Theo thống kê năm 2022, Việt Nam có hơn 7.29 triệu tín hữu Công giáo, chiếm tỷ lệ 7.21% tổng dân số. Vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo hoàn vũ sẽ gặp gỡ, làm việc với Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cuộc gặp được diễn ra sau 4 tháng, kể từ khi Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa Thánh Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, Đức ông Miroslaw Wachowski đồng chủ trì đã tổ chức tại Vatican hồi cuối tháng 3.2023. Ở cuộc họp vòng 10 này, hai bên đã trao đổi về tình hình quan hệ Việt Nam - Tòa Thánh Vatican và các vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam - Vatican đạt nhiều tiến triển trong thời gian qua, bao gồm tiếp xúc và tham vấn định kỳ, trao đổi đoàn cấp cao Việt Nam và Tòa Thánh, cũng như các chuyến thăm mục vụ thường xuyên của Đại diện không thường trú, Đặc phái viên Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski. Hai bên đã thảo luận và cơ bản nhất trí về Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú Tòa Thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam.
Về ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam, ngay khi đất nước còn chiến tranh, ngày 14.2.1973, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tiếp chính thức Bộ trưởng Xuân Thủy, trong buổi tiếp, ngài đã đánh giá cao tiến trình hòa giải và hòa hợp dân tộc của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.
Tháng 7.1989, lần đầu tiên kể từ khi đất nước thống nhất, đoàn đại diện Vatican đã có chuyến thăm Việt Nam. Đoàn do Đức Hồng y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình - đại diện Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II - đã có các cuộc trao đổi với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và thăm một số giáo phận của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Từ tháng 11.1990 đến năm 2008, giữa Việt Nam và Vatican đã có 17 lần họp, trao đổi về hoạt động liên quan đến Công giáo; việc phong chức, thuyên chuyển, đào tạo linh mục, tu sĩ; hoạt động mục vụ (2 lần tại Vatican vào năm 1992 và 2005; 15 lần tại Việt Nam).
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, năm 2009 |
Đặc biệt, trong lần làm việc năm 2007 tại Việt Nam do Đức ông Parolin, Thứ trưởng Ngoại giao, nay là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh làm trưởng đoàn, Tòa Thánh đã đề cập đến mong muốn đặt một đại diện thường trú hoặc không thường trú tại Việt Nam, để thường xuyên có những liên lạc với Giáo hội Công giáo và kịp thời trao đổi với Nhà nước Việt Nam những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam theo từng chủ đề hoặc vụ việc cụ thể. Trên cơ sở này, năm 2008, hai bên đã thống nhất thành lập Tổ Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican để bàn bạc việc thiết lập quan hệ ngoại giao từng bước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, năm 2013 |
Đến nay, Tổ công tác Hỗn hợp đã qua 10 vòng đàm phán và đã đạt được kết quả nhất định: Vòng I diễn ra ngày 16-17.2.2009 tại Hà Nội đã mở đầu cho những tiến triển trong quan hệ Việt Nam - Vatican. Trưởng đoàn Vatican là Đức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng Ngoại giao; Trưởng đoàn Việt Nam là Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường. Vòng II diễn ra từ ngày 23-24.6.2010 tại Vatican do Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng Ngoại giao Vatican và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường làm Trưởng đoàn hai bên. Vòng III diễn ra từ ngày 27 đến 28.2.2012 tại Hà Nội, hai trưởng đoàn là Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Vatican Ettore Balestrero. Vòng IV diễn ra tại Vatican từ ngày 13-14.6.2013. Vòng V diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10-11.9.2014. Vòng VI, diễn ra từ ngày 24-26.10.2016 tại Vatican. Vòng VII diễn ra vào ngày 19.12.2018 tại Hà Nội. Cả 4 vòng IV, V, VI, VII, hai trưởng đoàn đều là Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Vatican Antoine Camilleri. Vòng VIII diễn ra từ ngày 21-22.8.2019 tại Vatican, trưởng đoàn Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, trưởng đoàn Vatican là Thứ trưởng Ngoại giao Antoine Camilleri. Vòng IX diễn ra ngày 22.4.2022 tại Hà Nội, hai trưởng đoàn là Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc và Thứ trưởng Ngoại giao Vatican Miroslaw Wachowski. Vòng X diễn ra ngày 31.3.2023 tại Tòa Thánh Vatican, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh - Đức ông Miroslaw Wachowski - đồng chủ trì.
Một phiên thảo luận của Đoàn Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican thúc đẩy ngoại giao hai nước |
Sau những nỗ lực đàm phán, thỏa thuận, hai bên đã thống nhất việc đặt vị Đại diện không thường trú tại Việt Nam. Ngày 13.1.2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, Malaysia, Brunei kiêm Đặc phái viên không thường trú cho Tòa Thánh tại Việt Nam.
Ngày 21.5.2018, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore được bổ nhiệm làm Đại diện không thường trú tại Việt Nam thay Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli cho tới nay. Kể từ năm 2011, khi Tòa Thánh có đại diện không thường trú tại Việt Nam, hai vị Tổng Giám mục đã thực hiện nhiều chuyến thăm viếng, mục vụ tại các giáo phận toàn quốc.
Ngoài ra, lãnh đạo cấp cao hai bên cũng đã có những trao đổi trực tiếp. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã có cuộc gặp gỡ tại Vatican tháng 11.2007, nhân chuyến thăm Cộng hòa Ý. Ngày 11.12.2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thăm Vatican và gặp với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI diễn ra năm 2013 tại Vatican có ý nghĩa quan trọng, lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng đón tiếp người đứng đầu Đảng Cộng sản theo nghi thức nguyên thủ quốc gia. Bên cạnh đó còn có các cuộc gặp giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (22.3.2014); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (18.10.2014); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (24.11.2016); Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (20.10.2018).
Nguyễn Hùng Luân
Bình luận