Giữa một đời sống vội vã, ai cũng có những gánh lo cơm áo riêng tư phải chu toàn và tiến lên, kẻo chậm một nhịp sẽ theo không kịp bước tiến của thời đại. Dù vậy, không ít Kitô hữu trên con đường lữ thứ này chọn nâng đỡ thêm những khó nhọc của người kém may mắn. Câu chuyện về vẻ đẹp của sự tử tế vẫn hiện diện một cách sinh động, muôn màu…
Với chị Phương Thị Tuyết Linh, chở rau cung cấp cho các mái ấm nuôi trẻ nghèo, khuyết tật dù có khi mệt mỏi nhưng vẫn là công việc quen thuộc, không dễ từ bỏ |
BƯỚC CHÂN “ĐI RA VÙNG NGOẠI BIÊN”
Vùng ngoại biên mà chúng tôi muốn nói không phải một thứ biên giới địa lý. Đức Phanxicô, trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng đã kêu gọi toàn thể Dân Chúa trên khắp hoàn vũ mang ánh sáng của Tin Mừng cứu độ, của tình yêu và niềm hạnh phúc đến cho tha nhân, vượt qua sự an toàn để chạm tới những vùng miền dù gần kề bên cuộc sống nhưng ít khi nghĩ đến. Nói thế, ngoại biên có thể hiểu là nơi những người nghèo, bị bỏ rơi, kỳ thị, coi thường; nơi những bất công còn tồn tại và thiếu vắng tình thương. Chúng tôi gặp nhiều thành phần giáo dân, có người còn trẻ, có người đã lớn tuổi, ở thị thành hay miền quê, với những hoàn cảnh khác nhau, song lại tương đồng ở tinh thần ra đi, một khát khao dấn thân. Anh Trần Minh Tuấn, tên thường gọi là A Tào, thành viên nhóm Sinh viên Công giáo Hiệp Thông đã dành gần trọn tuổi trẻ của mình cùng với nhóm để thực hiện dự án mở thư viện cho trẻ em nghèo dân tộc thiểu số tại các giáo xứ thuộc các giáo phận Tây Nguyên. Nhóm các anh đã mở 5 thư viện mang tên Ước mơ. Riêng Ước mơ 5 được đặt tại xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Nơi đây có khoảng 500 trẻ em đồng bào Bana. Song song với việc mở thư viện các nơi, A Tào và nhóm bạn còn thường xuyên kêu gọi chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học. Chuẩn bị vào mùa đông, khi trời miền cao sẽ có những đợt rét đậm, nhóm anh còn xin ủng hộ áo quần, chăn gối gởi tới các bạn nhỏ. Khi Tết đến, chương trình Tết sẻ chia cũng được khởi động để giúp các em có một mùa Xuân đong đầy, chí ít cũng có niềm vui hơn những ngày thường vất vả. Một điểm đặc biệt của nhóm là các dự án không thực hiện quy về một nơi mà rải rác ở các xứ đạo, với phương châm san sẻ yêu thương đến nhiều trẻ em. “Ở những nơi nào cần, nhóm thấy có thể hỗ trợ, kết nối… được thì lên kế hoạch cho những chương trình. Nhiều giáo xứ như Nam Ban, K’Long thuộc giáo phận Đà Lạt; Chư San thuộc giáo phận Kon Tum; Đan Kar thuộc giáo phận Xuân Lộc… hay các vùng có đông bà con Stiêng, K’Ho, Châu Mạ… mà các em nhỏ chưa đủ điều kiện sinh hoạt, vui chơi hay học tập, nhóm nếu có thể kêu gọi chia sẻ được thì đều lên phương án để làm”, A Tào tiết lộ. Anh nói, những nơi mà nhóm đến tuy có khó khăn về địa lý và khác biệt văn hóa do đa số đều có bà con sắc tộc thiểu số sống, nhưng tất cả không phải là trở ngại lớn lao, bởi “Có vất vả chút cũng là chuyện hiển nhiên bởi như thế lại ý nghĩa. Nhiều chuyến đi đến với các em nhỏ cùng bà con buôn làng cho mỗi người nhận ra là quanh mình có nhiều người đáng thương, cần được giúp”. Trở về cuộc sống cá nhân, A Tào hiện là nhân viên IT. Anh tâm sự dù bận rộn nhưng vẫn luôn sắp xếp cùng nhóm sinh viên vì đã tham gia từ lâu và vì “máu”, ý muốn sớt chia với trẻ con nghèo vùng cao luôn tồn tại trong anh.
