Dựa theo các bản văn Kinh Thánh: Lc 22,14-20; Mt 26; Mc 14; Ga 13,1tt và nhất là 1Cr 11,23-26, có thể nói, thánh lễ đầu tiên được Đức Giêsu cử hành trong nhà Tiệc Ly khi Người thiết lập Bí tích Thánh Thể.
Sau ngày Chúa về trời, chắc chắc các Tông đồ đã thi hành lời Chúa dạy: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,10). Tuy nhiên, thực hành này bắt đầu từ khi nào và cử hành ra sao thì không rõ. Có lẽ các Tông đồ đã thực hiện chỉ ít ngày sau lễ Hiện Xuống. Còn về cách thức, nên xem xét khía cạnh sau: trong số các Tông đồ, không ai là tư tế Do Thái, là thầy Lêvi hay là người đứng đầu Hội đường cả. Vì thế, kinh nghiệm của họ chỉ là của người gia trưởng và có lẽ các Tông đồ sẽ mô phỏng những gì Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly, đồng thời kết hợp với những nghi thức truyền thống của người Do Thái cử hành tại gia, tức là chủ tọa bữa ăn Vượt Qua và bữa tối Sabat, những bữa tiệc có tính nghi thức tôn giáo.
Thánh lễ không phải là những gì có sẵn và cố định nhưng hình thức của thánh lễ được thay đổi theo thời gian. Trước tiên, như được cử hành tại giáo đoàn Côrintô (1Cr 11,17-34), thánh lễ được liên kết với một bữa ăn, gọi là Bữa ăn Bác ái hay Bữa tiệc Huynh đệ (Agape) diễn ra mỗi tuần một lần và vào buổi chiều. Các tín hữu hội họp tại một tư gia rộng rãi, họ mang theo những món ăn để chia cho nhau trong tình tương thân tương ái. Sau bữa ăn này, họ cử hành thánh lễ hay Bữa tối của Chúa, như họ thường gọi, tức cử hành Eucharistia: [1] vị chủ tọa sẽ đọc lời truyền phép trên bánh và rượu như Đức Giêsu đã làm rồi cũng chia cho nhau ăn uống.
Như vậy, ở thời điểm này, người ta ghi nhận có hai bữa tiệc: Agape và Eucharistia. Khi hoàn tất cuộc hành trình truyền giáo thứ III, thánh Phaolô, trên đường đi Giêrusalem, đã ghé lại thành Troas, và sách Tông đồ Công vụ kể lại:
“Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để Bẻ bánh. Ông Phaolô thảo luận với các anh em, và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm.8 Có khá nhiều đèn ở lầu trên, nơi chúng tôi họp nhau.9 Một thiếu niên kia, tên là Êutykhô, ngồi ở cửa sổ, đã thiếp đi và ngủ say trong khi ông Phaolô vẫn cứ giảng. Vì ngủ say, nên nó ngã từ tầng thứ ba xuống. Vực lên, thì nó đã chết.10 Ông Phaolô xuống, cúi mình trên nó, ôm lấy và nói: “Đừng xôn xao nữa, vì nó sống mà!”11 Rồi ông lên, Bẻ bánh và ăn. Ông còn nói chuyện khá lâu, mãi đến tảng sáng mới ra đi.12 Người ta đưa cậu bé đang sống về, và ai nấy được an ủi không ít” (Cv 20,7-12).
Đoạn văn vừa trích cho chúng ta biết nhiều điều: 1] Trước hết, ngày hội họp là ngày Chúa nhật; 2] Cử hành Thánh Thể cũng vào Chúa nhật; 3] Việc giảng giải được liên kết với cử hành Thánh Thể; 4] Thời gian cử hành còn là buổi tối và ban đêm; 5] Thánh Thể còn liên kết với Bữa ăn Huynh đệ. Ngoài ra, đoạn văn: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ Bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến” (Cv 2,46-47), chứng tỏ là có hai phần Phụng vụ: 1] Các Tông đồ và những người mới được thánh tẩy thường xuyên đến Đền thờ để nghe Sách Thánh, đây là phần Phụng vụ thứ I; 2] Sau đó họ trở về tư gia để bắt đầu phần Phụng vụ thứ II (lễ Bẻ bánh). Theo thánh Luca, “Bẻ bánh” quy chiếu vào Phụng vụ Thánh Thể.
