Có nhiều cách để phụng sự Chúa, một nữ tu ở Zimbabwe đã quyết định theo đuổi con đường trở thành nhà khoa học và trải qua đời sống thật sự trọn vẹn.
Mới 13 tuổi, cô bé Agatha Munyanyi đã bắt đầu ngưỡng mộ cuộc sống của các nữ tu tại trường tư thục Công giáo mà cô theo học ở Zimbabwe. “Ông bà, cha mẹ tôi đều là tín hữu Công giáo”, Munyanyi giờ đây đã là một nữ tu ở Mỹ kể lại. “Tôi đi học trường của các nữ tu dòng Hài đồng Giêsu. Một số sơ làm việc ở các bệnh viện, và một số giảng dạy cho chúng tôi. Tôi muốn trở thành người như họ”, báo The Charleston Gazette-Mail dẫn lời nữ tu Munyanyi kể lại mơ ước từ thuở thiếu thời.
Phần thưởng hạnh phúc nhất
Trong lúc theo đuổi con đường tu tập, nữ tu Munyanyi được các bề trên khuyến khích lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp với thiên hướng và đam mê của bản thân. Nhờ sự ủng hộ của bề trên, nữ tu Munyanyi tiến xa trên con đường học vấn, lấy nhiều bằng cấp trong lĩnh vực khoa học, y khoa, nghiên cứu và môi trường. Sơ Munyanyi lần đầu tiên đến Mỹ vào năm 1976 nhờ vào học bổng được cấp bởi dòng Biển Ðức ở Yankton, bang South Dakota, và theo học tại Viện Hampton ở bang Virginia. Tại đây, nữ tu trẻ đã lấy bằng cử nhân ngành hóa. Những năm kế tiếp, sơ tiếp tục lấy các bằng cấp khác của Ðại học Old Dominion ở Norfolk, Virginia, bao gồm bằng cử nhân ngành công nghệ y khoa, thạc sĩ ngành hóa lâm sàng và tiến sĩ khoa học y sinh.
Nữ tu quay lại Zimbabwe vào đầu những năm 1980 và làm việc cho các phòng thí nghiệm y khoa của một bệnh viện Công giáo cũng như cho một công ty tư nhân. Sơ Munyanyi thực hiện các cuộc thí nghiệm liên quan đến bệnh lao phổi và tình trạng người bệnh không dung nạp thuốc. Sau vài tuần điều trị, sơ chứng kiến sự tiến triển của các bệnh nhân, từ tình trạng bệnh vô cùng nặng và cơ thể gầy mòn, để một lần nữa khỏe mạnh trở lại. “Ðây là giai đoạn mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong sự nghiệp của mình. Từ tình trạng da bọc xương, họ thay đổi và dần khỏe lại. Ðó chính là phần thưởng vô giá đối với tôi”, nữ tu cho biết. Bên cạnh đó, sơ hỗ trợ mở cửa các phòng thí nghiệm về y sinh ở nhiều vùng nông thôn, cho phép người dân có thể kịp thời xét nghiệm và điều trị mà không cần phải di chuyển đến các thành phố lớn.
Nữ tu cùng phái đoàn bay đến Washington gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào tháng 9.2015 |
Sau một thời gian, nữ tu Munyanyi quay lại Mỹ để tiếp tục hoạt động nghiên cứu và theo đuổi học thuật tại Ðại học Old Dominion. “Tôi nhận được học bổng toàn phần về trợ giảng. Tôi dạy các lớp ở phòng thí nghiệm cho những người mới bắt đầu làm quen với hóa học”, sơ cho biết. Học bổng kế tiếp mà nữ tu người Zimbabwe nhận được liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu. “Tôi có hai học kỳ mà không cần giảng dạy, cho phép tập trung toàn bộ thời gian vào nỗ lực nghiên cứu”, sơ nhớ lại. Ðến năm 2013, sơ bắt đầu viết luận án về đề tài: “Phân tích bằng thí nghiệm và trên máy tính đối với các protein Synuclein”. Mục tiêu của luận án này là nghiên cứu các protein, bao gồm loại có liên quan đến bệnh Parkinson. Bà nhận bằng tiến sĩ Ðại học Old Dominion vào ngày 10.5.2014.
Gặp Ðức Giáo Hoàng ở Washington D.C
Sau đó, sơ và các nữ tu được Ðức ông P. Edward Sadie, vị đang coi sóc Vương Cung Thánh Ðường Thánh Tâm ở Charleston, mời đến hỗ trợ khám bệnh cho các bệnh nhân và những người không thể rời nhà vì bệnh tật. Tháng 7. 2014, nữ tu Munyanyi được mời làm việc tại công ty Potesta & Associates, chuyên tư vấn về môi trường và công trình. Sơ chủ yếu công tác tại văn phòng, thẩm tra thông tin nhằm xác định liệu các công ty có đáp ứng các quy định hoạt động trong lĩnh vực khai thác than, khí đốt, bê tông, hóa học. “Tất cả chúng tôi đều vui vì có sơ Munyanyi ở đây. Bà thật sự là tài sản quý giá của công ty và là một đồng nghiệp tuyệt vời”, báo The Charleston Gazette-Mail dẫn lời Chủ tịch Ron Potesta.
Nữ tu Agatha Munyanyi vào thời điểm lấy bằng tiến sĩ tháng 8.2014 |
Ở tuổi 67, sơ vẫn tiếp tục định cư tại TP Charleston, bang West Virginia, cùng với hai nữ tu khác. Họ bắt đầu một ngày bằng cầu nguyện, trước khi làm công việc của mình. Ðến chiều, các nữ tu cùng cầu nguyện một lần nữa và chia sẻ những gì đã diễn ra trong ngày. Sơ Munyanyi từng được mời đến Washington D.C vào tháng 9.2015 để tham dự Ðại hội Gia đình Thế giới, với sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô.
Cho đến giờ, nếu được hỏi, sơ vẫn khẳng định không hề hối tiếc vì đã chọn đời sống thánh hiến và vô cùng yêu thích vai trò của mình trong lãnh vực khoa học: “Tôi vô cùng biết ơn vì có năng lực như hiện tại, nhờ vào sự giúp đỡ của những người xung quanh. Khi cầu nguyện, tôi không muốn cầu xin điều gì, chỉ tỏ lời tri ân Chúa và mọi người”. “Có nhiều cách để phụng sự Chúa và Ngài đã vô cùng thương yêu tôi”, vị nữ tu kết luận.
HỒNG HOANG
Bình luận