Không thường trực ở Tây Nguyên như anh A Tào, từ thành phố đông đúc, khi có dịp rảnh, cô giáo mầm non Trần Ngọc Vui (giáo xứ Tân Thái Sơn, TGP TPHCM) thay vì chọn phương án đi chơi với bạn bè nghỉ mát, thì cùng các bạn trẻ và những hội đoàn xách balô đi thiện nguyện. Các giáo xứ vùng sâu, xa ở Tây Nguyên hay miền Tây là những nơi cô thường đến. Kỷ niệm của các chuyến đi làm thành dấu ấn đẹp trong những năm tháng trẻ. Cô giáo Vui kể: “Đã đi là không nề hà gì. Bao nhiêu người còn tới nơi khó khăn hơn, huống hồ mình còn quá trẻ. Có lẽ, nỗi buồn thì không đáng đâu, may chăng thì cũng chỉ đôi chút mệt vì phải thức khuya hay thời tiết nhiều lúc không thuận lợi, còn lại là niềm vui. Vui bởi một hành động ý nghĩa và giá trị cho bản thân, vui vì cảm nhận được niềm vui của các bạn nhỏ khi được nhận quà mà nhóm gởi tặng tuy không giá trị cao mà mang tới niềm phấn khích cho các em. Là một giáo viên, công việc xoay quanh liên tục, dù bận mấy tôi cũng sắp xếp lịch để dành riêng cho những thời gian hoạt động các chuyến thiện nguyện, đôi khi cũng thức khuya một chút để soạn giáo án cho những ngày mình sẽ đi”. Với tâm tình đó, cô giáo trẻ luôn hăng say để làm việc và tranh thủ cho những chuyến trải nghiệm yêu thương quý giá. Còn phần việc thường nhật, cô tâm niệm luôn ý thức mình là người tín hữu: “Tôi cho rằng là một giáo viên, mình phải tử tế và đạo đức với nghề, với đồng nghiệp cùng học trò. Ở phương diện khác, tôi cũng là một giáo dân. Hằng ngày đi nhà thờ, học hỏi Lời Chúa thì phải thực hành Lời Chúa nơi chính môi trường sống. Những sự hy sinh, bác ái, yêu thương, nhún nhường, những gì tốt, nên làm thì cố gắng, để không làm buồn, làm lỗi đến đồng nghiệp, phụ huynh hay ngay cả học sinh của mình. Lối sống, tính cách của cô giáo sẽ tác động mạnh đến học trò, trong khi các em còn nhỏ như một tờ giấy trắng”.