Chúng ta không biết thời gian thực hành hai phần Phụng vụ tách rời này kéo dài bao lâu. Nhưng lý do Kitô giáo bỏ luôn Phụng vụ Đền thờ dường như do các nhà lãnh đạo Do Thái áp đặt lên các Tông đồ. Họ cho bắt bớ và ngược đãi các Tông đồ của Chúa, ra lệnh ném đá Stêphanô (từ năm 44). Mới đầu, các tín hữu tổ chức buổi Phụng vụ Lời Chúa ở nơi khác ngoài Đền thờ, trước còn tách rời với việc Bẻ bánh, nhưng dần dần đã được liên kết lại làm nên phần tiền thánh lễ, tức phần Phụng vụ Lời Chúa hiện nay. Trong cuộc hành hình vị tử đạo tiên khởi Stêphanô, chúng ta biết đến một thanh niên tên là Saolô giữ áo cho những kẻ bạo hành (x. Cv 6,8 - 8,3). Chỉ một vài năm sau đó, chính chàng thanh niên Saolô, hơn bất cứ một người nào khác, đã tách ly hoàn toàn Phụng vụ Do Thái ra khỏi Phụng vụ Kitô giáo. Nếu như trước đây, những người Do Thái đích thực phải cắt bì mới được tham dự vào Phụng vụ Do Thái và có chỗ dành riêng cho họ; những người phụ nữ tuy có sân riêng cho họ cũng như họ được phép hiện diện trong buổi phụng tự Hội đường nhưng không được tham dự tích cực vào, trong khi đó, để tham dự vào Phụng vụ Kitô giáo, chỉ cần một điều kiện duy nhất là đã lãnh nhận phép Thanh Tẩy: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được Thanh Tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô.28 Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,27-28).
Lễ bẻ bánh tại tư gia |
Việc tách rời thánh lễ ra khỏi Bữa ăn Huynh đệ là vì có những lạm dụng xảy ra liên quan đến chuyện ăn uống. Trước tình trạng này, Thánh Phaolô (x. 1Cr 11,17-27) đã phải lên tiếng khiển trách các tín hữu, vì nhiều người trong họ, đặc biệt là những người giàu, đã đem lương thực riêng của mình đến với buổi họp mặt, nhưng lại túm nhau theo bè theo cánh của mình mà nhậu nhẹt say sưa, không chia sẻ và không thèm đếm xỉa đến ai, nhất là những người nghèo không thể mang gì đến. Rõ ràng, sau Bữa ăn Huynh đệ theo kiểu cách tồi tệ như thế, nhiều kẻ không còn tâm tình và điều kiện thích hợp để dự tiệc Thánh Thể nữa. Tệ nạn này không những xảy ra ở Côrintô mà còn nhiều nơi khác. Vì thế, ngay từ thế kỷ I, người ta đã phải tách rời lễ Bẻ bánh (Eucharistia) ra khỏi Bữa ăn Huynh đệ (Agape). Một lý do khác nữa là vì số lượng tín hữu tham dự mỗi ngày một thêm đông, vượt quá những cuộc hội họp chung quanh một bàn ăn đến độ người ta thôi không lồng tiệc Thánh Thể vào một bữa ăn nữa mà phải cử hành riêng rẽ. Lúc này, việc các tín hữu ngồi xuống dùng bữa ăn với nhau trở nên thứ yếu và không còn tồn tại, chia sẻ bánh và rượu sẽ được nhìn như một Bữa tiệc Hy tế thực sự. Khi không còn liên kết hai bữa ăn với nhau nữa, dù Bữa ăn Huynh đệ còn tiếp tục tồn tại tới thế kỷ III hay IV, và vẫn còn được tổ chức vào buổi chiều, nhưng cử hành Thánh Thể đã dược chuyển sang ban sáng. Việc chuyển đổi này đã xảy ra rất sớm, có lẽ ngay trong thế kỷ I.[2]
