Thoáng qua giáo đoàn Khmer

PHÚ KHANG

Cách thành phố Sóc Trăng khoảng 30 cây số, nhà thờ Trung Bình Khmer tọa lạc tại ấp Chợ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, giữa vùng quê đang trên đà đổi mới. Cái nắng rát miền Nam vào mùa khô dường như buộc những ai dừng chân ghé vào đều phải nheo mắt mới có thể nhìn rõ ngôi thánh đường ẩn hiện đường nét kiến trúc Khmer.

Ngôi thánh đường ẩn hiện nét kiến trúc Khmer

Hiện diện cách đây 128 năm nhưng lịch sử ghi nhận quá trình thành lập, phát triển họ đạo lại khá mỏng. Từng trải qua thời gian dài vắng bóng chủ chăn đồng hành, có lúc tưởng chừng không thể trụ vững song bổn đạo nơi đây kiên tâm không để hư hao hạt giống đức tin mà các cha Thừa sai đã gieo vãi. Đồng hành cùng bà con hiện tại là linh mục Phêrô Huỳnh Văn Ngợi, quản xứ từ năm 2006, sau khi cha sở tiền nhiệm Gioan Kim Khẩu Võ Văn Việt về hưu. Năm 2007, nhận thấy đời sống giáo dân sắc tộc Khmer khá khó khăn, cùng dân trí thấp, Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận, Giám mục giáo phận lúc bấy giờ quyết định nhờ các giáo hữu người Kinh thuộc họ đạo Bãi Giá, cách đó khoảng một cây số, tới giúp bà con. Đến nay, các “khách mời” vẫn đang tiếp tục hỗ trợ Ban phục vụ nhà thờ trong việc điều hành, tổ chức các sinh hoạt, mục vụ chung.

Số người Công giáo trong tổng số 800 nhân danh gốc Khmer có cuộc sống căn cơ ổn định chiếm tỷ lệ không đáng kể, số còn lại đều bấp bênh, phải bươn chải nhọc nhằn suốt tháng quanh năm. Phần lớn các gia đình lấy nghề đánh bắt cá biển làm điểm tựa kinh tế, nên chuyện bội thu hay thất thu cũng tùy theo thời tiết. Mặt khác, không đủ phương tiện và ngư cụ để có thể đi lưới xa bờ cũng là rào cản và họ cũng không muốn đánh đổi sự may rủi vào mỗi lần ra khơi nên một số chuyển sang làm thợ hồ hay công nhân trong các xí nghiệp.

Núi Đức Mẹ được làm phép ngày 12.3.2016

Tuy phải chống chọi với cuộc sống, song không vì thế mà bà con phai lạt đời sống thiêng liêng, đặc biệt tinh thần tương thân tương ái đối với những anh em khổ cực, bất hạnh hơn mình. Từ năm 2015, bữa cơm gia đình quy tụ những người neo đơn, bán vé số, già cả... được họ đạo bắt đầu tổ chức. Sau thánh lễ Chúa nhật lúc 9 giờ, không phân biệt lương hay giáo, chừng 40 - 50 người quây quần, dùng chung bữa trưa đậm tình thân, rộn tiếng cười. Cách riêng, với các anh chị em phục vụ trong bếp, đây là dịp để họ sát lại gần nhau, làm lan tỏa ngọn lửa yêu thương ra chung quanh. Như ông Thạch Tiên, một thành viên trong Ban phục vụ họ đạo cảm nhận: “Chúng tôi dù nghèo, không dư dả gì nhưng bên cạnh còn có những người kém may mắn gấp mấy lần. Của ít lòng nhiều, người góp công, kẻ góp của, vậy mà vui, thấy ý nghĩa”.

Tồn tại giữa cộng đồng người Kinh đông đảo, những giáo hữu Khmer xúm xít trong các phum sóc (thôn ấp), gắng giữ lấy nét văn hóa nguồn cội dân tộc. Cùng tư tưởng và ý nghĩ đó, qua nhiều cách thức khác nhau, cha Ngợi giúp họ duy trì những phong tục tập quán, tránh nguy cơ bị “loãng” hay mai một trong thời buổi giao thoa, hội nhập. Đều đặn Chúa nhật hằng tuần, cạnh ba thánh lễ tiếng Kinh là một lễ bằng tiếng Khmer. Để có những sách bài đọc, kinh kệ, tài liệu thánh ca bằng tiếng Campuchia, cha liên hệ với giáo phận Nam Vang nhờ cung cấp, hỗ trợ. Còn dịp lễ Giáng sinh, những điệu múa với trang phục truyền thống Khmer luôn hiện diện trong phần biểu diễn văn nghệ và hoạt cảnh.

Họ đạo Trung Bình Khmer do các cha Thừa sai Pháp thành lập năm 1888 với tên gọi ban đầu là Preah Vihea Đông Kà Đôn, có nghĩa “nhà thờ cây cột buồm”, nhận thánh Micae làm bổn mạng. Còn tên họ đạo, cũng là tên địa sở hành chánh hiện nay, được ghép từ tên hai xã Hội Trung và Hội Bình khi sáp nhập.