Cô giáo Trần Ngọc Vui (X) ngoài giờ đứng lớp còn thường xuyên tranh thủ đi thiện nguyện, san sẻ niềm vui |
Vùng ngoại biên không ở đâu xa, ngay tại thành phố, nơi dễ nhìn thấy cuộc mưu sinh bon chen khốc liệt, cũng lóe lên những nghĩa cử chân thành, đầy tình người. Không chỉ có người trẻ như cô giáo mầm non Trần Ngọc Vui. Nhiều người, khi đã có tuổi, dù bận bịu đến đâu cũng có thể bớt thời gian giây lát trao cho cuộc đời niềm vui. Vừa chăm lo cho hai con học hành đến trưởng thành, trong 45 năm qua, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (giáo xứ Hòa Hưng, TGP TPHCM) vừa lấy việc phục vụ là niềm vui cho bản thân, tham gia sinh hoạt ở 5 giáo xứ. Một tuần của bà rải cho các xứ trong nội thành: Tống Viết Bường, Hòa Hưng, Đa Minh - Ba Chuông, Mai Khôi, Chí Hòa. Có giáo xứ, bà là thành viên của Hội Legio, có giáo xứ bà tham gia ca đoàn, nhóm đọc lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót. Người phụ nữ 70 tuổi là thành viên của hội người cao tuổi, từng là hội viên hội Liên hiệp phụ nữ phường 15, quận 10 trong hơn chục năm qua. Bà thường thăm viếng người bệnh tật liệt lào bất kể lương giáo và chia sẻ yêu thương đến họ bằng cách trao hiện kim của mình cùng ý niệm “khi thấy bà con vui lòng tôi cũng vui lắm. Không ít trường hợp nhờ sự gần gũi, qua lại mà tình cảm được khắng khít, quý mến nhau hơn. Nếu mình không đi ra, thì ngay bên nhà cũng là ngoại biên rồi, nhưng nếu mình nghĩ tới người xung quanh thì sẽ thấy được nhiều điều hay…”. Chưa hết, suốt 31 năm làm tổ phó an ninh phường 15, bà đã tích cực cùng chính quyền địa phương vận động người dân góp quỹ chăm lo cho an sinh xã hội, chú trọng phòng chống cháy nổ trong các khu dân cư và gìn giữ an ninh trật tự.
Trong khi tìm những bước chân âm thầm dấn thân “đi ra”, chúng tôi bắt gặp câu chuyện nhiều cung bậc của chị Phương Thị Tuyết Linh (giáo xứ Gò Vấp, TGP TPHCM). Vùng ngoại biên cô bạn trẻ hướng tới ngay tại cuộc sống đô thị, tuy vậy, đòi hỏi sự can đảm cùng đức ái mãnh liệt. 15 năm tuổi trẻ, từ khi còn là cô sinh viên, Tuyết Linh đã nhiệt huyết với việc bảo vệ sự sống, xin và an táng những thai nhi bị bỏ đi. Đã có những niềm vui lẫn sự xót xa khôn xiết, hạnh phúc lẫn buồn thương đến nước mắt chực trào khi trên tay nâng niu những hài nhi bé bỏng bị cuộc đời chối từ. Tuyết Linh hồi tưởng trong sự xúc động: “Chúng tôi thường tìm cách gây ý thức cho người trẻ, nói cho họ biết về tác hại của phá thai, về giáo lý Hội Thánh dạy tôn trọng sự sống, chia sẻ về tình mẫu tử thiêng liêng hay những mối nguy hại của việc phá thai tới sức khỏe người mẹ, sự đáng thương của đứa bé… Mục đích chính là mong muốn các bạn trẻ có sự chín chắn trong tình yêu và cách xử lý những lỡ lầm đáng tiếc sao cho nhân văn, nhân tính, bảo vệ, tôn trọng quyền được sống của đứa bé”. Những buổi chiều trong tuần, cô hay đến một số cơ sở y tế trong thành phố để xin xác thai nhi về an táng, đọc kinh cầu nguyện cho các em. Trong suốt 15 năm, Tuyết Linh có câu nói quen thuộc với những người quen biết: “Đừng quăng các bé. Dù nắng hay mưa em cũng tới nhận”. Song song việc bảo vệ sự sống, thời gian gần đây, Tuyết Linh còn thu gom rau củ, chở tới các mái ấm. Hiện nay, Linh nhận các nguồn rau và phân phát luân phiên cho 3 mái ấm Nhân Hậu, Thiên Phước, Tình Mẹ 1 và bếp ăn từ thiện cô Mười Thu ở Bệnh viện Quân y 175. Những công việc này đối với Linh đã trở nên quen thuộc đến trở thành phần không thể thiếu trong ngày sống. Cô xác định: “Có thể giúp gì được cho các em nhỏ vốn đã thua thiệt thì tôi giúp thôi. Chỉ mong có nhiều người thương các bé và các em được lớn lên, trưởng thành tốt”.
Nếu có thể xẻ lát cắt cuộc sống ngay lúc này, có thể thấy được sự dấn thân đã, đang trên nhiều lĩnh vực. Theo dòng thời gian, có không ít cuộc lên đường, san sẻ vật chất, tinh thần đầy tình nhân ái. Những người mang nét đẹp sẻ chia cũng hết sức bình dị, không chỉ dừng lại ở những phác họa vừa điểm qua mà tin rằng, còn nhiều lắm. Trong tinh thần Kitô giáo, sự ra đi để phục vụ tha nhân là một lệnh truyền.
