Là một vận động viên judo chuyên nghiệp hạng cân dưới 66kg, từng đại diện cho nước nhà thi đấu tại các đấu trường khu vực, đồng thời cũng là một người trẻ Công giáo thuộc giáo họ biệt lập Hòa Minh (GP Đà Nẵng), anh Phanxicô Xaviê Nguyễn Đình Lộc đã hòa quyện tinh thần Kitô vào niềm đam mê của mình và càng thêm hăng say cống hiến.
![]() |
Tinh thần phục vụ
Trước khi trò chuyện cùng anh, chúng tôi đã tìm hiểu về bộ môn võ có xuất xứ từ Nhật Bản này và rất ngạc nhiên về câu tâm niệm của mọi võ sinh: “Muốn học tốt judo thì trước tiên phải học té cho tốt đã”. Thật lạ kỳ! Giải thích điều này, anh Lộc nói: “Môn judo lúc nào phải có bạn tập cùng nên khi mình học ngã tốt thì vừa giảm bớt nguy cơ chấn thương, vừa giúp bạn dễ dàng thực hiện các tư thế, các đòn đánh hơn; đồng thời phải có tinh thần phục vụ để giúp bạn mình tiến bộ và cũng để chính bản thân học được nhiều điều”. Thường thì hai người bạn tập “ăn ý” sẽ luôn đồng hành với nhau trong suốt quá trình tập. Họ thay nhau trong vai trò là người ra đòn và người té ngã. Việc cố gắng tự hoàn thiện bản thân, té tốt để hỗ trợ bạn tập tốt phải chăng là một bài học thực tế của sống hy sinh?
11 tuổi, anh Lộc bắt đầu theo học judo nhờ sự dẫn dắt của người anh họ. Chập chững lần bước, đi qua những ngày tháng khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, những ngày ê ẩm vì ngã lên ngã xuống và những va chạm khi đấu luyện đến nay đã 16 năm. Từ lạ lẫm đến quen thuộc và thành yêu mến, judo trở nên một phần trong con người của chàng trai sinh năm 1991. “Tôi nhận thấy judo có nhiều điểm phù hợp với lời dạy của Chúa Giêsu. Đó là võ sinh phải biết nhường nhịn, biết chịu đựng, biết yêu thương và sống hòa đồng với mọi người. Chắc vì thế mà tôi cảm giác mình có thể hòa nhập nhanh hơn để học thật tốt”, anh chia sẻ. Đối với anh, niềm tin Kitô giáo là điểm tựa giúp anh thêm thăng tiến bản thân và cả sự nghiệp thể thao của mình.
![]() |
Nguyễn Đình Lộc trên sàn đấu SEA Games 26 tại Indonesia năm 2011 - ảnh: Quang Liêm |
“Mình là người Công giáo”
Ngày vào Sài Gòn tham gia đội tuyển trẻ năm 2007 là thời điểm bắt đầu những chuỗi ngày xa nhà đằng đẵng của Đình Lộc. Rồi 6 năm sống, tập luyện cùng đội tuyển quốc gia tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia tại Hà Nội (2009 - 2015), những chuyến đi thi đấu trong và ngoài nước, anh có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn, biết học cách sống hòa đồng với bao người hơn nhưng vẫn nhớ gia đình, nhớ quê hương da diết.
Trên Facebook, Lộc thể hiện niềm tự hào là con Chúa khi để rõ tên thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng ít ai biết, thuở mới vào đội tuyển, phải làm quen với cuộc sống tập thể, việc ở giữa đông đảo bạn bè khác tôn giáo lắm khi anh cũng thấy lạc lõng. Anh tâm sự : “Thực ra, thời gian đầu tôi thấy hơi ngại khi thực hiện các nghi thức trong đạo mình trước mọi người, chẳng hạn làm dấu trước khi ăn. Lúc đó, tôi nghĩ là mình khác các bạn nên cứ rụt rè. Và rồi tôi nhận ra mình sai khi có suy nghĩ đó và cảm thấy đức tin chính là động lực cho mình cố gắng qua những khó khăn thường ngày. Từ đó, tôi tự hào khi thể hiện mình là người Công giáo”.
![]() |
Quá bận rộn với lịch trình tập luyện dày đặc, nhất là vào những giai đoạn chuẩn bị thi đấu, ngoài thánh lễ ngày Chúa nhật, chàng võ sĩ khó có thể dự thánh lễ ngày thường nên cầu nguyện là phương thức giúp anh gắn kết với Chúa trong từng ngày sống. Có những khi thấy trống rỗng, mỏi mệt với cường độ tập cao hay lúc căng thẳng trước giờ thi đấu, câu kinh Lạy Cha ngắn gọn, vài lời tâm sự thầm thì cùng Chúa như đôi tay dịu hiền vuốt ve, trấn an mọi lo lắng, phiền muộn. Những năm tháng ở Hà Nội, Lộc cùng với một anh bạn hùn nhau mua chiếc xe máy để đi lại. Chiếc xe ấy với anh là phương tiện hữu ích để đến Nhà Chúa nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Trong những cuộc đấu tại nhiều đấu trường đó đây, có khi chỉ cách vị trí cao nhất chỉ trong gang tấc, chúng tôi hỏi có bao giờ anh “giận” đối thủ? Anh trả lời : “Có gì đâu mà bực tức đối phương, đó là do mình chưa bằng bạn, chỉ có chút tiếc thôi. Judo là nhu đạo, là con đường của sự hòa hợp, uyển chuyển. Bình tĩnh chấp nhận tất cả là một trong những điều chúng tôi phải học cho bằng được”.
Rút lui khỏi đội tuyển judo quốc gia, anh Lộc về quê theo học Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng và làm trợ lý huấn luyện viên để góp phần đào tạo thế hệ sau. Tâm huyết của anh là truyền lại cho lớp đàn em những giá trị tích cực của nhu đạo, hòa cùng tinh thần chan hòa, yêu thương của đạo Chúa để giới võ thuật có thêm nhiều võ sĩ chơi đẹp và sống cũng đẹp.
![]() |
MAI LAN
Bình luận