Ở một góc nghĩa trang xứ đạo Tân Bắc - giáo phận Xuân Lộc, có độ trăm tượng, ảnh thánh cũ, sứt mẻ, phai lợt màu sắc… được đặt cạnh nhau. Khi lui tới nghĩa trang, có dịp đi ngang qua góc nhỏ đặc biệt này, mọi người đều cúi chào thành kính.
Cha Giuse Tạ Duy Tuyền, chánh xứ Tân Bắc, nhớ lại chuyến hành hương đến Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức từ nhiều năm trước, cùng chi tiết những tràng hạt cũ có mặt khá nhiều gần hang đá Đức Mẹ. Tìm hiểu sau đó thì được giải thích rằng có nhiều người vì những lý do nào đó, đã để lại ở đây những tràng chuỗi Mân Côi cho những ai có nhu cầu. Đây cũng là cách gởi gắm lại một đồ vật có ý nghĩa thiêng liêng. “Trải nghiệm này khá ấn tượng như một ý tưởng khơi mở. Từ hai năm trước, tôi rất vui khi thấy một vài tượng thánh cũ được giáo dân gom để chung ở một chỗ cao ráo trong góc nghĩa trang giáo xứ. Từ đây bắt đầu hình thành chỗ để các tượng, ảnh thánh cũ hoặc bị hư, sứt mẻ. Hơn hai năm, từ dưới chục tượng cũ, vậy mà nay đã có trên một trăm”, cha Giuse kể lại nguyên cớ của vườn tượng thánh cũ.
Trong dòng suy nghĩ về những bức tượng Chúa, Đức Mẹ, các thánh… đã bị phai màu sơn, cũ kỹ, hoặc trầy xước, vỡ, mẻ, cha Giuse nói thêm: “Những bức tượng ảnh để lại đây không phải là tượng đắt tiền mà chủ yếu là tượng thờ của các gia đình giáo dân trong xứ. Nhưng với họ vẫn có sự gắn bó hoặc cảm thấy không nỡ khi phá bỏ hoàn toàn, nên khi có điểm này trong nghĩa trang, mọi người rất vui. Dù các bức tượng không còn nguyên vẹn, đẹp đẽ nhưng khi nhìn cả một bàn tượng nhiều màu sắc nương vào nhau dường như thấy ấm lòng hơn”. Cha cũng đã nhận rất nhiều câu hỏi về cách xử lý các tượng thánh cũ, hư vỡ và câu trả lời, theo hướng dẫn chung của Giáo hội, là ảnh tượng đã làm phép, khi cũ nát, được đốt hay xé bỏ đi một cách trọng kính. Thực tế, mọi người vẫn thường chọn cách đập bỏ hoàn toàn vụn nhỏ hoặc ném xuống sông, giếng. “Quan trọng là tránh các trường hợp có cách xử lý không xứng hợp, coi thường”, cha cắt nghĩa.
Trên bàn tượng thánh cũ có rất nhiều tượng Chúa Hài Đồng, Chúa chịu nạn, Chúa Kitô Vua, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Ban Ơn, Thánh Giuse Thợ… Mức độ hư, nứt, vỡ, bong tróc ở mỗi tượng khác nhau, kích cỡ cũng khá đa dạng, nhưng khi được đặt cạnh, dường như lại tạo nên vẻ đẹp “toàn vẹn” theo nghĩa “các vị thánh đã vượt lên những sứt mẻ của đời người”. Dưới chân bục để tượng luôn có hoa tươi và lư hương để bất kỳ ai cũng có thể đặt một nén hương, bày tỏ lòng tôn kính. Vừa đứng lặng ít phút kinh nguyện bên tượng thánh cũ, chị Thu Hồng, một giáo dân trong xứ nhỏ nhẹ nói: “Dù chỉ là tượng thông thường nhưng khi được làm phép thì đã trở nên đặc biệt. Về mặt tâm linh, tôi cảm nhận được sự thiêng liêng này. Cho nên, thể hiện lòng tôn kính các tượng thánh bị hư, cũ là điều tôi thấy rất hay”.
Trong tâm tình này, giáo xứ cũng khéo léo sắp xếp những hàng ghế trước đài nơi các tượng, ảnh thánh cũ “nghỉ ngơi” để mọi người có thể cầu nguyện. Giữa góc vườn nghĩa trang, dưới những tàn cây xanh, đứng nguyện kinh và chiêm ngắm thật lâu những sứt mẻ, phai phôi, gương mặt các thánh tượng dường như càng thêm gần gũi với phận người dễ tổn thương.
“... Đứng nguyện kinh và chiêm ngắm thật lâu những sứt mẻ, phai phôi, gương mặt các thánh tượng dường như càng thêm gần gũi với phận người dễ tổn thương...” |
Minh Hải
Bình luận