“ĐIỀU GÌ THÔI THÚC CHÚNG TA LÀM?”
Trong các câu chuyện và cuộc gặp gỡ, chúng tôi khám phá ra một điều hết sức tình cờ ở những người “đi ra vùng ngoại biên”, ấy là tinh thần khát khao phục vụ tha thiết. Như Tuyết Linh chẳng hạn. Sự dạn dĩ, tinh thần hăng say của cô thể hiện trong từng lời. Bây giờ, khi đã có gia đình riêng, Tuyết Linh vẫn giữ thói quen, hay nói cho đúng hơn là lòng nhiệt thành, không từ bỏ. “Điều gì thôi thúc Linh làm việc này?”, bất ngờ, chúng tôi đặt câu hỏi. Chị trải lòng: “Lâu rồi, có lần, tôi được xem một đoạn ghi hình về cảnh phá thai. Tôi thương những sinh linh bé bỏng chưa kịp chào đời đã bị chính cha mẹ ruồng rẫy. Trong niềm tin Công giáo, tôi cảm thấy sự tội ấy thật đáng sợ, khác với giáo lý truyền thống Chúa dạy. Những điều đó thúc bách tôi tham gia bảo vệ sự sống để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa tới nhiều bạn trẻ. Nhiều tình yêu mau vội rồi tan thành mây khói. Nhiều cuộc hôn nhân chưa kịp trổ sinh hoa trái đã nhuốm màu bi ai. Rồi những đứa trẻ lẽ ra phải được chào đời trong yêu thương thì trở thành gánh nặng hay nỗi đau khổ phải vứt bỏ cho bằng được”. Khi tham gia hành trình này, cô luôn hy vọng sẽ có ít đi những hài nhi vô tội bị trút bỏ. “Những người trẻ cần học hiểu kỹ về hôn nhân, có kiến thức sinh sản, giáo dục giới tính, có trách nhiệm với việc đã làm”, cô nói với giọng trầm buồn. Với việc thu gom và phân phát rau củ tới các mái ấm, bếp ăn, Linh nhẹ nhàng hơn: “Niềm vui nhận được chính là nhìn thấy các em vui cười. Bữa ăn có đầy đủ dinh dưỡng. Nếu có một gia đình ấm êm, chắc chắn là cuộc sống các em hạnh phúc hơn biết bao”. Vì nhận được sự ủi an ấy, nên, dù chi phí đi lại phải tự túc, hay đôi khi hàng nhiều, một mình không kham xuể cần nhờ đến dịch vụ chở hàng, chị Linh cũng tự bỏ tiền túi thanh toán. Rồi cả những lần tham gia bảo vệ sự sống, đến các địa điểm xa xôi, mưa gió cô cũng không quản ngại. Tâm sự về cuộc sống riêng của mình, chị Linh phó thác: “Tôi chỉ cầu nguyện Chúa cho mình dùng đủ hằng ngày là được rồi. Mình có thời giờ, sức khỏe thì sẽ còn làm được nhiều việc khác cho đời”.
