Gần 10 năm trước, tôi từng khoe với bạn bè về đôi guốc mộc xinh xinh mới sắm ở chợ gần nhà, một ngôi chợ nhỏ tại Sài Gòn. Đôi guốc mang thật dễ thương. Vậy mà khi ấy, cô em gái vừa nhìn thấy đã la toáng lên đầy vẻ kinh ngạc: “Thời buổi này còn ai đi guốc nữa!”. Ồ, không còn ai đi guốc, mình đi có sao đâu. Với tôi, miễn đôi guốc ấy vừa chân và mang thấy đẹp là được rồi.
Nhớ thời còn nhỏ xíu, hồi mới 5 - 6 tuổi thôi, thỉnh thoảng mẹ lại dắt tôi đi chợ, vào tiệm guốc mua một đôi, mang khi nào cũ lại mua đôi mới, kiểu mới. Có lẽ “truyền thống” đi guốc với tôi đã có từ thời xưa xửa ấy.
Cô em nói cũng đúng phần nào. Guốc bây giờ không còn ở “thời vàng son” nữa bởi giày, dép ra quá nhiều, chị em phụ nữ có nhiều chọn lựa hơn. Những làng guốc đây đó cũng mai một. Dù không thịnh như xưa, nhưng thể nào cũng vẫn còn người thích guốc như mình, tôi nghĩ thế. Mấy năm sau đó, một lần về quê, tôi chợt nảy ra ý rủ mẹ đi mua guốc. Hai mẹ con đi dạo ra phố chợ. Ký ức tuổi thơ của cái thời được mẹ dắt đi mua guốc lại ùa về. Song đi hết các tiệm quen, đều nhận được cái lắc đầu bảo giờ không bán nữa. Lên con phố trên, xa hơn một chút, có chỗ bán đan xen với dép nhưng không đôi nào vừa ý vì trông khá thô và hỏi ra, thì những đôi guốc đó đóng quai sẵn, ai vừa chân mới mua được chứ họ không gỡ quai ra chỉnh sửa theo ý khách hàng như loại guốc trước đây... Thôi vậy!
Cứ tưởng chỉ có cánh phụ nữ mới có người hay hồi tưởng về một thời mang guốc thường xuyên, nhưng mấy lần, tình cờ tôi lại đọc được những cảm xúc chia sẻ của một, hai “đấng mày râu”, cũng nhớ về những đôi guốc mộc mạc và tiếng guốc thân quen một thời. Có anh còn cho rằng thanh âm của tiếng guốc thật ấn tượng và không thể quên tiếng “lộp cộp” vui tai của mẹ mình ở nhà nhiều năm trước, thậm chí ngày ấy mỗi lần mẹ đi đâu vắng nhà chừng dăm ba bữa, anh lại nhớ tiếng guốc của mẹ đến nao lòng. Với người đàn ông này, dù tiếng guốc đã mất đi theo xu thế phát triển không ngừng của xã hội, khi hàng tiêu dùng ngày càng đa dạng và hiện đại, nhưng trong ký ức sâu thẳm của thuở thiếu thời, tiếng guốc vẫn vang mãi trong tim anh…
Gần đây, rảo qua các trang mạng xã hội, thi thoảng tôi lại bắt gặp những quảng cáo về các mẫu guốc mộc với lời chào mời chị em. Vậy là những đôi guốc vẫn không thể mất đi hoàn toàn trong đời sống. Ở đâu đó, vẫn có những nhà sản xuất guốc để đáp ứng một nhu cầu nào đó của các bà, các chị, dù có thể ít ỏi. Mới giữa tháng 11 vừa qua thôi, một gian hàng guốc gỗ đã tham gia trưng bày tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TPHCM trong một sự kiện. Trước đó, sạp guốc này đã mời người đến tham quan với những dòng ấn tượng trên mạng: “Sạp guốc… rất tự hào với mong muốn mỗi đôi guốc được bán ra vì sự hoài cổ của chủ sạp và khách hàng của sạp cũng là những người hoài cổ đáng yêu…”.
Vâng, vậy khi yêu thích guốc giữa thời buổi này, tôi cũng nằm trong số những người “hoài cổ” chăng? Chẳng biết có phải vậy không mà nhớ về những đôi guốc, tự nhiên mấy câu hát trong ca khúc “Về đây nghe em” (nhạc: Trần Quang Lộc - phổ thơ A Khuê) lại vang lên thật dịu dàng: “Về đây nghe em, về đây nghe em... Về đây mặc áo the, đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao, kể chuyện tình bằng hạt lúa mới, kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai. Và về đây nghe lại tiếng xưa. Để nhớ trong tiếng vỡ bờ...”.
LG PHAN
Bình luận