Trước năm 1980, tôi được quen biết Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình một cách bình thường. Nhưng biến cố sau đây đã khiến tôi mến phục Ngài sâu sắc, kèm theo sự gần gũi thân tình.
Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình |
1/ Một lý tưởng khôn ngoan
Biến cố đó xảy ra ở Rôma, khi các Đức Giám mục Việt Nam đến Tòa Thánh, với bức Thư Chung mục vụ 1980.
Thời gian lưu lại Rôma khá dài. Một ngày nọ, Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình gặp riêng tôi. Ngài nói với tôi : “Tòa Thánh có dự định đưa Đức cha về Sài Gòn làm phụ tá, dự phòng cho tương lai phức tạp. Sau một thời gian cân nhắc, tôi đã trình với Tòa Thánh là theo tôi dự kiến đó không thích hợp. Vì lý do sức khỏe, Đức cha nên ở lại Long Xuyên. Vừa sẽ có lợi cho Hội Thánh, vừa sẽ có lợi cho tất cả Đất Nước. Tòa Thánh đã đồng ý rút lại dự định”.
Qua tâm sự trên đây, tôi thấy Đức Tổng Phaolô đặt vấn đề trong hai cái lợi Ngài nhắm tới. Vừa có lợi cho Hội Thánh, vừa có lợi cho Đất Nước. Phải lợi cho cả hai bên, đó là lý tưởng của Ngài.
ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình trong dịp mừng thượng thọ bát tuần tại Chủng viện Sài Gòn |
Gặp gỡ trên đây với tâm sự chân thành của Đức Tổng Phaolô đã làm tôi gần gũi Ngài với tinh thần cộng tác. Càng gần gũi Ngài, tôi càng thấy Ngài luôn trung thành với lý tưởng tìm kiếm lợi ích vừa cho Hội Thánh vừa cho Đất Nước. Động cơ nung nấu lý tưởng đó là tình mến Chúa nồng nàn. Chúa yêu thương Hội Thánh Việt Nam. Chúa yêu thương Quê hương Việt Nam.
2/ Một cuộc sống bình dị
Đường hướng trên đây không được Đức Tổng Phaolô cắt nghĩa nhiều trên lý thuyết, nhưng được Ngài thực hiện cụ thể hằng ngày trong đời sống mục vụ và truyền giáo.
Đời sống của Đức Tổng Phaolô là một đời sống bình dị, xuề xòa, dễ thương. Tiếp xúc với Ngài, mọi người đều cảm nhận được tình thương và sự trân trọng, kèm theo một sự khiêm tốn, hiền lành.
ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình trong một lần đến thăm tòa báo CGvDT |
Có lần, tôi nói với Ngài: “Con được tháp tùng Đức Tổng trong nhiều cuộc tiếp tân, cả đời cả đạo. Con thấy Đức Tổng đôi lúc ngủ gục. Nhưng khi phải phát biểu, Đức Tổng nói một cách tỉnh táo. Ai cũng khen”. Ngài trả lời tôi : “Có gì lạ đâu. Tôi nói thực lòng tình cảm của tôi. Tình cảm của tôi là tất cả sự trân trọng, tất cả lòng yêu mến. Lúc thức cũng thế. Khi ngủ cũng vậy”. Tôi hiểu Ngài nói dí dỏm, nhưng dí dỏm đó mang nhiều thận trọng.
Đức Tổng Phaolô đúng là một tấm lòng cao cả. Đề cao cái tâm của Ngài không có nghĩa là coi thấp cái trí của Ngài. Thực sự, cái tâm của Ngài đã dựa trên nền tảng Phúc Âm và Công đồng Vatican II, cũng như được hỗ trợ bởi một nền tu đức có nhiều kinh nghiệm.
3/ Những tự hào chính đáng
Với cái vốn thiêng liêng đó, Đức Tổng Phaolô tự hào vì được thuộc về Hội Thánh Công giáo và được thuộc về Đất Nước Việt Nam.
Với những tự hào chính đáng đó, Đức Tổng Phaolô đã can đảm giữ một địa vị quan trọng trong việc đưa Hội Thánh Việt Nam đi vào giai đoạn mới : “Đồng hành với đất nước,sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.
Lối sống ấy nay đã phổ biến và trở thành lựa chọn dấu ấn quan trọng trong lịch sử đạo Công giáo tại Việt Nam.
Kết quả là Hội Thánh Việt Nam thời Ngài đã được trân trọng, phát triển và có một chỗ đứng đáng vị nể trong Đất Nước Việt Nam có nhiều giá trị cũ mới.
4/ Một giáo đoàn cởi mở
Sẽ là một thiếu sót lớn, nếu tôi không nói tới một nâng đỡ đặc biệt của Đức Tổng Phaolô. Nâng đỡ đó là giáo phận thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh ví tựa một cánh đồng hoa tươi thắm. Có nhiều hương tu đức. Có nhiều sắc trí thức. Sức sống như những dòng chảy hướng về biển cả mông mênh. Nên cách suy nghĩ thường cởi mở, chan hòa.
Thực tại như thế là một khát vọng “ra khơi” một cách hiền hòa, yêu thương, phục vụ, sáng tạo. Đức Tổng Phaolô đã được đặt làm người đứng đầu thực tại phong phú đó. Ngài phục vụ như người đầy tớ, đúng tinh thần người mục tử tốt lành. Ngài biết đoàn chiên và thương đoàn chiên. Đoàn chiên nghe Ngài và thương mến Ngài.
Thêm vào đó, Đức Tổng Phaolô cũng đã được xã hội cảm phục. Các nhà cầm quyền coi Ngài như một người bạn đáng tin. Như thế, Ngài là một lợi ích lớn lao cho Hội Thánh, đồng thời cũng là lợi ích đáng kể cho Đất Nước.
Thời gian cuối đời của Đức Tổng Phaolô là những tháng ngày đau đớn. Tôi hay đến thăm Ngài. Tôi đọc được nơi Ngài lời Chúa Giêsu phán xưa : “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
5/ Một tượng đài trân trọng
Hôm nay, nhớ về Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, tôi hết lòng cảm tạ Chúa đã cho Hội Thánh và Đất Nước tôi một người mở đường.
Ngài vừa có cái tâm, vừa có cái tầm. Cái tâm của Ngài là tấm lòng nhân ái bao dung đầy tinh thần hòa giải. Cái tầm của Ngài là cái tầm nhìn xa, xuyên suốt các trở ngại, hướng về một tương lai an bình, yêu thương, hợp tác chân thành trong bác ái giữa Đạo và Đời.
Trong tôi có hình ảnh của Ngài. Như một tượng đài làm chứng cho bác ái Phúc Âm.
Để mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đức TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình
(01.9.1910/ 01.09.2010)
Bình luận