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và thăm một số giáo phận của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Vatican Antoine Camilleri tại Hà Nội vào ngày 18.1.2018, nhân dịp Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican họp vòng VII |
Trong lần làm việc năm 2007 tại Việt Nam do Đức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng Ngoại giao, nay là Quốc vụ khanh Tòa Thánh làm trưởng đoàn, Tòa Thánh đã đề cập việc đặt một đại diện thường trú hoặc không thường trú tại Việt Nam, để thường xuyên có những liên lạc với Giáo hội Công giáo và kịp thời trao đổi với Nhà nước Việt Nam những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam theo từng chủ đề hoặc vụ việc cụ thể. Trên cơ sở này, như đã nêu ở phần trên, từ năm 2008, hai bên đã thống nhất thành lập Tổ Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican để bàn bạc việc thiết lập quan hệ ngoại giao từng bước.
Từ chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của đoàn Tòa thánh Vatican đến Việt Nam năm 1989, đến nay các đoàn Tòa thánh Vatican đã đến thăm và hoạt động mục vụ ở hầu hết các giáo phận, tham dự các hoạt động tôn giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Năm 2005, Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, thăm Việt Nam. Trong dịp này, ngài đã thăm các Tổng Giáo phận Hà Nội, TPHCM và Huế; các giáo phận Hưng Hóa, Xuân Lộc, Bà Rịa và một số Đại Chủng viện. Đức Hồng y đã chủ trì thánh lễ phong chức cho 57 tân linh mục thuộc 8 giáo phận tại nhà thờ lớn Hà Nội; chủ tọa lễ công bố thành lập giáo phận Bà Rịa… Đức Hồng y đã được Phó Thủ tướng Vũ Khoan; ông Ngô Yên Thi, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ và lãnh đạo UBND các tỉnh thành Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM và Đồng Nai tiếp thân mật.
Đức Hồng y Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, đặc sứ của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đến Việt Nam chủ sự lễ bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng giáo phẩm Việt Nam tại La Vang vào đầu năm 2011 và có một số hoạt động nổi bật.
Năm 2015, Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo đã đến thăm mục vụ Giáo hội Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ngài và tin tưởng với chuyến thăm này, Đức Hồng y sẽ thu nhận được nhiều thông tin về đất nước, con người, chính sách tự do tôn giáo và đời sống đạo của người Công giáo Việt Nam.
Phái đoàn Việt Nam và Phái đoàn Vatican tham dự cuộc họp vòng 10 Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican ngày 31.3.2023 |
Thông qua các cuộc viếng thăm và với những kết quả đạt được qua con đường đối thoại, đã tạo cơ hội cho hai bên có điều kiện gần nhau hơn, sự hiểu biết lẫn nhau ngày một tăng theo thời gian, và các kết quả đạt được ngày càng lớn.
Hùng Luân
Bình luận