Đem con chữ cho trẻ em nghèo dân tộc thiểu số là niềm đam mê của anh A Tào và các bạn |
Ngược lên miền cao, A Tào cho rằng, dù ở thời đại nào, con người ngoài lương thực, thực phẩm cũng không thể bỏ qua nhu cầu tinh thần, sách vở, và cả việc cần được học, ít là qua sách vở. “Chỉ có tri thức mới có thể đem lại cuộc sống mới. Nếu lớp trẻ được giáo dục tử tế, thay đổi nhận thức về cách sống, được đào tạo có chuyên môn hẳn hoi, thì các em có thể làm chủ cuộc đời mình, tìm được một công việc phù hợp”, anh đúc kết. Từ thực tế tại các vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, anh cho biết sau thời gian dạy học chữ cho trẻ em, những nơi nhóm giúp đều có sự thay đổi: “Các em rất thông minh và sáng tạo theo cách riêng, nhưng vì không có môi trường để học hỏi và thể hiện, chưa được gia đình chú trọng việc học. Cầm cuốn sách trên tay, học cổ tích hay tập đánh vần, nhìn tranh vẽ…, ánh mắt các em vui sướng lên, mừng rỡ. Thấy những hình ảnh ấy, chúng tôi ấm lòng vì nhận ra mình đang làm đúng. Những người nghèo sắc tộc mải lo mưu sinh, nên chẳng bận tâm chuyện học hành của con cái”. Qua những cuộc gieo chữ hoặc mỗi chuyến thiện nguyện, anh Tào rút được kinh nghiệm đức tin rằng, Chúa đang yêu thương để biến cuộc đời mình trở nên khí cụ, mang niềm vui cho nhiều người. Vì thế, trước khi khởi sự các dự án, anh cùng các bạn thường đọc kinh, dâng lên Chúa ước nguyện, xin được nâng đỡ. Bên cạnh đó, mỗi khi gặp trắc trở do kế hoạch hay tài chánh, sức khỏe…, thay vì khó chịu như trước thì nhóm đã có kinh nghiệm làm việc, ngồi lại phân định, tìm cách giải quyết. Theo dự định, anh Tào và các bạn tiếp tục các dự án bác ái, nhất là dạy chữ cho trẻ nghèo. Anh bày tỏ niềm mong muốn những trẻ em nghèo có đầy đủ sách vở để đến trường cuộc sống tốt hơn, vì lẽ: “Các em là những thụ tạo xinh đẹp của Thiên Chúa”. Có lẽ cũng như chàng thanh niên IT này, cô giáo Vui dù vừa dạy học vừa lo bác ái, cũng nhận ra sứ mạng của người tín hữu giáo dân trong công cuộc dựng xây xã hội. Ngọc Vui nói về quan niệm sống của cô: “Tôi rất thích câu nói của Mẹ Thánh Têrêsa Calcuta: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại”. Tôi luôn cố gắng để làm được điều gì đó có ích và chưa bao giờ nghĩ là tôi sẽ bỏ cuộc dù có mệt, áp lực cuộc sống”.
Gieo tình thương, sự thiện lương bằng những điều tốt đẹp dù nhỏ hay lớn, ít hay nhiều, miễn mang giá trị tích cực, chắc hẳn là suy nghĩ của những người Công giáo dấn thân. Các cuộc “đi ra vùng ngoại biên” những tưởng xa xôi, hóa ra lại gần kề. Có khi, chỉ là bước ra khỏi chính mình, khỏi những nghi kị, e dè, sợ sệt, đa đoan, vu khống, thiếu bác ái... Có khi, chỉ cần để tâm xung quanh cuộc sống và nhìn mọi sự dưới nhãn quan Kitô hữu. Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết kể phía trên “tổng kết” ngắn gọn kinh nghiệm rút ra từ bản thân: “Bất kể trong việc gì, việc xã hội hay Giáo hội, tôi cũng dành hết tâm sức để làm tròn bổn phận của người tín hữu, người công dân. Sống tốt đạo đẹp đời theo lời mời gọi của Giáo hội tôi luôn ghi nhớ và thực thi, nhất là nay các con đã trưởng thành, tôi lại càng có nhiều thời gian hơn và không quên tạ ơn Chúa đã ban cho chúng tôi cuộc sống an lành. Tôi nhận ra nhiều điều ý nghĩa từ chính cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của tôi với anh chị em. Những người quen hay lạ, đều cần được tôn trọng và tử tế…”.
Có những sự cho đi rất giản đơn. Thực thi tình thương, lòng nhân ái, lời nói tử tế, một bữa ăn no nê, cơ hội được sống hạnh phúc, môi trường giáo dục toàn diện… là những hình thái đi ra vùng ngoại biên.
Thật đáng quý bước chân không mệt mỏi của những người tín hữu sống bác ái, yêu thương.
HÙNG LUÂN - MINH HẢI - BÍCH VÂN thực hiện
Bình luận