Joseph Jungmann đưa ra nhiều lý do khiến người ta cử hành thánh lễ vào buổi sáng, đặc biệt là sáng Chúa nhật. Thật ra trước đó, Kitô giáo đã thay đổi cử hành Phụng vụ từ ngày Sabat (thứ Bảy) sang ngày Chúa nhật, chính xác là chiều Chúa nhật vì chính trong buổi chiều “ngày thứ I” của ngày Sáng tạo mới (Chúa nhật), Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện đến chia sẻ bữa ăn với các môn đệ của Ngài. Một tuần sau nữa, Ngài lặp lại hành động đó, lần này có sự hiện diện của Tôma (x. Ga 20, 19-29; Cv 20,7-11). Joseph Jungmann lập luận rằng Chúa nhật là ngày tuởng niệm Chúa sống lại, và bởi Người sống lại vào buổi sáng, nên thánh lễ cũng được cử hành vào buổi sáng, lúc mặt trời mọc, vì mặt trời cũng tượng trưng cho Chúa Giêsu, Mặt Trời công chính, và lúc mặt trời mọc cũng được coi như thích hợp để nhắc tới việc Người Phục sinh.[3] Điều này phù hợp với báo cáo của ông Plinius Trẻ - Tổng trấn xứ Bithynien - trình lên hoàng đế Trajan (khoảng năm 111-113) về sinh hoạt của một số Kitô hữu mà ông ta đã cho bắt và hỏi cung. Plinius tường trình rằng: nhóm Kitô hữu này có thói quen tụ tập lại vào một ngày cố định, thường là trước khi mặt trời mọc (stato die ante lucem) để ca tụng Thiên Chúa của họ, một ông Chrestos nào đó, bằng cách hát luân phiên các Ca vịnh (Hymnus); họ cũng khuyến bảo nhau không được phạm tội ác; sau đó họ giải tán, để đến chiều trở lại cùng dùng chung một bữa cơm thanh đạm (chắc là bữa ăn Agape).[4]
Phần Phụng vụ Lời Chúa, ban đầu, theo tập tục của người Do-thái, các tín hữu đọc sách Luật và sách các Ngôn Sứ, xen kẽ bằng những Thánh vịnh Đáp ca hay những Thánh ca Cựu Ước khác. Dần dần, họ đã thêm vào những bài Tân Ước, đó là những bút tích của các Tông đồ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy” (Cv 4,42); “Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tín cẩn, những người ấy sẽ có khả năng dạy cho người khác” (2 Tm 2,2).
Phần Phụng vụ Thánh Thể, kinh Tạ Ơn được kế thừa từ Nghi thức Do Thái giáo trong đó bao gồm những lời chúc tụng dâng lên Đấng Tối Cao, cũng bao gồm cả lời tri ân cảm tạ vì những ơn lành Chúa ban trong công trình sáng tạo cũng như vì Giao Ước Ngài đã thiết lập với dân riêng của Ngài, qua đó, Ngài chăm sóc và bảo vệ họ. Tuy nhiên, kinh Tạ Ơn trở nên phong phú hơn nhờ nội dung của Kitô giáo như thêm vào việc tưởng nhớ Bữa tiệc Cuối cùng và những việc Chúa Kitô đã thực hiện trong lịch sử cứu độ. Kinh Tạ Ơn của Ki-tô hữu cũng khẩn nài cho Giáo hội - Israen mới của Chúa (x. Gl 6,16). Đối với Kitô hữu, đỉnh cao việc ghi nhớ quà tặng của Chúa chính là tưởng niệm Hy Lễ Tạ Ơn của Giao Ước mới.
Lm Giuse Phạm Đình Ái, Dòng Thánh Thể
_______________________________
1 Xc. Heliodoro Lucatero, The Living Mass, Missouri : Liguori Publications, 2011), 9.
2 Plinius, Ep. ad trajanum, 10, 96, trích lại trong Trần Đình Tứ, op. cit., 14.
3 Jungmann Josef Andreas S.J., Der Gottesdienst der Kirche, 3. Aufl. Tyrolia 1962, 40-41, trích lại trong Trần Đình Tứ, loc. cit.
4 Trích lại trong Robert Cabié, History of the Mass, (Porland, Oregon : Pastoral Press, 1992), 10.
Bình luận