Nhờ trí thông minh nhân tạo (AI), đội ngũ nghiên cứu phát hiện manh mối về sự tồn tại của một tác giả khác từng chấp bút cho một bản thảo nổi tiếng trong bộ sưu tập các cuộn giấy Biển Chết.
Nguồn gốc của các cuộn giấy Biển Chết và cuộc đời của những người đã viết nên chúng luôn là bí ẩn được giới học giả thời nay theo đuổi. Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã dựa vào AI để tiến thêm một bước trong nỗ lực tìm hiểu nội dung của những văn bản vô giá đã được lưu truyền từ thời cổ đại.
Các cuộn giấy Biển Chết được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1947 |
Hé lộ tác giả bí ẩn
Theo báo cáo đăng trên chuyên san PLOS One, nếu nhìn bằng mắt thường, các chuyên gia hoàn toàn không hề phát hiện điều gì bất ổn đối với Cuộn giấy Isaiah Vĩ đại (bản thảo được tìm thấy trong một hang động ở Israel năm 1947). Tuy nhiên, kết quả phân tích bằng công nghệ AI lại phát hiện sự bất thường: phải có đến 2 tác giả thay vì một người đã hoàn thành bản thảo này.
“Với sự hỗ trợ của máy tính và phương pháp thống kê, chúng tôi có thể bắt lấy những điểm khác biệt vô cùng nhỏ trong chữ viết tay, những điều không thể nào tìm ra nếu chỉ nhìn bằng mắt thường”, theo tác giả chính của báo cáo là giáo sư Mladen Popović, học giả về Kinh Thánh của Ðại học Groningen (Hà Lan). “Giờ đây chúng tôi biết được bản thảo là công trình của tập thể, chứ không phải thuộc về cá nhân riêng lẻ”, ông Popović cho biết
Trước đó, giới học giả phát hiện một đoạn nghỉ ở giữa văn bản dài 27 dòng, theo Tạp chí Conversation. Ðoạn nghỉ chứa một khoảng cách tương đương với 3 dòng và sự thay đổi trong tài liệu viết lách, với tờ giấy thứ hai được may kết nối vào tờ thứ nhất. Và nhờ AI, các chuyên gia mới biết được đây là thời điểm người soạn thảo thứ hai bắt đầu chấp bút. Phát hiện của nhóm nghiên cứu Hà Lan ủng hộ giả thuyết cho rằng các cuộn giấy Biển Chết có thể là công trình do nhiều nhà sao chép thực hiện.
Ðưa AI vào cuộc
Các nhà nghiên cứu đã khởi động nỗ lực phân tích bằng cách huấn luyện một hệ thống AI “tách rời” mực viết khỏi văn bản làm từ da thuộc hoặc giấy cói. “Ðây là khâu quan trọng vì dấu mực thời cổ xưa có liên quan trực tiếp đến mỗi chuyển động bằng cơ tay ở người viết, và thể hiện điểm đặc trưng của người đó”, đồng tác giả Lambert Schomaker, nhà nghiên cứu AI của Ðại học Groningen, cho biết. Kế đến, nhóm chuyên gia tập trung nghiên cứu những dấu nét đặc trưng của các chữ viết Do Thái cổ. Họ phát hiện hai nửa của mảnh giấy cói giống nhau, nhưng lại có chữ viết hơi khác, cho phép rút ra kết luận trên.
Ðược bảo quản tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem, cuộn giấy Isaiah Vĩ đại được hoàn thành vào khoảng năm 125 Trước Công nguyên. Nó là một trong 7 cuộn giấy Biển Chết đầu tiên được tìm thấy bên trong hang Qumran, và cũng là mảnh lớn nhất, được bảo quản tốt nhất trong số các bản thảo cổ đại. Nội dung của cuộn giấy ghi lại toàn bộ phiên bản Sách Isaiah bằng tiếng Do Thái cổ.
Các cuộn giấy Biển Chết bao gồm những bản thảo khác nhau, một số xuất phát từ bàn tay của những nhóm giáo sĩ, trong khi phần còn lại đến từ các cộng đồng tín hữu thời xưa. Thế nhưng, giới nghiên cứu vẫn chưa xác định được danh tính những cộng đồng đã soạn thảo các cuộn giấy Biển Chết.
Công nghệ AI mang đến bước tiến đáng kể cho việc nghiên cứu |
Vì thế, cuộc nghiên cứu mới là một ví dụ cho thấy các học giả thời nay đang bắt đầu thẩm định lại những văn bản cổ xưa, lần này với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại. Trong một báo cáo hồi năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã sử dụng biện pháp hình ảnh đa quang phổ để phát hiện ra những dấu vết của chữ viết trên các mẩu giấy tưởng chừng như để trống.
Giới học giả vô cùng hào hứng vì có cơ hội hiểu thêm về những chữ viết của người xưa. “Ðây chỉ là bước đi đầu tiên”, chuyên gia Popović cho biết. “Chúng tôi đã mở ra cánh cửa cho phép phân tích và soi phong cách của từng cá nhân đã góp sức để tạo nên bộ sưu tập các cuộn giấy Biển Chết truyền đến đời sau”, ông nhận xét. Mục tiêu xa hơn là tìm hiểu những cộng đồng đã đứng sau dự án khổng lồ đó.
“Giờ đây chúng tôi có thể phân biệt được những người viết khác nhau. Dù không thể biết được tên của từng người, nhưng sau 70 năm nghiên cứu, có vẻ như cuối cùng các nhà khoa học thời hiện đại đã có thể ‘bắt tay’ chào hỏi các tiền bối trong quá khứ thông qua chữ viết tay của họ”, chuyên gia người Hà Lan kết luận.
|
LING LANG
Bình luận