Nhìn về tương lai, khi trẻ em chỉ có thể nói chứ không đọc và viết được tiếng mẹ đẻ, trong lúc ông bà, cha mẹ hầu hết đều thất học, ít chữ nghĩa và bận bịu làm ăn, nhà trường lại càng không giảng dạy ngôn ngữ dân tộc, cha Ngợi nhận thấy cần giải cứu gấp tình trạng “báo động” này: “Tụi nhỏ là người sẽ kế thừa việc đọc Thánh Thư, tham gia ca đoàn trong họ đạo, vì thế hệ hiện giờ rồi cũng già đi. Muốn bảo toàn, gìn giữ văn hóa mà không có các ‘cánh tay nối dài’ thì thật khó thực hiện biết bao”. Vì lẽ trên, cha quyết định trực tiếp dạy cho các em con chữ và số đếm Khmer. Trước những giờ lễ chiều trong tuần, “thầy trò” cùng lên lớp, dù thông thường chỉ trên dưới 10 em. Khóa này kết thúc, lớp khác được mở ra, vang dậy tiếng đánh vần, đọc bài rôm rả.

Cũng không ngoài ước mong góp phần tạo nên dáng dấp, dấu ấn của xứ đạo Khmer, bên cạnh kiến trúc của ngôi nhà thờ khánh thành năm 2008, còn là núi Đức Mẹ được làm phép vào dịp lễ giỗ 70 năm của cha FX Trương Bửu Diệp (12.3.2016) với bức tượng Đức Maria dắt tay Chúa Giêsu trong trang phục, màu sắc, kiểu dáng dân tộc. Một số giáo dân trong xứ tâm tình: “Đó là Đức Mẹ Khmer của riêng người Khmer”.

*

Đến Trung Bình Khmer, khách thập phương khó thể quên những bà con sắc tộc với làn da đen xạm đặc trưng, đời sống đạo phong phú và nét văn hóa Khmer được nâng niu, bảo tồn.

PHÚ KHANG

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Đối thoại trong sứ vụ loan báo Tin Mừng
Đối thoại trong sứ vụ loan báo Tin Mừng
Ngày 30.10.2024 tại giáo phận Long Xuyên đã diễn ra buổi hội thảo với chủ đề: “Đối thoại trong sứ vụ loan báo Tin Mừng”.
Sống đạo Hiếu
Sống đạo Hiếu
Hơn 200 cụ thuộc tôn giáo bạn và 19 anh chị em tân tòng tham dự chương trình “Người Công giáo sống đạo hiếu”.
Caritas TGP Huế giúp dân vượt khó khăn sau bão Trà Mi
Caritas TGP Huế giúp dân vượt khó khăn sau bão Trà Mi
Caritas TGP Huế đã tổ chức thăm viếng và trao nhu yếu phẩm cho các hộ dân chịu thiệt hại sau bão số 6 (bão Trà Mi).
Đối thoại trong sứ vụ loan báo Tin Mừng
Đối thoại trong sứ vụ loan báo Tin Mừng
Ngày 30.10.2024 tại giáo phận Long Xuyên đã diễn ra buổi hội thảo với chủ đề: “Đối thoại trong sứ vụ loan báo Tin Mừng”.
Sống đạo Hiếu
Sống đạo Hiếu
Hơn 200 cụ thuộc tôn giáo bạn và 19 anh chị em tân tòng tham dự chương trình “Người Công giáo sống đạo hiếu”.
Caritas TGP Huế giúp dân vượt khó khăn sau bão Trà Mi
Caritas TGP Huế giúp dân vượt khó khăn sau bão Trà Mi
Caritas TGP Huế đã tổ chức thăm viếng và trao nhu yếu phẩm cho các hộ dân chịu thiệt hại sau bão số 6 (bão Trà Mi).
Cà phê thánh ca: “Thầy ở cùng anh em”
Cà phê thánh ca: “Thầy ở cùng anh em”
Tối 27.10.2024, hơn 30 bạn trẻ giáo xứ Mẫu Tâm, hạt Xóm Chiếu, TGP TPHCM đã tham gia chương trình cà phê thánh ca với chủ đề “Thầy ở cùng anh em”
Tiếp nối cuộc đời
Tiếp nối cuộc đời
Những ngày cuối tháng 10, tôi cùng gia đình về xứ đạo quê nội để sửa sang mộ phần người thân. 
Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc: Niềm vui đầu năm học mới
Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc: Niềm vui đầu năm học mới
Ngày 22.10, trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc đã tổ chức lễ khánh thành, làm phép ký túc xá mới, trao bằng tốt nghiệp và khai giảng năm học 2024-2025.
Ðối thoại gắn kết tha nhân
Ðối thoại gắn kết tha nhân
Là chủ đề của chương trình hội ngộ liên tôn lần thứ XIV do Ban Mục vụ Ðối thoại Liên tôn - TGP TPHCM tổ chức vào ngày 27.10.2024.
Nên thánh
Nên thánh
Qua việc tuyên thánh 14 chân phước vào ngày 20.10.2024, Ðức Thánh Cha Phanxicô hiện là vị Giáo Hoàng đã tuyên thánh 926 vị,  vượt qua vị tiền nhiệm của ngài là Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên thánh 483 vị trong gần 27 năm triều giáo hoàng...
Hướng dẫn mục vụ an táng dần đi vào đời sống xứ đạo
Hướng dẫn mục vụ an táng dần đi vào đời sống xứ đạo
Cùng với việc lễ lạt, tiệc mừng, hướng dẫn về mục vụ an táng của giáo phận Long Xuyên được phổ biến vào tháng 8.2024 đến nay đã có những hiệu ứng tích cực, dần đi vào đời sống xứ đạo ở nhiều nơi.