Cuộc sống bộn bề với áp lực công việc và lo toan trong gia đình khiến bạn dễ lo lắng về mọi sự việc. Lo lắng thái quá sẽ khiến bạn căng thẳng, cáu gắt và ảnh hưởng đến người xung quanh, đặc biệt là những người thân trong nhà.
Vậy thì lo lắng là bạn hay thù? Nó tùy thuộc vào bạn. Về mặt khoa học, lo lắng không phải là điều xấu. Đây là cơ chế sống sót cho các tình huống mà não nhận thức là nguy hiểm: cơ thể chúng ta chuẩn bị để phản ứng và giúp chúng ta thoát khỏi sự nguy hiểm. Lo lắng có một vai trò hữu ích trong phản ứng sinh lý.
Theo trang tin Aleteia, vấn đề là khi lo lắng trở nên nặng nề hơn và kéo dài sẽ gây ra tổn hại lớn cho cơ thể và tâm lý, không chỉ với bản thân bạn mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những người thân cận. Một số triệu chứng của sự lo lắng thái quá là: không có khả năng kiểm soát được cảm giác sợ hãi hay không chắc chắn của mình; cảm giác không thoải mái kéo dài, sự khổ tâm và mệt mỏi quá mức; các triệu chứng sinh lý như ra mồ hôi nhiều, chóng mặt, căng thẳng, đau cơ, tim đập mạnh, mất ngủ, thở nhanh, khô miệng, đau đầu và đau nửa đầu...
Không nhất thiết chỉ khi chúng ta tự vệ trước động vật hoang dã, hay tìm kiếm thức ăn ở những nơi nguy hiểm mới tạo ra cảm giác bất an. Lo lắng không chỉ là nguy cơ khách quan mà còn là nhận thức của chúng ta về việc gây ra phản ứng này của cơ thể. Nó còn phụ thuộc vào tính khí, sự giáo dục và nền tảng, cũng như những tình huống cụ thể.
Bởi vì lo lắng liên quan nhiều đến nhận thức, nên bất kỳ cách gì để kiểm soát nó cũng thuộc về mặt tâm lý. Hãy tham khảo 8 cách dưới đây để đối phó với nỗi lo lắng:
1. Bạn phải thư giãn. Dừng suy nghĩ về việc lo lắng, thay vào đó hãy tĩnh tâm như là hình thức tự chăm sóc bản thân. Dành 5 hoặc 10 phút để dừng việc bạn đang làm, và tập trung vào kiểm soát hơi thở, giữ cho tâm trí nhẹ nhàng. Nếu sự tập trung của bạn còn lan man, thì hãy cố gắng tập trung trở lại. Đôi khi chúng ta phải sống chậm lại và nghĩ về bản thân.
2.
Xác định những điều gây ra lo lắng để bạn có thể nhận thấy và kiểm soát chúng. Nguyên nhân có thể do khách quan hoặc chủ quan. Đôi khi lo lắng xảy ra do sự mong muốn quá tầm để đạt đến sự hoàn hảo hoặc muốn mọi thứ đều được kiểm soát trong cuộc sống. Những người cầu toàn thường thường cảm thấy bất an do áp lực bởi chính họ tạo ra. Nguyên nhân cũng có thể là khách quan, khi những người khác đặt quá nhiều kỳ vọng hay yêu cầu đối với họ.
3.
Hiểu đúng các sự kiện và tình huống, tập trung vào các suy nghĩ tích cực. Luôn nhìn nhận vấn đề theo hướng lạc quan và giao tiếp với càng nhiều người càng tốt, không ngại trải lòng với người khác. Đôi khi chúng ta khổ tâm về một điều mà chúng ta làm. Hãy nói về sự thiếu tự tin hay nhận thức của bạn về vấn đề đó với người khác để có thể mở ra khả năng giúp giải quyết một tình huống sai lầm và phải mang một gánh nặng không cần thiết trong người.
4.
Hãy dành thời gian để phân tích và suy nghĩ, nhưng đừng đi quá đà. Điều rất quan trọng là tập trung đặc biệt vào hiện tại và bỏ qua quá khứ. Chúng ta cần biết cười và đùa thế nào với những thứ không quá quan trọng. Theo cách này, sẽ giúp chúng ta sử dụng các phương pháp nhận thức để vượt qua căng thẳng, cũng như các bài tập thở sẽ giúp tâm trí chúng ta nhẹ nhàng hơn.
5.
Phải biết cách phân chia và nghỉ ngơi. Ngủ ngon cũng là cách để tâm trí và cơ thể nghỉ ngơi. Đây là một cách tốt để cân bằng cảm xúc hơn và tránh những căng thẳng cho cơ thể. Hầu hết mọi người cần ngủ tám tiếng mỗi đêm. Những giấc nghỉ trưa ngắn cũng là cách tốt để tái tạo lại năng lượng.
6.
Tham gia các hoạt động mà bạn thích để thư giãn, đặc biệt là các hoạt động thể chất nhằm đốt cháy năng lượng và sự căng thẳng. Điều quan trọng là dành thời gian cho chính mình, điều này có nghĩa là chúng ta cần biết những trách nhiệm nào là của chúng ta, cái nào là của người khác.
7.
Bồi bổ cơ thể đúng cách. Phải kiểm soát được việc uống rượu và cà phê, vì nó gây hủy hoại cho não nếu sử dụng quá mức trong thời gian dài. Đường và tinh bột cũng có thể gây ra sự thay đổi tâm trạng, cùng với chứng béo phì và các loại bệnh khác. Ăn trái cây, rau củ và các loại thức ăn giàu chất khoáng như magiê và kali giúp chúng ta có một sự cân bằng tốt hơn.
8.
Sống theo cảm xúc của bạn một cách có ý thức. Thế giới cảm xúc của chúng ta có mối liên quan chặt chẽ đến mức độ lo lắng của mình. Một cuộc sống tình cảm lành mạnh và trọn vẹn dựa trên hiệu quả của sự an tâm khi chúng ta biết chúng ta được yêu sẽ càng vững vàng. Tăng cường các mối quan hệ thân thiết sẽ giúp chúng ta kiểm soát được những khoảnh khắc căng thẳng nhất của sự lo lắng, các nhà thần kinh học cũng đã công nhận điều đó.
Minh Hùng
Bình luận